Phóng to |
Phát ấn là nguyên nhân dẫn đến chen lấn, giẫm đạp trong lễ khai ấn đền Trần (ảnh chụp tại lễ khai ấn đền Trần, TP Nam Định tối 16-2-2011) - Ảnh: Thuận Thắng |
Sau báo cáo tóm tắt của UBND TP Nam Ðịnh về công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại đền Trần, trong đó có đề cập lễ khai ấn (Tuổi Trẻ ngày 18, 19, 21, 22 và 26-2), nhiều thành viên trong đoàn công tác của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cũng như lãnh đạo UBND tỉnh “chất vấn” vào những vấn đề trọng tâm, như: “Với tình trạng lộn xộn như vậy thì hướng xử lý thế nào? Có nên tiếp tục phát ấn hay dời thời gian phát ấn?”.
29 người bị thương và ngất xỉu
“Chúng tôi đã làm việc với nhà đền và họ cho biết sẽ nghiên cứu dời thời gian phát ấn sang ngày 15 tháng giêng thay vì phát ngay trong đêm 14 để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy. Lễ khai ấn, phát ấn là do nhà đền đứng ra tổ chức. Bây giờ nếu bỏ phát ấn thì nhân dân thập phương vẫn cứ đến. Nếu không có sự can thiệp của chính quyền, cơ quan chức năng thì tình hình sẽ căng thẳng, bức xúc hơn”.
Phát biểu này của ông Nguyễn Viết Hưng - chủ tịch UBND TP Nam Ðịnh - chưa nhận được sự đồng tình của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh: “Nói như vậy là không được. Chúng ta không bao giờ được từ bỏ vai trò quản lý nhà nước đối với việc quản lý, tổ chức lễ hội. Dư luận đang đặt câu hỏi trong lịch sử có ghi chép việc phát ấn rộng rãi như hiện nay không? Vấn đề đặt ra bây giờ là có nên tổ chức phát ấn nữa hay không?”.
Bộ trưởng cũng cho biết việc chính quyền và nhà đền cho dựng thêm dãy nhà khung thép mái tôn với diện tích 108m2 phía trước đền Trùng Hoa (trong khu di tích đền Trần - NV) tổ chức phát ấn cho du khách là vi phạm Luật di sản văn hóa. Cần phải tháo dỡ những công trình đó ngay.
Cũng tại buổi làm việc này, thanh tra bộ cung cấp thông tin (tỉnh Nam Ðịnh không báo cáo trong văn bản) trong lễ khai ấn, phát ấn vừa qua có đến 29 người bị thương và ngất xỉu. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã tăng cường lực lượng nhưng vẫn không thể kiểm soát được tình hình. Nếu không có giải pháp tích cực thì tình trạng chen lấn, xô đẩy vẫn cứ diễn ra.
Tổ chức lại lễ phát ấn như xưa
Với góc độ là cơ quan nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Chí Bền, viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, cho biết hiện nay biên độ việc phát ấn đã mở ra rất rộng và không thể kiểm soát được, cứ như tình hình hiện nay sẽ lan rộng hơn rất nhiều trong những năm tới. “Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy sẽ vẫn tiếp tục lễ khai ấn theo đúng nghi lễ truyền thống, còn việc phát ấn phải nghiên cứu cặn kẽ chứ không nên để như hiện nay. Mấy năm gần đây đã xuất hiện tình trạng thương mại hóa việc phát ấn. Ðiều này báo chí đã phản ánh” - ông Bền nói.
Ðại diện lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở, thành viên trong đoàn công tác của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, khẳng định đến thời điểm này chưa có một nghiên cứu cũng như tài liệu lịch sử đáng tin cậy nào cho biết có việc phát ấn rộng rãi như hiện nay. Ðây chính là nguyên nhân dẫn đến sự chen lấn, giẫm đạp ngoài tầm kiểm soát. Nếu chỉ tiến hành khai ấn thì việc quản lý, tổ chức không khó, còn tiếp tục phát ấn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Kết thúc buổi làm việc, trước đề nghị “tiếp tục phát ấn trong lễ khai ấn đền Trần” của tỉnh, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói việc tiến hành lễ khai ấn thì không phải bàn vì đó là tục lệ có từ xa xưa. Nhưng còn câu chuyện phát ấn, đặc biệt phát ấn rộng rãi như hiện nay thì không thể lý giải nổi. “Giao Viện Nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, UBND TP Nam Ðịnh nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý, tổ chức lễ khai ấn, phát ấn phải trở lại như nó vốn có” - bộ trưởng chỉ đạo.
Theo nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Nam Ðịnh Nguyễn Xuân Năm - người từng tham gia nghiên cứu phục hồi lễ khai ấn, nếu trở lại việc phát ấn như vốn có thì sau khi khai ấn chỉ phát ra ba ấn để thờ trong ba di tích: chùa Phổ Minh, đền Trần và đền Cố Trạch.
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng báo cáo của UBND TP Nam Định vẫn chưa nhìn thẳng vào sự thật khi nêu những tồn tại, hạn chế của lễ khai ấn vừa qua. Báo cáo chỉ cho thấy đối với lễ khai ấn đêm 14 tháng giêng, lượng du khách về dự quá đông, phương tiện giao thông nhiều, lực lượng giám sát không đủ nên việc kiểm soát, trông coi phương tiện giao thông trên địa bàn và khu vực di tích còn hạn chế. Các điểm phát ấn quá ít so với số lượng nhân dân và du khách có nhu cầu nhận lộc ấn đầu xuân và không phù hợp (không có lối ra) gây tình trạng chờ đợi lâu, chen lấn tạo sơ hở cho kẻ gian hoạt động trong đêm khai ấn. Trong phần đánh giá chung, UBND TP Nam Định khẳng định lễ khai ấn đã “tạo ấn tượng tốt đối với du khách thập phương và nhân dân về dự lễ hội”. Đáng nói hơn, khi đề cập lịch sử lễ khai ấn cũng như phát ấn, UBND TP Nam Định không thể trích dẫn được tư liệu lịch sử nào ghi chép về lễ khai ấn, phát ấn mà vẫn chỉ “theo truyền thuyết”. |
__________
Tin bài liên quan:
Lễ khai ấn: một sáng tạo độc đáo?!Bi hài chuyện khai ấnLễ hội: văn hóa hay cuồng tín?Kinh hoàng chen lấn xin ấn cầu danhLỗi của lễ khai ấn?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận