07/05/2010 00:44 GMT+7

Lo sợ khủng hoảng hậu Hi Lạp lan rộng

H.MINH
H.MINH

TT - Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hi Lạp đang tác động xấu đến các thị trường trên toàn thế giới. Những nhà đầu tư và hoạch định chính sách lo sợ Hi Lạp có thể là quân domino đầu tiên đổ xuống, kéo theo hàng loạt bất ổn kinh tế tại châu Âu và cả ngoài châu Âu.

Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI rớt giá 0,7%. Chỉ số Nikkei ở Nhật Bản giảm 3,3%, xuống mức thấp nhất trong hai tháng qua. Đồng euro cũng rớt xuống mức thấp nhất trong 14 tháng qua, ở mức dưới 1,28 USD và đã giảm giá 10% kể từ khi tình hình tài chính ở Hi Lạp thêm nghiêm trọng.

Biểu tình đã biến thành bạo động khiến ba người thiệt mạng sau khi một ngân hàng bị đốt. Khoảng 100.000 người đã xuống đường chống lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng do IMF và EU áp đặt. Tổng thống Hi Lạp cảnh báo nước này đang bên bờ vực thẳm.

Trong khi đó, những trục trặc ở khu vực đồng euro lại như đang giúp trái phiếu Chính phủ Mỹ được giá khi các nhà đầu tư đổ xô sang những bến đỗ an toàn hơn, bao gồm vàng và đồng USD, gây lo ngại cuộc khủng hoảng sẽ vượt Đại Tây Dương và chặn đà phục hồi của kinh tế Mỹ. Stephen Roach, chủ tịch Morgan Stanley khu vực châu Á, so sánh trên Reuters rằng sự kiện này có thể giống với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, sau đó lan rộng ra toàn thế giới.

Báo Le Monde cho rằng nếu nguy cơ lây lan được khẳng định thì EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) không có chọn lựa nào khác là phải can thiệp. Nhưng liệu châu Âu có đủ sức đảm nhận vai trò nhà tài trợ hàng loạt cho các nước thành viên hay không? Bởi những khoản tiền huy động để cứu trợ mở rộng là khổng lồ: 65 tỉ euro cho Bồ Đào Nha, 410 tỉ euro cho Tây Ban Nha để có thể tháo khoán từ nay đến năm 2012, theo ước tính của Natixis.

Vẫn theo báo này, “ngày tận thế” của khu vực đồng euro là một kịch bản đã được một số nhà kinh tế nêu ra với những hậu quả rất thảm khốc cho các nước thành viên bị loại khỏi khu vực đồng euro cùng phần còn lại của khu vực mà không một ai tại châu Âu dám hình dung một cách nghiêm túc.

Mọi sự chú ý giờ đang tập trung theo dõi các biện pháp đặc biệt do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra như mua lại khoản nợ của các nước giống như cách Quỹ dự trữ liên bang Mỹ (Fed) từng làm trong cuộc khủng hoảng.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

110 tỉ euro có cứu được Hi Lạp?“Phong bì nhỏ” ở Hi LạpIMF tăng gói cứu trợ Hi LạpTổng đình công làm tê liệt Hi LạpHi Lạp đình trệ, chứng khoán rúng động

H.MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên