15/06/2014 11:26 GMT+7

Trung Quốc xây trường học phi pháp tại Hoàng Sa

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Hôm qua 14-6, Trung Quốc khởi công xây dựng một trường học trên cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đơn vị hành chính phi pháp mà Bắc Kinh thiết lập trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Quốc có kế hoạch xây đảo nhân tạo ở Trường Sa Philippines điều tra Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở biển Đông

cm1ET4sf.jpgPhóng to
Trung Quốc đơn phương thiết lập “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: China Times

Theo Tân Hoa Xã, ngôi trường này mang tên Vĩnh Hưng, bao gồm một trường mẫu giáo và một trường tiểu học, có diện tích lên đến 4.650 m2 và tổng đầu tư vào khoảng 36 triệu NDT (5,76 triệu USD).

Theo ông Xiao Jie, người đứng đầu đơn vị hành chính phi pháp Tam Sa, dự kiến hoạt động xây dựng sẽ hoàn thành trong 1 năm rưỡi.

Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm hồi tháng 7-2012 bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế nhằm mục tiêu “quản lý” quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng như toàn bộ biển Đông.

Hôm nay 15-6, TTXVN dẫn lời tiến sĩ William Choong, chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nhận định trước những hành vi khiêu khích của Trung Quốc, ASEAN cần tiếp cận mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh để thúc đẩy hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Tiến sĩ Choong cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như những hành động tại các bãi cạn mà Philippines tuyên bố chủ quyền và bãi đá James trong EEZ của Malaysia là chiến lược được tính toán kỹ càng để Bắc Kinh chiếm biển Đông. .

Chuyên gia Choong cảnh báo nếu các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông không có những phản ứng quân sự hay ngoại giao, “Trung Quốc sẽ biến ý đồ của họ thành thực tế và mở rộng chủ quyền tại biển Đông. Điều này sẽ có hại cho an ninh khu vực”.

Ông Choong hoan nghênh việc Việt Nam không leo thang căng thẳng và không sử dụng vũ lực để chống lại các tàu của Trung Quốc ở quanh khu vực đặt giàn khoan. Ông khẳng định ASEAN cần phải có cách tiếp cận chung và mạnh hơn với Trung Quốc để thúc đẩy hoàn thành COC.

“Việc thông qua COC vào thời điểm này là rất quan trọng vì nó quy định cách ứng xử trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và như vậy sẽ rất hữu ích đối với an ninh khu vực” - tiến sĩ Choong nhấn mạnh.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên