30/08/2010 06:25 GMT+7

Cổ vật... ở nhờ

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Tồn tại trên giấy từ năm thành lập (1982), Bảo tàng Hà Nội đã có 28 năm chờ đợi nhưng vẫn chưa có được một không gian, mặt bằng để chứa đủ số hiện vật của 1.000 năm tích tụ.

Với chức năng bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể cũng như phi vật thể, hệ thống bảo tàng của VN đã chuyển đến công chúng, những nhà nghiên cứu các thông điệp quan trọng làm cơ sở cho nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, vẫn có những bảo tàng đến nay chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được nhu cầu của mọi người…

Loạt bài “Thất vọng bảo tàng” đặt lại vấn đề này như một cách kỳ vọng vào tương lai tươi sáng hơn của các bảo tàng ở nước ta.

kGO9W1uA.jpgPhóng to
Phần mái bằng vải bạt của nhà kho khu di tích Đống Thây chỉ còn trơ lại phần khung tre - Ảnh: Hà Hương
Theo bạn, các bảo tàng ở địa phương bạn đang ở là:
Đáng để ghé tham quanTừng ghé một lần, và không dự định ghé lạiChỉ nên ghé tham quan khi có triển lãm đặc biệtKhông biết ở địa phương mình có những bảo tàng nào

Nếu so với 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chưa từng có một bảo tàng riêng thì con số 28 năm chờ đợi quả là ít ỏi. Nhưng những hiện vật nằm im lìm trong kho sẽ phải chờ đợi đến bao giờ khi cái mốc hoàn thành Bảo tàng Hà Nội được TP ấn định (30-4-2010) đã qua hơn 100 ngày?

Nghìn năm chờ một bảo tàng

Không ai có thể đưa ra con số chính xác hiện Bảo tàng Hà Nội đang nắm giữ số lượng bao nhiêu cổ vật. Hơn nữa, số cổ vật này quý thế nào và liệu chúng ta đã giải mã hết chưa vẫn là một câu hỏi không lời đáp.

Đến cả các nhà sử học cũng hoàn toàn “mông lung” với con số thống kê bởi không phải cứ có giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản là có thể bước qua cánh cổng ở số 5 Hàm Long (Hà Nội), nơi trú tạm của Bảo tàng Hà Nội.

Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Hà Nội là nơi tiếp nhận hiện vật của tất cả các cuộc khai quật khảo cổ trên địa bàn Hà Nội. Từ kho vũ khí thời Lê dưới lòng hồ Ngọc Khánh được phát hiện cách đây 30 năm đến những hiện vật thu được trong quá trình khai quật ở các di tích thời Cổ Loa tại Đông Anh, Hà Nội hồi tháng 5-2010 đều được quy về một mối là Bảo tàng Hà Nội.

Đó là chưa kể đến số lượng hiện vật, những di cốt từ thời Bắc thuộc khai quật được ở đàn Nam Giao, những hiện vật thuộc về lịch sử Hà Nội mà các nhân viên Bảo tàng Hà Nội sưu tầm được.

Người ta chỉ biết đến những cổ vật này tại thời điểm nó được phát lộ, tuy nhiên từ đó tới nay đến cả các nhà sử học cũng chưa từng được nhìn lại.

Nhiều năm trước PGS.TS Nguyễn Minh Tường nghe được thông tin Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ bộ 78 con dấu các tiểu khu Hà Nội xưa. Khi tìm đến kho của bảo tàng đặt ở chùa Hưng Ký (quận Hai Bà Trưng), dù có giấy giới thiệu của Viện Sử học VN, ông vẫn bị cán bộ bảo tàng từ chối.

Bảo tàng Hà Nội hầu như không tiết lộ bất cứ một thông tin gì về số hiện vật đang bảo quản.

Ngoài chùa Hưng Ký, một số lượng lớn cổ vật thuộc Bảo tàng Hà Nội đang được niêm phong “nội bất xuất ngoại bất nhập” tại các nhà kho “tạm trú” khắp TP Hà Nội.

Phơi nắng cổ vật

Đến nay, Bảo tàng Hà Nội có ít nhất bốn kho giữ hiện vật phân bố rải rác khắp TP. Ngoài kho của Bảo tàng Hà Tây cũ, cổ vật còn gửi ở Bảo tàng Lịch sử VN và khu nhà kho nằm trong khu di tích chùa Đống Thây (quận Thanh Xuân)...

Nhưng kho lâu đời nhất của Bảo tàng Hà Nội có lẽ nằm ở chùa Hưng Ký. Sư trụ trì cho biết khu giảng kinh của chùa đã được trưng dụng làm nhà kho suốt gần 40 năm nay. Từ những năm 1970 khu giảng kinh đã được cơi nới thêm phần hành lang, bảo tàng cũng mở một cổng khác để đi riêng chứ không dùng cổng với nhà chùa.

Khi chúng tôi tìm đến chùa Hưng Ký, cả sư trụ trì và nhiều nhà sư khác đều lo lắng: không biết làm cách nào để sử dụng lại khu giảng kinh vì khuôn viên của nhà chùa đã quá hẹp! Hiện nay, các nhà sư phải giảng kinh trên chánh điện, những phật tử khác muốn lên chùa thắp hương đành phải đợi giờ giảng kinh xong mới vào.

Tình trạng này đã kéo dài gần 40 năm nay rồi.

Sư trụ trì chùa Hưng Ký cho biết nhà chùa nhiều lần làm đơn xin TP trả lại toàn bộ khu giảng kinh nhưng đã hứa mấy lần rồi vẫn chưa thực hiện. Lần gần đây nhất là đầu năm 2010, TP Hà Nội “hứa” sẽ chuyển toàn bộ hiện vật đi trước ngày 30-4 nhưng đến nay vẫn chẳng thấy ai nhắc đến chuyện đi hay ở nữa!

Nhìn sang phần kho đặt tại chùa, những mảng tường vôi đã tróc lở vì ẩm thấp. Bên trong cánh cổng sắt cao đóng im ỉm, chỉ thấy vài ba chiếc xe máy của cán bộ bảo tàng đến làm việc.

Một số lượng hiện vật lớn khác cũng đang “sống” trong hòm nhôm tại kho của Bảo tàng Lịch sử hàng chục năm. Ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Bảo tàng Hà Nội, thở dài: “Bảo tàng Lịch sử nhiều năm nay đòi trả lại mặt bằng quyết liệt rồi, chúng tôi cũng chưa biết làm thế nào (!)”.

Hai ngôi mộ táng đẹp nhất có niên đại hàng nghìn năm được khai quật tại khu khảo cổ Đình Chàng (Dục Tú, Đông Anh) hồi tháng 6-2010 vừa được chuyển giao cho Bảo tàng Hà Nội.

Nhưng ít ai ngờ rằng những hiện vật đó giờ nằm chỏng chơ bên ngoài nhà kho bảo tàng ở khu di tích Đống Thây. Hai ngôi mộ này được bó thạch cao, đặt trên một hộp gỗ bắc ngang mặt đất. Bên trên chỉ có một tấm bạt treo hờ hững để che mưa nắng. Dù mới được chuyển về đây một thời gian ngắn song bên ngoài lớp thạch cao đã mốc meo.

Nhưng số phận của hai ngôi mộ này còn may mắn hơn hàng nghìn cổ vật khác đã chịu cảnh đắp bạt suốt nhiều năm nay. Nhìn qua khe cửa khóa kín của cái vốn được gọi là nhà kho này, chúng tôi không khỏi hoảng hốt vì các hiện vật chỉ được bọc nilông rồi tấp vào các sọt nhựa xếp chồng lên nhau. Số khác thì được cho vào bao tải, cũng chất đống ở một góc nhà. Dù vậy, tấm bạt được dùng làm mái nhà lâu nay đã bị gió mưa đánh hỏng chỉ còn trơ phần khung tre.

Phía sau nhà kho này là hàng chục tượng đài, bia đá... bỏ lăn lóc, chiếc ngồi chiếc đứng, cả bức tượng của một vị vua cũng ngồi hắt hiu ở rìa ngoài cạnh tấm bạt mặc bao mưa nắng.

Trên một khu đất trũng cỏ mọc um tùm, nhân viên bảo vệ ở khu di tích chỉ cho chúng tôi xem những gò đống được phủ bạt. Ông bảo: “Cũng đều là cổ vật của bảo tàng cả đấy, để ngoài trời suốt mấy năm nay chưa thấy chuyển đi”.

Dù chẳng biết mấy về giá trị lịch sử của những ngôi mộ táng nhưng ông chép miệng “đối xử với xương cốt các cụ thế thì có tội chết”. Trong những gò phủ bạt này còn có rất nhiều cổ vật được bó thạch cao để trong hộp gỗ, không biết đến bao giờ mới hết cảnh đắp bạt đợi bảo tàng.

Chưa biết khi nào về “nhà mới”

Ông Nguyễn Văn Hùng cũng không biết bao giờ có thể “chuyển về nhà mới”. Ông bảo điều đó phải hỏi Sở Xây dựng Hà Nội và Ban dự án Bảo tàng Hà Nội. Còn Bảo tàng Hà Nội thì chịu!

Ông Hùng cho biết hiện giờ kho của bảo tàng mới vẫn chưa xong nên cũng không biết bao giờ mới có thể chuyển.

Trong bản báo cáo mới nhất về tiến độ các công trình mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội của UBND TP Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội thuộc nhóm công trình “bắt buộc” phải hoàn thành trước ngày 1-10. Tuy nhiên, báo cáo này cũng nhìn nhận với tiến độ như hiện nay, đến mốc đại lễ, Bảo tàng Hà Nội chỉ có thể “cơ bản” hoàn thành.

Có nghĩa là toàn bộ tòa nhà và các phương án trưng bày có thể sẽ không thực hiện được như dự kiến.

______________

Kỳ tới: Bảo tàng “hữu danh vô thực”

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên