14/05/2010 08:58 GMT+7

Vỡ nợ kiểu Hi Lạp

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Hi Lạp “chết” vì các “khuyết tật bẩm sinh”, tức lỗi hệ thống. Thành ra gói giải cứu của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ là chai nước biển cấp cứu chứ đâu phải liệu pháp chữa bệnh.

PNJiMtdN.jpgPhóng to
Một người vô gia cư nhìn theo dòng người biểu tình ở thủ đô Athens, Hi Lạp ngày 12-5 - Ảnh: Getty Images

Lo sợ khủng hoảng hậu Hi Lạp lan rộngHi Lạp: Có khi phải bán đảo, đền đài để trả nợ!Thấy gì từ việc Hi Lạp nợ?Từ khủng hoảng nợ châu Âu, nhìn ra toàn cầu: Bài học đầu tiên

Trước hết, Hi Lạp “chết” vì chính cơ cấu kinh tế của mình. Tổng GDP Hi Lạp là 342,2 tỉ USD năm 2009. Nông nghiệp chỉ chiếm 3,4% GDP. Dân Hi Lạp nhường cho dân Đông Âu cũ chủ yếu là dân các nước Balkans nhập cư cày bừa, nên cũng chẳng cần đầu tư hiện đại gì nhiều! Công nghiệp cũng chỉ 20,8%, nên cứ như anh khổng lồ bằng đất sét nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Trong khi dịch vụ chiếm đến 75,8%, trong đó du lịch - bầu sữa ngoại tệ - chiếm 15% GDP.

Xui xẻo là từ mấy năm qua, từ khi có dịch tễ (cúm gà H5N1 năm 2006, rồi cúm người H1N1 sau này) hay rối loạn chính trị (bắt đầu năm 2008 khi hàng triệu dân nhập cư lậu đòi được hợp thức hóa), du lịch cứ thế mà ế khách và Hi Lạp thất thu ngoại tệ theo.

Tuy có chân trong nhóm các quốc gia công nghiệp (OECD) song Hi Lạp có một khu vực công chiếm đến 40% dân số lao động, gấp đôi Pháp, Hà Lan... vốn là những nước khá “bao cấp” trong các nước công nghiệp. Để tiện so sánh, Hàn Quốc chỉ có 7% dân số lao động làm trong lĩnh vực công. Chính vì thế mọi cải cách, mọi chính sách đụng chạm đến quyền lợi của nhóm này đều được phản ứng bằng các cuộc biểu tình. Khi gói giải cứu Hi Lạp đòi đóng băng lương, tức là chạm đến 40% dân số lao động. Khi nói đến giảm lương hưu, tức là cắt vào đồng lương hưu được trả bằng 92% mức lương tháng cuối cùng trước khi về hưu.

Một thực tế bất cập khác là trốn thuế và thất thu thuế. Hơn 1/4 GDP của Hi Lạp là từ nền kinh tế “chui” (ngầm). Tất nhiên, nước nào cũng có những người làm “chui”, khác nhau là ở quy mô. Ở Hi Lạp, Ý là 27-30% GDP; Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha 20-24%; Bỉ, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch 18-23%...; Mỹ 8-10%. Công thức chia ba số tiền lẽ ra phải nộp cho nhà nước (một cho đóng thuế, một cho nhân viên thuế, một để giữ lại) đã khiến thất thu thuế. Cũng may là ở Hi Lạp, tham nhũng mới chỉ xếp hạng 71/180 trên bảng CPI của Transparency International.

Một “khuyết tật bẩm sinh” khác: thống kê “dỏm” hay gọi đúng tên là báo cáo láo. Ngay từ năm 2005, khi Hi Lạp còn hí hửng với thắng lợi của Thế vận hội Athens 2004, báo cáo của IMF về Hi Lạp đã lưu ý: “Các dữ kiện bị “xà xẻo” đã cản trở khả năng giám sát và cả khả năng ra chính sách”.

IMF không chỉ khuyến cáo suông mà còn yêu cầu Chính phủ Hi Lạp ngồi vào bàn để bàn luận cách thức sửa sai tệ báo cáo láo đó. IMF ghi lại việc yêu cầu Chính phủ Hi Lạp như sau: “Để sửa sai, mỗi quý cần phải theo dõi và đánh giá các quỹ an sinh xã hội, các chi tiêu quân sự trên cơ sở số tiền đã chi ra chứ không phải trên cơ sở số quân nhu, quân cụ đã cung cấp” (tức báo cáo láo).

Sự sụp đổ của một mô hình kinh tế

Trong bài viết Khủng hoảng Hi Lạp: sự sụp đổ của một mô hình kinh tế, nhật báo Eleftherotypia của Hi Lạp cho rằng không nên xem việc vỡ nợ của Nhà nước Hi Lạp đơn giản là hậu quả của những thống kê gian lận hay của những năm tháng chi tiêu vung tay quá trán. Sự vỡ nợ này đúng hơn là sự sụp đổ của một mô hình phát triển kinh tế mà ngay từ khi hình thành vào thế kỷ 19 đã luôn đặt chính trị trên thị trường.

Báo này giải thích: ở Hi Lạp, nhóm xã hội lên nắm quyền lãnh đạo đất nước sau khi Hi Lạp được giải phóng khỏi ách đô hộ của đế chế Ottoman là những thân hào nhân sĩ địa phương mà quyền lực không phải nằm ở đất đai mà là ở chỗ họ từng là những viên chức thu thuế cho nhà cầm quyền Ottoman. Bởi vậy, ở Hi Lạp, tầng lớp lãnh đạo xuất hiện sau khi Hi Lạp độc lập đã xem nhà nước không phải như một công cụ để bảo vệ những tài sản hiện có mà như một nguồn thu nhập chính của mình. Do vậy, việc kiểm soát bộ máy nhà nước đã trở thành một cơ chế để phát thưởng và những ưu đãi vật chất. Ưu đãi quan trọng nhất là phân bổ các chỗ làm trong bộ máy công.

Vào cuối những năm 1880, bộ máy nhà nước Hi Lạp là một trong những bộ máy “bao cấp” lớn nhất ở châu Âu: cứ 10.000 người dân thì có 200 viên chức nhà nước ở Bỉ, 176 ở Pháp, 126 ở Đức và 73 ở Anh. Ở Hi Lạp, con số này là 214.

Vẫn theo báo này, chủ nghĩa khách hàng trong chính trị là chủ thuyết hàng đầu trong quản trị quốc gia. Hiện đang tồn tại ba hình thức trợ cấp mà Nhà nước cung cấp cho các nhóm và cá nhân khách hàng khác nhau. Hình thức trợ cấp đầu tiên và được thèm muốn nhất là có một chỗ để “ngồi mát ăn bát vàng” trong bộ máy công chức. Khoảng 1 triệu người, tức một trong bốn lao động tích cực của Hi Lạp, đang làm việc trong bộ máy nhà nước. Hơn 80% chi tiêu công là để trả lương cùng các chế độ thưởng cho người làm trong bộ máy công.

Hình thức trợ cấp thứ hai là việc ban phát các ưu đãi cho các nhóm nghề nghiệp khác nhau như giới luật sư, công chứng viên, chủ sở hữu xe tải, dược sĩ... tạo nên những nhóm nghề nghiệp khép kín, hạn chế sự cạnh tranh trong nội bộ.

Hình thức trợ cấp thứ ba là khoản tiền thuế phải nộp trong các giao dịch thương mại cho những nhóm xã hội không trực tiếp trong các giao dịch này. Chẳng hạn, nếu muốn mở một doanh nghiệp tại Hi Lạp, bạn phải trả 1% vốn ban đầu cho quỹ hưu trí của các luật sư. Mỗi lần bạn mua một vé tàu thì 10% giá vé được chi cho quỹ hưu trí của công nhân cảng. Nếu bạn cung cấp vật dụng cho quân đội, bạn phải trả 4% số tiền nhận được cho quỹ hưu trí của các sĩ quan quân đội. Lạ lùng là những tỉ lệ trích phần trăm này đôi khi lại được trả cho những nhóm xã hội không hề tồn tại.

Báo này kết luận: hậu quả của những cơ chế trên là hơn 70% dân số Hi Lạp nhận thu nhập một phần hay toàn phần từ thuế hay những tỉ lệ trích này.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên