Phóng to |
Bakonyi Zoltán, tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Nhôm Hungary, trong cuộc họp báo ngày 5-10 tại làng Kolontar - Ảnh: AFP |
Dựng đê ngăn đợt tràn bùn đỏ mớiKhông thể chủ quan với bùn đỏHungary vội vã xây đập ngăn bùn đỏGiám đốc công ty gây tràn bùn đỏ ở Hungary bị bắt
Là một trong những đồng chủ nhân của MAL Zrt., đồng thời là người được tập đoàn đưa ra để đối phó với công luận từ khi thảm họa sinh thái này bùng nổ, ông Bakonyi đã có những khẳng định bị coi là vô cảm, mà sau này chính MAL Zrt. phải ra thông cáo xin lỗi. Khung hình phạt mà ông có thể phải chịu là từ 5-20 năm tù giam, thậm chí có thể tù chung thân.
Mặc dù ông Bakonyi Zoltán luôn nhấn mạnh MAL Zrt. đã tuân thủ tất cả quy định và trước khi tai họa xảy ra, mọi dữ liệu đều cho thấy không có gì đáng lo ngại, song ngày càng có nhiều thông tin bất lợi được đưa ra đối với ông.
Một số nguồn tin cho rằng bể chứa bùn đỏ đã được nới rộng để có được sức chứa hơn mức cho phép. Ban đầu thành bề chỉ cao 10m, nhưng hiện ở nhiều nơi độ cao này đã được tăng lên gấp nhiều lần.
Nguồn tin giấu tên này cũng cho biết thêm: từ nhiều tuần trước, các nhân viên MAL Zrt. đã báo động cho ban lãnh đạo tập đoàn biết là họ đã phát hiện nhiều vết rạn nứt trên bể chứa, nhưng thay vì quan tâm sửa chữa bể, MAL Zrt. vẫn tiếp tục đổ bùn vào bể ngay trong những ngày cuối tuần trước khi xảy ra sự cố.
Cụ thể hơn, mới đây nhất, theo tiết lộ của nhật báo Blikk, Cục Điều tra quốc gia đang có trong tay một số lời khai của các nhân chứng cho thấy ban lãnh đạo cấp cao của MAL Zrt. biết trước nguy cơ vách chắn bể chứa có thể bị vỡ.
Ngoài ra, theo những lời khai, công nhân một phân xưởng thuộc MAL Zrt. phải làm việc trong những điều kiện nguy hiểm, rất không an toàn và khi có hỏng hóc, người ta lại cho gọi các nhân viên đã về hưu vào sửa vì chỉ họ mới biết được cái gì ở đâu.
Tin ông Bakonyi bị bắt giam được Thủ tướng Orbán Viktor công bố trong bài phát biểu trước Quốc hội Hungary, diễn ra ngày 12-10. Ngay sau đó, một dự luật đã được chính phủ trình quốc hội cho phép chính quyền, khi có thảm họa xảy ra, được quyền can thiệp và ngăn chặn một cách hiệu quả cũng như giảm thiểu các hậu quả có hại của các thảm họa, và trong một số trường hợp có thể công hữu hóa các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân.
Dự luật cho phép bộ trưởng tài chính hoặc một đặc phái viên chính phủ - thay mặt nhà nước - sẽ có toàn quyền trong việc chỉ đạo, giám sát hoạt động của doanh nghiệp liên quan. Tài sản của doanh nghiệp cũng sẽ bị phong tỏa.
Dự luật này đã được Quốc hội Hungary thông qua nhanh chóng đến mức được mô tả là kỷ lục với số phiếu áp đảo (336), chỉ có một phiếu chống (về sau nghị sĩ bỏ phiếu chống này cho biết ông nhấn nhầm nút) và 14 phiếu trắng.
Và đạo luật này được áp dụng ngay với MAL Zrt., hiện là doanh nghiệp lớn nhất của ngành công nghiệp chế tạo nhôm, và các chủ nhân của nó đều là những doanh nhân giàu có hạng của Hungary. Người được chỉ định làm đặc phái viên của chính phủ trong vụ này là ông Bakondi György, hiện là cục trưởng Cục Phòng chống thảm họa quốc gia.
Đáng chú ý là cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc của phe đối lập, người từng có thời gian là đối tác của MAL Zrt., trên blog của mình lúc đầu đã ủng hộ đề xuất của chính phủ, coi đó là nỗ lực để có được câu trả lời dứt khoát trong thảm họa bùn đỏ.
Vài giờ sau, cũng trên nhật ký điện tử này, ông lên tiếng đính chính quan điểm của mình, cho rằng chính phủ đã “đục nước béo cò” khi đưa ra một đạo luật tiếp tay cho nhà nước có thể tước đoạt tài sản của bất cứ ai, trong bất cứ thời điểm nào và hành xử với tài sản của người khác một cách tùy tiện, tùy thích và vô trách nhiệm. (Ông Gyurcsány đã không bỏ phiếu khi biểu quyết thông qua dự luật).
Ông Gyurcsány cho rằng với việc đưa vào luật khả năng công hữu hóa một cách tự do và vô chừng mực các doanh nghiệp tư nhân là “sự chấm dứt của nhà nước pháp quyền”. Quan điểm này của ông cũng được nhiều chuyên gia luật của Hungary chia sẻ. Nhiều ý kiến cho rằng luật mới có thể vi hiến, ngoài ra không có gì đảm bảo đó là cách tốt nhất để làm giảm các thiệt hại.
Nạn bùn đỏ của nhà máy nhôm ở Ajka đã làm lộ rõ biết bao “quả bom sinh thái” hẹn giờ khác đang rình rập Hungary và các nước ven sông Danube. Ủy ban quốc tế bảo vệ sông Danube cảnh báo: “Công nghiệp và hoạt động khai thác mỏ chiếm 31-42% GDP của các nước ven sông Danube, thu hút 29-50% lực lượng lao động của các nước này. Các khu vực này sử dụng 5,7 tỉ m3 nước từ sông này mỗi năm”. Nhiều nhà máy khai thác bôxit - nhôm và mỏ có từ trước đây đã không còn hoạt động. Nhưng những chất thải độc hại vẫn còn được trữ trong những bể chứa cũ mà hiện đã xuống cấp và đang trở nên mong manh. Riêng tại Hungary, như Quỹ Bảo vệ đời sống hoang dã (WWF) báo động, nhiều khu vực bể chứa bùn đỏ khác cũng đã bị ăn mòn giống như khu vực bể chứa của nhà máy ở Ajka. Khu vực bể chứa lớn nhất nằm ở Almasfuzito, trên bờ sông Danube phía đầu nguồn, cách Budapest 80km. Khoảng 12 triệu tấn bùn đỏ độc hại đang được trữ rải rác ở nhiều bể chứa nằm trên một diện tích khoảng 40ha. Tất cả đều nằm trên một vùng có động đất. “Nếu khu vực bể chứa này bị vỡ, việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho một phần lớn đất nước Hungary sẽ bị đe dọa” - Andreas Beckmann, chuyên gia WWF, cho biết. K.T. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận