14/05/2011 08:17 GMT+7

"Mặt trời bé con" ở Trường Sa

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Trường Sa quả là không xa thật khi ngoài hàng lính hải quân nghiêm chào đón khách còn có cả những bóng phụ nữ tần tảo và nụ cười hồn nhiên, tinh nghịch của những đứa trẻ. Như bất kỳ làng quê VN nào.

xUOGlxfK.jpgPhóng to
Bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân (sinh ngày 4-4-2011 tại bệnh xá đảo Trường Sa Lớn trong ca mổ qua cầu truyền hình với Bệnh viện 175) đang trở thành niềm vui lớn nhất của Trà My, Minh Nguyệt - hai chị của bé - và tất cả anh chị khác trên đảo - Ảnh: P.Vũ

Trà My, Minh Nguyệt, Mi Sen, Chin Si ở đảo Trường Sa Lớn đón chúng tôi bằng những nụ cười tươi rỡ và rất nhanh quấn lấy những người khách lạ như với người thân lâu ngày gặp lại, ríu rít dẫn đi tham quan hòn đảo thiên đường của mình. Những thiêng liêng của Trường Sa bỗng trở nên bình dị, thân quen. Bước chân các em tung tăng từ cột mốc, đường băng, hải đăng sang nhà tưởng niệm Bác Hồ, nhà văn hóa, chùa Trường Sa Lớn...

“Không sợ chó sói”

Người lớn chùng lòng lại khi bắt gặp ở Trường Sa những trò chơi tuổi thơ đã lâu lắm không còn thấy ở thành phố: trốn tìm, rồng rắn lên mây, lò cò, nhảy dây... Những trò chơi dân dã như ngàn xưa dẫn mỗi người về với những miền ký ức.

Những khắc nghiệt trong cuộc sống của quân và dân hải đảo, những quên mình vì lý tưởng, những nhớ thương vì xa cách tưởng như sẽ hiển hiện trong mỗi chiếc lá bàng, trong mỗi giọt nước ngọt, mỗi khối không khí đậm hơi biển lại như chợt lùi xa trước những bước chạy tung tăng.

“Đường băng này tụi con tập xe đạp, ở chùa, nhà tưởng niệm Bác Hồ thì nhiều chỗ trốn để chơi năm mười, nhà đèn thì đẹp lắm nhưng các chú ít cho lên vì sợ tụi con ngã...” - Chin Si líu lo kể. Mi Sen, Trà My, Minh Nguyệt, Quỳnh Hương thì cứ dõi mắt lên những cành xanh tìm quả bàng vuông, những bông hoa bàng trắng muốt, thơm ngát, những trái tra tím sẫm như quả nho, những vỏ ốc đủ màu trên bãi cát để làm quà tặng khách. “Có đoàn đến thăm tụi con vui lắm”, Trà My thủ thỉ kể. “Cô vô nhà con ăn cơm đi”, “Nhà con nữa”, “Hay cô chia ra nhé, ăn nhà mỗi đứa một nửa?”. Cuối cùng, đề nghị ngộ nghĩnh của bé Nguyệt đã được cả nhóm chấp nhận để “chia khách cho vui đều”.

Lòng hiếu khách hiếm có của các em khiến tôi chợt nhớ đến bài học cảnh giác mà đứa trẻ nào cũng được dạy từ câu chuyện những chú dê con và chó sói tinh ranh nhúng chân trong thùng bột, giả giọng làm mẹ. Học cảnh giác nhưng trẻ con vẫn luôn hồn nhiên và vô tư, vẫn sẵn lòng tin tưởng và yêu thương, không loại trừ cả những đứa trẻ sống ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc.

Vừa đặt chân lên đảo Sinh Tồn, gặp ngay anh em bé Trần Anh Nhật, Trần Anh Thái, cậu bé 5 tuổi ôm lấy cánh tay tôi thủ thỉ: “Về nhà con ở đi, có nhiều phòng lắm”. Nhật thì xăm xắn xách ngay chiếc balô thỏ thẻ: “Để con xách giùm, con học lớp 1 rồi mà”.

Hỏi các bé có biết câu chuyện về chó sói hay phù thủy độc ác không, Thái hồn nhiên: “Con biết chứ, nhưng cô chú đâu phải chó sói, đâu phải phù thủy”. Hỏi nữa: “Nếu có người xấu thì sao?”, vẫn ánh mắt và nụ cười trong veo ấy trả lời: “Có kẻ ác thì đã có các chú bộ đội”. Ừ nhỉ, đã có các chú bộ đội, chúng tôi chợt ngẩn người khi nhận ra tính hay lo xa của người lớn có thể làm mất sự vô tư của trẻ em nhanh đến mức nào.

8AjKWU3f.jpgPhóng to

Lò cò, trò chơi thường xuyên nhất của các bé trên đảo Sinh Tồn - Ảnh: P.Vũ

UXs6pSYB.jpgPhóng to
Các em rất thích thú với món quà mới: trò choi vui học hỏi nhanh - đáp gọn - Ảnh: P.Vũ
AUJqtyt5.jpgPhóng to
Hồn nhiên trước Nhà đèn đảo Trường Sa lớn - Ảnh: P.Vũ
vkuCNCm7.jpgPhóng to
Một đám cây xấu hổ mọc bên đường băng sân bay đảo Trường Sa lớn cũng mang đến rất nhiều chuỗi cuời giòn - Ảnh: P.Vũ

Đơn sơ hạnh phúc

Mi Sen hồ hởi giới thiệu vườn đu đủ trĩu quả nhà em và thành thạo chọn một quả chín hái mời khách. Đu đủ được cắt ra, đỏ hồng, ngọt lịm đúng như lời đồn về đặc sản Trường Sa, nhưng tất cả các em đều từ chối không ăn. Trà My chạy về nhà, lát sau đã hớn hở chạy sang, tay cầm chùm nho mau mắn chia cho mỗi em mấy quả, còn thơm thảo mời cả khách đến từ thành phố.

Chùm nho ấy anh Thi và chị Thúy đã cạy cục suốt sáu tháng nay mới gửi mua được 2kg cho các con. My giải thích giọng người lớn: “Đu đủ cũng ngon nhưng ở đây chỉ có một loại trái cây đó nên tụi con ngán lắm”. Thu Hiền ở đảo Sinh Tồn còn tỏ ra người lớn hơn khi nhận bọc táo, thành thạo chia đều làm chín phần: “Ở đây không có trái cây, nhiều lần các cô trong bờ gửi ra đây đều bị nẫu hết. Tụi con thích trái cây hơn bất cứ thứ gì”.

Vào thăm phòng học của chị em Trà My, Minh Nguyệt, thấy rất nhiều thùng giấy. My giải thích: “Các cô chú trong bờ gửi ra cho tụi con nhiều quà lắm. Bánh kẹo tụi con ăn không hết để dành đó. Cặp xách cũng không dùng hết. Ba con gửi mua sữa tươi thì nhiều khi đến nơi mẹ bảo đã hết hạn rồi, không uống được nữa...”.

Nhiều người trong đoàn giật mình nhớ đến những gói bánh kẹo mình vừa nâng niu mang từ trong bờ ra, nhớ cảnh các em cẩn thận chia nhau từng viên phômai và bóc ăn tại chỗ ngon lành mà xót ruột. Chị Thúy nhìn Trường Xuân đang mút chùn chụt bình sữa âu yếm tiếp lời con: “Sinh ra ở đảo, bé hình như cũng hiểu hoàn cảnh của cha mẹ mà dễ tính. Mình sinh mổ nên ít sữa, các cô chú, các đoàn khách mỗi người đến tặng một hộp sữa, đủ loại nhưng bé đều chịu ăn...”.

Ý Vi cười toe khoe món ngon mà em và tất cả các bạn ở đảo Sinh Tồn đều thích là kem. Thỉnh thoảng, mẹ của Vi lại làm kem cho cả nhóm bằng cách pha sữa hộp với sirô và để vào tủ đá. “Không được như kem con đã ăn ở siêu thị trong bờ nhưng ở đây có vậy là ngon rồi”. Câu nói dường như lớn hơn tuổi lên 7 của Vi. Kỷ niệm mà Vi nhớ nhất là lần được về Nha Trang chơi, được ngồi ở phía trước xe máy, đi siêu thị, đi công viên.

Các em đều mong có một ngày được về bờ, và nhấn mạnh “cùng với ba mẹ”. Chúng tôi mau chóng được hiểu ngay lý do của cái vế đính kèm với ước mơ ấy.

“Tôi đến từ Trường Sa”

Các xã đảo của huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đều chỉ tổ chức được chương trình học đến lớp 4. Thiếu cơ sở vật chất, giáo viên, thiếu phương tiện giảng dạy. Hết lớp 4, các em sẽ phải bắt đầu cuộc sống xa nhà để vào bờ tiếp tục học. Hè năm nay, ở Trường Sa Lớn có Trà My, Viết Hiền, ở Sinh Tồn có Thu Hiền đang chuẩn bị lên lớp 5, chuẩn bị xa nhà, chuẩn bị tự lập ở tuổi lên 10.

Từ giờ đến cuối tháng, chuyến tàu cuối cùng đến thăm đảo là các em sẽ lên đường. Hành trang chỉ có vài quyển vở và rất nhiều nỗi nhớ. Trà My đã bắt đầu viết thư để lại Trường Sa từ bây giờ, bài làm văn khó nhất mà em bảo viết mãi không xong: “Chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ rời xa mảnh đất thương yêu này, rời xa ba mẹ và các em tôi, xa các em nhỏ trong khu dân cư đã cùng tôi mỗi ngày chạy xe đạp trên đường băng. Tôi sẽ không bao giờ quên được những hương vị trái cây trên đảo Trường Sa này, hằng ngày tôi cùng các em quây quần dưới gốc cây bàng, cây tra, chờ trái chín chia sẻ cùng nhau...”.

Là con duy nhất trong nhà, Thu Hiền bảo ngày nào em cũng thấy mẹ khóc, đêm thì đến lượt ba khóc. Mẹ dặn Hiền vào Nha Trang với nhà bà nội phải ngoan, phải gắng học, không được đi tắm biển một mình, đi xe đạp xuống dốc phải cẩn thận, không được theo lời rủ rê của người lạ... Tôi có thể tưởng tượng hàng ngàn điều dặn dò trong lòng người mẹ khi con gái đến một thành phố xa, nhất là khi cô bé 10 tuổi ấy đến từ Trường Sa.

Hỏi các em có sợ, có buồn không, tất cả đều lắc đầu quả quyết: “Buồn thì có, sợ thì không. Tụi con ở Trường Sa mà, tụi con biết sẽ phải vào bờ một mình”. Nhiều anh chị lớn của các bé đã đi trước, và đến lượt mình, các em cũng sẽ đi, sẽ tự tin giới thiệu rằng: “Tôi đến từ Trường Sa”. Trà My nói em biết sau tháng 6 này đảo sẽ buồn lắm vì vắng bóng em, vì vắng những đoàn tàu khách trong mùa mưa bão. “Con sẽ cố gắng học để ba mẹ vui, sẽ cố dành dụm để gửi đồ chơi, trái cây ra cho các em” - My thì thầm tiết lộ dự định bí mật của mình.

Đêm Trường Sa biển thăm thẳm, trời thăm thẳm và lấp lánh những ánh sao. Đảo nhỏ chưa đủ để thấm mệt sau một vòng chạy và gương mặt các em vẫn sáng rỡ như những “mặt trời bé con”. Mặt trời bé con ngập tràn bình yên Trường Sa.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên