Hi Lạp: Có khi phải bán đảo, đền đài để trả nợ!

DANH ĐỨC 08/05/2010 22:05 GMT+7

TTCT - Khi một cá nhân nợ không trả được, bất quá “kéo nhà” trừ nợ như ở bên Mỹ. Nhưng khi cả một quốc gia nợ nần không thanh toán nổi như trường hợp Hi Lạp, dân tộc đó sẽ như thế nào? Tiền nợ từ đâu ra?

Phóng to
Một người đàn ông ngồi bên ngoài Ngân hàng Hi Lạp ngày 1-5. Dòng chữ nguệch ngoạc trên tường có nghĩa là “IMF biến đi” - Ảnh: Reuters

Đầu tháng 3, nhật báo Bild (Đức) đăng phát biểu của một dân biểu nước này tên Frank Schäffler: “Nhà nước Hi Lạp phải thôi tham gia làm chủ các công ty của mình, phải bán bớt đi các hòn đảo hoang, các đền đài, giao hòn đảo Corfou cho chúng tôi thì chúng tôi sẽ cấp tiền cho...”. Ngay sau đó, dân biểu này còn lên tiếng trên Đài N24: “Dân Hi Lạp phải tiết kiệm thôi. Chứ cứ ngửa tay xin tiền, không khác gì một gã nghiện rượu cứ đòi rượu”. Một dân biểu khác tên Marco Wanderwitz tiếp lời: “Hi Lạp có 6.000 đảo. Đem vài đảo ra cầm cố là xong ngay”.

Các phát biểu này được đưa ra một ngày trước khi nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp Thủ tướng Hi Lạp Georges Papandreou về việc Hi Lạp xin cứu nợ (1). Chính khách Đức có lớn lối “bêu” Hi Lạp cũng dễ hiểu, chẳng qua Đức đang “ôm” 27 tỉ euro công trái của Hi Lạp.

Bán đất ông cha để lại để trả nợ đối với một cá nhân đã là nhục nhã. Thế còn đối với một quốc gia - dân tộc phải chịu bán đất thì sao? Câu chuyện dưới đây cho phép tin rằng việc đem đất đai, đền đài ra bán trừ nợ là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra chứ không phải chuyện đùa dai.

Một tuần sau khi báo chí Đức “hoạnh họe” đòi Hi Lạp bán đất, nhật báo kinh tế tài chính Les Echos của Pháp cũng hạch hỏi Bộ Tài chính nước mình: “Đến năm 2013, khi nợ công lên đến 100% GDP thì ta cũng sẽ phải bán đất hay sao? Chắc là người Trung Quốc sẽ bỏ tiền ra mua lại! Có điều ta không có đảo hoang như người Hi Lạp mà bán, với lại Hội đồng Bảo hiến sẽ bác việc bán đất. Thế thì chỉ có thể đem đền đài ra mà bán! Nhà nước đang làm chủ một số công sản trị giá khoảng 54 tỉ euro, thời giá năm 2008. Cách đây một tháng, Bộ Tài chính đã chẳng đem bán trụ sở Sở Khí tượng trên sông Seine cho người Nga lấy 60 triệu euro hay sao?” (2).

Công nợ: ai vay, ai trả?

Bị báo chí Đức nhục mạ đến thế, Thủ tướng Papandreou vẫn phải vất vả nay bay sang Berlin, mai sang Washington, mốt sang Paris nài nỉ, mãi đến thứ bảy 1-5 vừa qua, Hi Lạp mới được EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chấp thuận cho vay 110 tỉ euro để trả nợ. Đổi lại, như Thủ tướng Papandreou cam kết, người dân quốc gia Nam Âu này sẽ phải thắt lưng buộc bụng tối đa.

Bắt đầu là công chức, người lĩnh lương hưu phải giảm lương; cả nước phải chịu thuế VAT lên đến 25%; sa thải nhân viên lên đến 4% tổng số, thay vì chỉ 2% như hiện nay... Tất cả để giảm chi ngân sách cho bằng được 8 tỉ euro trong vòng 14 tháng tới và tăng thu cho được 24 tỉ euro (3).

Chẳng qua do Hi Lạp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán số nợ nước ngoài, nợ công lẫn tư lên đến 535 tỉ USD, trong khi GDP của nước này là 343 tỉ USD (năm 2008). Vấn đề là Chính phủ Hi Lạp bội chi quá mức. Thu ngân sách 108,7 tỉ USD, chi ngân sách 145,2 tỉ USD (4), bội chi đến 36,5 tỉ USD. Nay có phải giảm chi 10,4 tỉ USD (8 tỉ euro) trong vòng 14 tháng tới cũng còn ít!

Thế nhưng để giảm chi chừng đó, dân chúng Hi Lạp có kéo ra quảng trường Syntagma trước trụ sở quốc hội xuống đường biểu tình cũng dễ hiểu: bắt họ thắt lưng buộc bụng từ hai năm qua đã là quá sức rồi, nay còn bắt họ chịu đựng thêm nữa! Đối với người dân, rõ ràng họ đang trả nợ cho nhà nước bằng sự thất nghiệp của họ hay bằng đồng lương đã “hẻo” lại càng “hẻo” hơn. Báo cáo phát triển con người của Liên Hiệp Quốc về Hi Lạp cho biết công chức Hi Lạp cũng làm 2-3 công việc để kiếm ăn.

Thật ra ngay từ đầu năm 2005, IMF (5) đã cho thấy một số dấu hiệu cảnh báo rồi. Trước hết là cái “hậu đắng” của Olympic mùa hè Athens 2004. Hãnh diện thì thật hãnh diện, song nợ phí tổn xây dựng 15 tỉ USD thì bốn năm sau vẫn chưa biết làm sao trả, trong khi có những sân vận động tốn kém cả 250 triệu USD chỉ sử dụng mỗi dịp ấy rồi bỏ hoang.

Tuy nhiên, vẫn chưa lớn bằng mối họa đồng euro. Số là Hi Lạp gia nhập khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu từ tháng 1-2001, sau hai năm bị đứng ngoài vì chưa hội đủ các điều kiện gia nhập (chi thu ngân sách, tỉ lệ lạm phát...).

Song từ khi gia nhập khối sử dụng euro thì lãi suất ở Hi Lạp cũng tương đương với 11 nước kia. Thế là làn sóng vay tiêu dùng cá nhân được kích hoạt cùng với làn sóng chi tiêu ngân sách (6). Trước kia còn có thể lẳng lặng in tiền drachma ra mà xài, nay thì phải đi vay thiên hạ. Nhà nước phát hành công khố phiếu vay cho ngân sách, rồi thì bảo lãnh trái phiếu, các ngân hàng cũng cứ thế mà vay...

Lạm phát

Bội chi

(% GDP)

Nợ

(% GDP)

Lãi suất dài hạn

Đức

1,4

2,7

61,3

5,6

Hi Lạp

5,2

4,0

108,7

9,8

Pháp

1,2

3,0

58,0

5,5


(Nguồn: The EURO Europe’s New Currency)

Các chỉ số trên, tính thời điểm năm 1998 - tức trước khi có đồng euro - cho thấy Hi Lạp có ngồi cùng chiếu “euro” với Đức hay Pháp, nhưng không thể nào đồng đẳng về tài chính.

Vay nợ để trả nợ!

Nguy hiểm nhất đối với sự an toàn tài chính là khi chính phủ vừa vay cho bản thân, vừa bảo lãnh tín dụng. Riết rồi nợ chồng lên nợ.

Năm nay, khi đã khủng hoảng muốn phá sản rồi, ngay trước khi đạt đến thỏa hiệp này, Hi Lạp còn liên tiếp bán công khố phiếu ra thị trường quốc tế để trả nợ đáo hạn. Ngày 19-1-2010 bán được 1,95 tỉ euro với lãi suất 1,67%, thời hạn ba tháng; đến 20-4 lại bán một đợt nữa thu được cũng 1,95 tỉ euro với thời hạn ba tháng, nhưng lần này lãi suất phải chấp nhận lên đến 3,65% (7). Nghĩa là Hi Lạp phải vay nóng để trả nợ mỗi ba tháng khi đáo hạn và lần sau chịu lãi gấp đôi lần trước.

Biểu đồ dưới đây cho thấy nợ của Hi Lạp hầu hết là nợ cấp bách.

Phóng to

Nợ T-bills (phát hành từ ngân khố) là nợ ngắn hạn dưới một năm đã chiếm 16% tổng số nợ. Nợ thời hạn ba năm cũng đã chiếm 22%. Riêng hai khoản nợ trước mắt này đã chiếm 38% tổng nợ của Hi Lạp tròm trèm số 110 tỉ euro vừa mới được hứa cho vay trong thời gian ba năm tới.

Tất nhiên cho vay nợ mới để trả nợ cũ thì phải tính lãi suất mới. Lãi suất không do kẻ đi vay tính ra mà do các cơ sở định giá tài chính ấn định như Fitch và Standard and Poor's xếp Hi Lạp vào hạng BBB, tức “các điều kiện kinh tế bất lợi hoặc các hoàn cảnh thay đổi càng có thể dẫn đến khả năng thanh toán suy yếu”. Nói cách khác là “không đáng tin”, nôm na mà nói: văn tự vay nợ chẳng hơn “tờ giấy lộn” bao nhiêu.

Còn chuyện các nước châu Âu thuộc khối sử dụng đồng euro cũng đang “la làng” sợ vỡ nợ dây chuyền là do 98,5% nợ nước ngoài của Hi Lạp bằng đồng euro. EU phải cứu Hi Lạp để cứu đồng euro, tức cứu thân mình. Thật ra, cứu Hi Lạp bằng cách ký văn tự cho vay 110 tỉ euro trong ba năm thực tế chính là cho vay bằng “nước bọt”. Chẳng qua là hoãn nợ cho Hi Lạp trong ba năm mà thôi.

__________

(1) AFP, 4-3-2010
(2) Les Echos, 12-3-2010
(3) NYT, 2-5-2010
(4) CIA World Fact Book
(5), (6) IMF Country Report No. 05/43- tháng 2-2005
(7) LEMONDE.FR avec AFP, 20-4-2010

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Gói cứu trợ EU/IMF chưa xua tan lo ngại trên thị trường tài chính thế giới
Lo sợ khủng hoảng hậu Hi Lạp lan rộng
110 tỉ euro có cứu được Hi Lạp?
“Phong bì nhỏ” ở Hi Lạp
IMF tăng gói cứu trợ Hi Lạp
Tổng đình công làm tê liệt Hi Lạp
Hi Lạp đình trệ, chứng khoán rúng động

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận