Một bảo tàng quy mô, nơi lưu giữ những dấu tích thiêng liêng của lịch sử, lại trở thành một “thương hiệu” uy tín trong... tổ chức đám cưới và quán nhậu. Những chỉ dấu quan trọng của một xã hội văn minh đang bị “tổn thương” nặng nề.
Nói đến thư viện, bảo tàng là nói đến biểu trưng về tri thức và văn hóa của một xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều quốc gia văn minh, thư viện, bảo tàng được xây dựng cực kỳ bề thế, uy nghiêm và sang trọng.
Người ta sẵn sàng dành những vị trí đẹp nhất, đầu tư không tiếc tiền của để dựng lên những “thánh đường” văn hóa này. Do vậy, nhìn cách người ta hành xử với thư viện và bảo tàng cũng phần nào thể hiện trình độ dân trí và mức độ văn minh của một quốc gia.
Nhìn cảnh đông đúc nhưng trầm mặc, uy nghiêm của thư viện, cảnh nườm nượp dập dìu của bảo tàng xứ người mà ta không khỏi chạnh lòng. Chính sự nhận thức sẽ dẫn tới hai hình ảnh, hai bức tranh trái ngược nhau về thư viện và bảo tàng như thế.
Đã đến lúc cần phải định nghĩa lại thư viện và bảo tàng, cũng như nhận thức lại vai trò của các chủ thể liên quan đến thư viện và bảo tàng (gồm cơ quan quản lý, xã hội thụ hưởng, những người làm công tác thư viện, bảo tàng). Nhận thức đúng sẽ giúp các cơ quan quản lý có được những chính sách hợp lý để phát huy sứ mệnh và đảm bảo “sự toàn vẹn” của những “thánh đường” này.
Về phần mình, những người làm công tác thư viện, bảo tàng sẽ ý thức được vai trò và sứ mệnh lớn lao của mình để họ không còn bó mình trong cái chức danh là thủ thư hoặc nhân viên bảo tàng nữa, mà sẽ thật sự là những người giữ “đền”, những cầu nối về tri thức, văn hóa cho cả cộng đồng.
Ngược lại, nếu không có nhận thức đúng, thư viện chỉ dừng lại ở vị trí là kho chứa sách, là nơi học bài có máy lạnh...; còn bảo tàng chỉ là nơi lưu giữ một số hiện vật của quá khứ... Thậm chí do không phát huy hết công năng, lại được thừa hưởng vị trí đắc địa và không gian lý tưởng, thư viện, bảo tàng chắc chắn sẽ không thể không bị đe dọa bởi “tư duy cho thuê”. Biểu tượng do vậy khó tránh khỏi nguy cơ bị xâm hại!
Xã hội càng văn minh thì thư viện và bảo tàng càng ý nghĩa. Và trong xã hội văn minh, những giá trị vô hình luôn được đề cao và coi trọng hơn những giá trị vật chất hữu hình. Đó cũng là lý do vì sao ở nhiều nước, các tỉ phú thường chọn cách hiến tặng cho xã hội bằng việc xây thư viện, bảo tàng hoặc trường học.
Để thư viện và bảo tàng có thể hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, cũng như được gìn giữ như những biểu tượng của một xã hội văn minh thì cần phải thay đổi nhận thức, từ đó dẫn đến những thay đổi trong hành động.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Cổ vật... ở nhờKỳ 2: Bảo tàng “hữu danh vô thực”Kỳ 3: Cổ vật “triệu đô” thiếu kho chứaPhải “bán” sản phẩm bảo tàng cho công chúng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận