Phóng to |
Bà Huỳnh Ngọc Vân nghe ông Ross (bìa phải) - giám đốc Bảo tàng Redland - giới thiệu về mô hình “touch table” - Ảnh: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh |
Kỳ 1: Cổ vật... ở nhờKỳ 2: Bảo tàng “hữu danh vô thực”Kỳ 3: Cổ vật “triệu đô” thiếu kho chứa
Ðây là điều còn tương đối mới mẻ với hệ thống bảo tàng Việt Nam. Bà Vân chia sẻ với độc giả Tuổi Trẻ về vấn đề này:
- Nhiều chuyên gia quan niệm bảo tàng phải "sống" chứ không quá tĩnh lặng, như vậy mới có thể giúp khách hưởng thụ, cảm nhận văn hóa phi vật thể. Gần đây Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thường xuyên tổ chức cho các cháu nạn nhân chất độc da cam biểu diễn ca hát, sản xuất hàng lưu niệm. Chính điều này đã làm một lãnh đạo của Cục Di sản văn hóa - Bộ VH-TT&DL ngạc nhiên, vì từ trước tới nay mọi người khó hình dung chúng ta có thể tổ chức các chương trình biểu diễn ở một bảo tàng chuyên đề về tội ác chiến tranh như thế.
Từ chuyện nhỏ... như cái chú thích
Trong mỗi chuyến công tác nước ngoài, chúng tôi luôn yêu cầu được gặp gỡ làm việc, tham quan các bảo tàng trong thời gian rảnh. Hầu như chưa ban tổ chức nào từ chối, vì thế chúng tôi được tiếp cận, được giải thích cặn kẽ về những hoạt động của bảo tàng xứ người.
Một trong những bài học quan trọng là các nước đều có chính sách công chúng để kết nối bảo tàng với công chúng.
Công chúng là trung tâm Cùng với sự phát triển của đời sống văn hóa, chúng ta không thể nghĩ về bảo tàng chỉ với một số chức năng như bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của hiện vật, tài liệu... như trước nữa. Hiện bảo tàng cần phục vụ công chúng tích cực. Bảo tàng có công trình nghiên cứu thì kết quả nghiên cứu cũng phải dùng để phục vụ công chúng, sưu tập được hiện vật thì công chúng phải được chiêm ngưỡng. Quan niệm mới về bảo tàng hiện đang được chia sẻ ở nhiều nước: bên cạnh hiện vật, công chúng cũng là trung tâm của bảo tàng. |
Các bảo tàng bạn thực hiện chính sách công chúng bắt đầu bằng cách phân loại công chúng: khách đến bảo tàng là người địa phương hay từ nơi khác đến; người lớn hay trẻ em; đến cùng gia đình, tổ chức hay cá nhân... Trong đó, du khách chỉ là một dạng công chúng và ngành bảo tàng các nước thường đánh giá "du khách không phải là công chúng thủy chung với bảo tàng". Tuy nhiên, với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, quan niệm này có vẻ không phù hợp, bởi có những du khách đã trở lại đây đến bảy lần để tham dự nhiều hình thức hoạt động khác nhau mà họ hết sức yêu thích.
Quan tâm đến chính sách công chúng sẽ tạo cho bảo tàng một sắc diện mới. Nhớ hồi năm 2006, sau khi được dự một lớp do chuyên gia Pháp tập huấn về chính sách công chúng, cụ thể là trẻ em, chúng tôi đã áp dụng bằng cách thực hiện chương trình giáo dục "Hòa bình cho trẻ thơ" nhân dịp Tết Nguyên đán năm đó. Các hình thức vui chơi sinh hoạt như: thi nặn mo cau, dán lá phục hồi cây bị hủy hoại, vẽ tranh, giới thiệu sách, chiếu phim về hòa bình cho các em... diễn ra trong một tháng rưỡi, thu hút 2.000 cháu tham gia, có cả các cháu khuyết tật, thiếu nhi nước ngoài... tạo dư luận tốt, để lại nhiều ấn tượng, cảm tình sâu sắc đối với bảo tàng.
Sau đó chúng tôi thể nghiệm công trình "Chú thích dành cho thiếu nhi". Những chuyện nhỏ như... cái chú thích vậy mà nhờ chuyên gia nước ngoài giải thích, hướng dẫn mới biết người ta chú trọng thế nào: chú thích dưới mỗi bức hình, mỗi hiện vật phải súc tích, ngắn gọn hơn, cỡ chữ to hơn, dán ở vị trí thấp hơn... để các cháu dễ đọc.
Kết nối cộng đồng với bảo tàng
Chúng tôi thấy ở Việt Nam nên nghiên cứu và áp dụng chính sách công chúng trong các bảo tàng càng sớm càng tốt. Bởi nếu không chúng ta sẽ khó tránh khỏi sự đơn điệu trong hoạt động bảo tàng. Việc quảng bá cho bảo tàng cũng nằm trong chính sách công chúng này.
Chúng tôi đã bắt đầu ngay từ khâu đổi mới tổ thuyết minh thành tổ tuyên truyền, chủ động cử cán bộ tới các trường học mời khách đến bảo tàng... Cách làm ấy giúp nhân viên bảo tàng năng động hơn. Chúng tôi còn chuyển thể các chuyên đề triển lãm gần gũi với công chúng như "Tình yêu trong chiến tranh", "Phụ nữ trong khói lửa chiến tranh" thành triển lãm lưu động để phục vụ nhân dân, bộ đội, thanh thiếu niên ở vùng sâu, vùng xa.
Ở Úc có Bảo tàng tổng hợp Redland, cả giám đốc và nhân viên đều là tình nguyện viên không ăn lương và người ta có chính sách, chế độ đặc biệt dành cho tình nguyện viên. Toàn bộ hiện vật của Bảo tàng Redland đều do người dân vùng đó gửi tặng. Bảo tàng Redland còn tổ chức cả hòa nhạc cổ điển, nhạc hiện đại để thu hút khách. Ðặc biệt là hầu hết bảo tàng đều rất quan tâm đến thiếu nhi, tổ chức các góc sinh hoạt vui chơi, khám phá cho thiếu nhi, xây dựng những chương trình dành riêng cho các cháu định kỳ hằng tháng, hằng quý.
Bảo tàng Toowoomba đã phục dựng các cửa hàng buôn bán nhỏ theo kiểu cổ xưa để các cháu đóng vai chủ tiệm và khách hàng... Những hình thức ấy đã tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng các cháu về bảo tàng, lớn lên, cảm tình ấy sẽ lại đưa các cháu đến với bảo tàng không chỉ một lần.
Yếu tố cốt lõi trong chính sách công chúng là phương pháp phân tích công chúng và xây dựng chương trình cho từng loại công chúng theo hướng: mang tính giáo dục cao, kết nối cộng đồng với bảo tàng,trẻ em với gia đình, khiến cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn khi đến với bảo tàng.
Nhiều cách tiếp cận công chúng
Với quan niệm công chúng cũng là trung tâm của bảo tàng, người ta có nhiều cách tiếp cận công chúng khác nhau. Bảo tàng Vì hòa bình thế giới Kyoto (Nhật Bản) tổ chức hình thức chiếc bàn "cho phép sờ" (touch table): khách đến chiếc bàn này để mang thử chiếc balô người lính đã mang trong chiến tranh... như một cách trải nghiệm cảm xúc qua từng hiện vật.
Bảo tàng Tưởng niệm hòa bình ở Hiroshima cũng có "touch table" với những hiện vật để ở bàn như chai lọ, mảnh ngói vỡ, mảnh bêtông bị bom nguyên tử nung chảy..., khách tham quan có thể sờ vào để cảm nhận như thể mình đang chứng kiến hậu quả của bom A.
Ở Úc, Bảo tàng xe lửa, Bảo tàng Redland cũng có "touch table": người ta để các loại kìm cổ, búa cổ, các dụng cụ cổ xưa của ngành đường sắt, của thợ rèn, thợ mộc và công chúng có thể cầm xem, săm soi tìm hiểu để thỏa mãn tâm lý tò mò trước hiện vật bảo tàng.
Bảo tàng Toowoomba thực hiện hình thức "chiếc hộp lưu động" (travelling box): nhân viên bảo tàng mang từng thùng hiện vật là công cụ lao động cổ xưa (hiện không còn sử dụng nữa) đến các trường học kể cho học sinh nghe những câu chuyện lý thú về các nghề thủ công truyền thống.
Qua những giờ ngoại khóa từ các chuyên gia bảo tàng như vậy, học sinh hiểu được cách sử dụng công cụ lao động cổ xưa, biết khâm phục các nghệ nhân, tự mình tìm cách kế thừa, gìn giữ những di sản quý báu đó.
Chính sách công chúng trong bảo tàng sẽ tích cực góp phần thu hút cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận