01/03/2014 18:22 GMT+7

Bỏ điểm sàn, điểm chuẩn sẽ ra sao?

THÚY HẰNG - NGỌC TÀI
THÚY HẰNG - NGỌC TÀI

TTO - Câu hỏi này đã được bạn Nguyễn Thị Huỳnh Như, Trường THPT Vĩnh Bình, đặt ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2014 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Tiền Giang tổ chức sáng 1-3.

Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn học sinh đã có mặt tại Trường đại học Tiền Giang để chờ đến giờ tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh, đồng thời để nêu lên thắc mắc của mình.

XnUZUs7j.jpgPhóng to
Ngay từ sáng sớm hơn 3.000 học sinh đã có mặt tại Trường ĐH Tiền Giang để tham dự buổi tư vấn tuyển sinh 2014 - Ảnh: Thúy Hằng

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, mở đầu buổi tư vấn bằng các thông tin về một số điểm mới của kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học 2014 và thông tin về kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng của các học sinh Tiền Giang trong năm 2013.

Các học sinh tỏ ra khá phấn khích với kết quả tỉnh có hai trường nằm trong top 200 trường có điểm trung bình thi đại học, cao đẳng cao nhất nước. Trong đó Trường THPT chuyên Tiền Giang xếp vị trí thứ 34.

fLSoYbxq.jpgPhóng to
Ban tư vấn giải đáp thắc mắc của học sinh trong phần tư vấn chung - Ảnh: Thúy Hằng

Đừng quá trông chờ nguyện vọng bổ sung

Mở đầu phần tư vấn tuyển sinh chung là câu hỏi về việc lựa chọn ngành nghề và tìm việc như thế nào cho phù hợp với năng lực của bản thân.

Thạc sĩ Lâm Tường Thoại, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng học sinh cần phải xác định rõ bốn yếu tố trước khi chọn nghề, đó là: nghề có phù hợp với sở thích, đam mê của bản thân; nghề có phù hợp với kỹ năng, thế mạnh của bản thân; có thể sống bằng nghề đã chọn hay không; nghề đó sẽ phát triển như thế nào trong tương lai.

Thạc sĩ Thoại nhấn mạnh muốn xác định được bốn yếu tố này học sinh cần có công cụ chọn nghề phù hợp đó là tìm sự tư vấn từ ban tư vấn, từ thầy cô, cha mẹ và phải nên tìm hiểu từ chính những người đang làm ngành nghề đó.

“Không nên nhìn ngành nghề ở bề nổi mà nên nhìn rõ giá trị thật của nghề đó. Sau khi chọn ngành xong phải biết chọn trường phù hợp với năng lực. Kết quả thi thành công hay không phụ thuộc vào chọn trường phù hợp sức học của mình. Các bạn có thể chọn một ngành với sức học ở trung cấp, cao đẳng chứ không nhất thiết phải là đại học” - thạc sĩ Thoại chia sẻ.

Câu hỏi của bạn Nguyễn Thị Huỳnh Như, Trường THPT Vĩnh Bình, được TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá là một câu hỏi khó nhưng rất hay. Như hỏi: “Em nghe nói là năm nay không lấy điểm sàn, vậy nếu mức độ đề thi như mọi năm thì điểm thi sẽ lấy theo hướng như thế nào?”.

82TbIW28.jpgPhóng to
Học sinh đang tìm hiểu thông tin trong cẩm nang tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Thúy Hằng

TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, tư vấn: “Năm nay dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ bỏ điểm sàn, nếu bỏ điểm sàn thì có hai tín hiệu. Tín hiệu vui là đại bộ phận thí sinh dự thi bởi vì khi dự thi chỉ có khoảng 50% là đạt từ điểm sàn trở lên. Tín hiệu thứ hai là rất nhiều trường lo lắng về chất lượng tuyển sinh đầu vào. Giả sử như Bộ GD-ĐT chính thức quyết định bỏ điểm sàn cao đẳng, đại học năm 2014 thì các em thí sinh, đặc biệt là thí sinh ở mức học trung bình, trung bình khá có tâm lý trông vào nguyện vọng bổ sung thì các em phải cân nhắc. Bởi vì đã bỏ điểm sàn thì gần như các trường, đặc biệt là những trường khó tuyển sinh người ta sẽ xây dựng mức điểm chuẩn để làm sao có thể tuyển được ngay từ đầu cho đủ thí sinh của trường mình. Vì vậy ngay trong việc chọn ngành, chọn nghề các em phải hạ quyết tâm trúng tuyển ngay từ nguyện vọng đầu tiên”.

TS Mai cũng chia sẻ thêm năm nay Bộ GD-ĐT đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT với bốn môn thi trong đó có hai môn tự chọn, hai môn bắt buộc. Và gần như tất cả học sinh sẽ lựa chọn môn tự chọn gần với khối thi của mình, như vậy sẽ dẫn đến tình huống những học sinh đang giỏi sẽ có kết quả kỳ thi đại học càng cao hơn, thành ra những học sinh có mức học vừa phải thì phải có sự tăng tốc và nỗ lực nhiều hơn nữa. Học sinh phải cảnh giác trong việc lựa chọn ngành, chọn trường. Nếu như hi vọng vào nguyện vọng bổ sung thì năm nay sẽ khó hơn. Một khi đã bỏ điểm sàn rồi thì kể cả các trường công lập cũng xây dựng điểm chuẩn lấy từ cao xuống thấp.

7QCgiVcj.jpgPhóng to
Học sinh viết câu hỏi cho ban tư vấn - Ảnh: Thúy Hằng

Học sư phạm kỹ thuật ra trường sẽ có bằng gì?

Rất nhiều học sinh đến chương trình tư vấn tuyển sinh lần này với định hướng rõ ràng mình sẽ dự thi vào khối ngành nào, nên ngay trong phần tư vấn chung các em đã chọn hẳn cho mình một chuyên gia tư vấn và đặt câu hỏi trực tiếp mà không cần phải đợi vào khu vực tư vấn chuyên sâu. Nhiều câu hỏi mang tính chất định hướng ngành nghề cho cá nhân nhưng cũng đem lại nhiều thông tin bổ ích cho các học sinh khác.

Bạn Đoàn Thị Kim Phụng, Trường THPT Phan Việt Thống, hỏi: “Ngành thiết kế thời trang đang nằm trong những ngành có cảnh báo là sẽ ngừng tuyển sinh nhưng năm 2014 thì thông tin tuyển sinh vẫn có. Em muốn biết là việc tuyển sinh có diễn ra bình thường không và nếu tuyển sinh xong thì có đủ đội ngũ để đào tạo hay không?”.

Zut6LEnD.jpgPhóng to
Bạn Đoàn Thị Kim Phụng thắc mắc có hay không việc dừng tuyển sinh ngành thiết kế thời trang - Ảnh: Thúy Hằng

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Thiết kế thời trang hiện nay là ngành đặc thù, hiện đang được đào tạo tại các trường ĐH Mỹ thuật, ĐH Kiến trúc, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Do là ngành đặc thù và thuộc khối mỹ thuật nên Bộ GD-ĐT đã cho phép đào tạo với điều kiện trường có sáu thạc sĩ chứ không cần tiến sĩ. Và như vậy các trường đã giải trình thì đã được chấp nhận và ngành thiết kế thời trang năm nay vẫn tuyển sinh bình thường. Riêng với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm nay khác với các năm trước, trường chuyển sang đề án tuyển sinh riêng. Học sinh muốn thi vào ngành thiết kế thời trang chỉ cần có điểm bình quân môn văn của năm học kỳ lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 trên 5,5 là được đăng ký dự thi. Thí sinh sẽ dự thi đợt 1 và chỉ cần thi hai môn là toán và vẽ (hệ số 2)”.

Bạn Hoài Thu, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, thắc mắc: “Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tên gọi là sư phạm vậy chương trình đào tạo có liên quan gì đến sư phạm hay không, ra trường sẽ lấy được bằng kỹ sư hay bằng sư phạm”.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ: “Mặc dù tên trường là Đại học Sư phạm TP.HCM nhưng yếu tố sư phạm hiện nay chỉ còn 20% thôi, yếu tố công nghệ, kỹ thuật chiếm hết 80%. Khi đăng ký dự thi vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật trừ ngành sư phạm Anh văn, toàn bộ các ngành khác của trường đều phải thi vào khối ngành công nghệ. Sau khi đậu vào thì trường sẽ cho phép lựa chọn hai hướng: nếu học chương trình bốn năm sẽ được cấp bằng kỹ sư, còn em nào muốn được miễn học phí thì đăng ký vào 9 chương trình sư phạm kỹ thuật nhưng phải qua nộp đơn và qua hội đồng phỏng vấn để xem khả năng ăn nói thế nào. Điểm khác biệt là các em này sẽ học 4,5 năm, khi ra trường các em sẽ được cấp hai bằng là bằng kỹ sư và bằng sư phạm, cơ hội việc làm cao hơn”.

yqeWG33h.jpg
THÚY HẰNG - NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên