05/04/2013 06:58 GMT+7

Một "nhà" không nên có hai "sàn"

MINH GIẢNG - NGỌC HÀ ghi
MINH GIẢNG - NGỌC HÀ ghi

TT - Bên cạnh những rắc rối từ khâu kỹ thuật, nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng việc định ra hai điểm sàn sẽ còn nhiều “tác dụng phụ” mà Bộ GD-ĐT phải cân nhắc và xem xét kỹ trước khi quyết định.

qIWwvqBP.jpgPhóng to
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, Q.3, TP.HCM nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm 2013 tại trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

* PGS.TS Nguyễn Văn Thư (hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM):

Không cần thiết có hai điểm sàn

Việc áp dụng hai mức điểm sàn như vậy sẽ tạo tâm lý phân biệt khi sinh viên nhập học vào trường. Tất nhiên, một số trường vì mục tiêu số lượng vẫn áp dụng mức sàn dưới sau khi đã xét theo điểm sàn trên. Nhưng rõ ràng chúng ta đã tạo ra cái nhìn phân biệt trong sinh viên và ngay cả đối với các trường. Vậy tại sao chúng ta không ấn định một mức điểm sàn theo mức điểm sàn dưới? Tùy vào điều kiện của mình, các trường căn cứ vào mức điểm sàn này mà định điểm chuẩn, không cần phải áp dụng hai ba mức phức tạp và rắc rối, như vậy sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

* PGS.TS Hoàng Minh Sơn (trưởng phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Bách khoa Hà Nội):

Có thể tác dụng... ngược

Trước mắt, tôi nghĩ bộ nên cân nhắc xem điểm sàn 13 điểm cho ba môn với khối A như mấy năm vừa qua áp dụng có phải là mức điểm cao? Việc hạ sàn xuống thấp hơn 2 điểm có bảo đảm thí sinh theo học được ĐH hay không?

Phương án này có thể khiến một số trường khó tuyển cảm thấy phấn chấn vì nguồn tuyển nới rộng ra, nhưng đó là vì các trường chưa lường hết được “tác dụng phụ” của nó.

Tôi e rằng chính điểm sàn dưới sẽ gây lo ngại cho thí sinh tốp trên khi lựa chọn vào trường. Đặt tình huống một trường lấy điểm sàn dưới chỉ 11 điểm là vào học được ĐH thì những thí sinh 17-18 điểm, thậm chí chỉ 15-16 điểm trước đó đã có ý định vào trường chắc chắn sẽ đắn đo hơn về sự lựa chọn của mình. Đấy là tác dụng ngược lại không mong muốn cho các trường vì với điểm sàn thấp hơn không thể ngăn ngừa sự nghi ngại về thương hiệu, chất lượng đào tạo được.

* PGS.TS Nguyễn Văn Nhã (hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi):

Bộ cần mất công sức nhiều hơn để tính toán

Đã gọi là điểm sàn thì phải thiết lập sự bình đẳng giữa các trường, kể cả trường ĐH quốc tế tại Việt Nam, chứ không thể buông ra hai mức sàn như thế được. Trường nào lại tự vơ vào mình thứ hạng “công dân hạng hai”, nhận lấy một cơ chế có vẻ như chiếu cố, chọn mức sàn dưới mà đánh mất thương hiệu của mình?

Tôi nghĩ nếu quả thật Bộ GD-ĐT muốn phân nhiều mức sàn thì cần thiết phải mất công nhiều hơn nữa, công phu hơn, xác định rõ luôn trường nhóm nào được lấy điểm sàn mức nào, ví dụ như điểm sàn cho nhóm trường đẳng cấp quốc tế, điểm sàn cho trường ĐH vùng, ĐH quốc gia, điểm sàn cho trường ĐH tốp trung, rồi trường ĐH tốp dưới... Chỉ đặt ra hai mức điểm sàn thì dễ cho Bộ GD-ĐT quá!

* TS Nguyễn Tấn Bình (phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến):

Trường không nên chủ quan

Đây là phương án điểm sàn phù hợp với điều kiện các trường tốp dưới, trường ngoài công lập trong điều kiện tuyển sinh hiện nay. Tuy nhiên, các trường không vì thế mà chủ quan, xem đó là giải pháp “giải cứu” trường ngoài công lập.

Điểm sàn như vậy dĩ nhiên đầu vào sẽ thấp hơn, chất lượng đào tạo cũng cần phải được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Vấn đề xã hội quan tâm hiện nay là chất lượng. Đầu vào thấp liệu chất lượng đào tạo các trường sẽ như thế nào?

Do đó, điểm sàn như vậy sẽ giúp các trường tuyển sinh tốt hơn nhưng cũng cần phải đầu tư xây dựng chương trình, cải tiến phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động. Đây là cơ hội để các trường tháo gỡ khó khăn trong khâu tuyển sinh lâu nay, đồng thời là dịp để các trường chứng minh chất lượng đào tạo, thu hút người học của mình.

* PGS.TS Đỗ Văn Xê (phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ):

Các khu vực ưu tiên sẽ có mức điểm sàn quá thấp?

Thực tế cho thấy điểm sàn những năm trước đây quá cứng. Bộ GD-ĐT cứ nghĩ nước ở trên cao chảy xuống nhưng con người thì khác, điều này khiến nhiều trường tuyển sinh khó khăn. Tôi ủng hộ phương án hai điểm sàn này nhưng cần phải có những điều kiện ràng buộc kèm theo khi thí sinh trúng tuyển.

Theo đó, nếu xét thí sinh theo điểm sàn dưới, sinh viên buộc phải học bổ sung kiến thức một khoảng thời gian nhất định để đảm bảo kiến thức trước khi học chung với sinh viên đủ điểm sàn trên. Điều này sẽ tạo ra chất lượng đồng đều trong quá trình đào tạo cũng như khi tốt nghiệp.

Một điểm nữa cũng chưa rõ ràng khi áp dụng phương án điểm sàn mới. Khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ đã được phép xác định điểm chuẩn thấp hơn điểm sàn. Thế nhưng thấp hơn điểm sàn trên hay sàn dưới? Nếu thấp hơn điểm sàn dưới thì đầu vào quá thấp, khó chấp nhận được.

GS.TS Trần Hồng Quân (chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập):

Duy trì điểm sàn là vô lý

Trước hết, phải nói duy trì điểm sàn là vô lý. Có hai điểm sàn lại càng vô lý. Tôi cảm thấy ngạc nhiên với phương án “lạ” này. Tại sao phải có hai điểm sàn? Nếu đã chấp nhận mức điểm sàn tương đương tổng điểm trung bình của ba môn mỗi khối, coi là mức học được ĐH thì có thêm điểm sàn trên để làm gì? Lâu nay bộ không công bố phổ điểm thi nên xã hội không hề biết điểm trung bình nói trên, không đánh giá rõ ràng độ khó - dễ của đề thi hằng năm, cũng không biết điểm sàn có hợp lý không. Trong ba năm lại đây, năm nào nguồn tuyển sinh cũng thường cạn kiệt.

Bộ GD-ĐT có nói phương án này phù hợp Luật giáo dục ĐH vì có kết hợp xét tuyển và thi tuyển. Theo tôi, không phải vậy. Luật giáo dục ĐH quy định các trường được tự chủ phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai), nhưng với phương án này Bộ GD-ĐT vẫn không giao quyền đó cho các trường. Nếu được tự chủ, các trường sẽ có nhiều phương án tuyển sinh tiến bộ hơn nhiều. Đừng để đến hai ba năm nữa mới cho làm theo luật.

MINH GIẢNG - NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên