07/06/2014 07:35 GMT+7

Trung Quốc thiếu minh bạch

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố báo cáo khẳng định Trung Quốc bất minh trong chi tiêu quân sự và chủ động chuẩn bị gây xung đột trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Máy bay Mỹ giám sát hoạt động quân sự Trung Quốc trên biển Trung Quốc đang đe dọa sự vượt trội của quân đội MỹMỹ: Trung Quốc chuẩn bị cho các tình huống Biển Đông, Hoa Đông

qPX1ezw2.jpg
Tàu chiến Trung Quốc và Nga tập trận trên biển Hoa Đông hồi tháng 5 - Ảnh: Reuters

Ngày 5-6, Lầu Năm Góc đã trình lên Quốc hội Mỹ báo cáo mang tên Các diễn biến quân sự và an ninh của Trung Quốc năm 2014 dày 96 trang (http://www.defense.gov/pubs/2014_DoD_China_Report.pdf). Báo cáo ước tính trong năm 2013 Trung Quốc chi tới 145 tỉ USD để hiện đại hóa lực lượng vũ trang, cao hơn tới 21% so với con số 119,5 tỉ USD mà Bắc Kinh công bố trước đó.

Ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng trung bình 9,4%/năm kể từ năm 2004. “Trung Quốc luôn tuyên bố trỗi dậy hòa bình và không có ý đồ bá quyền hoặc bành trướng lãnh thổ. Tuy nhiên sự mờ ám, thiếu minh bạch xung quanh năng lực quân sự của Trung Quốc đã khiến khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng lo ngại với các ý đồ của Bắc Kinh” - báo cáo của Lầu Năm Góc khẳng định.

Chuẩn bị chiến tranh trên biển

"Bất chấp việc quảng bá hình ảnh là một quốc gia hòa bình, Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ lực và thể hiện thái độ đối đầu"

Bộ Quốc phòng Mỹ

Báo cáo cho biết Trung Quốc hiện đại hóa quốc phòng với mục tiêu quan trọng nhất là chuẩn bị cho một cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan, trong đó bao gồm kịch bản ngăn chặn hoặc thậm chí đánh bại lực lượng Mỹ đến hỗ trợ Đài Loan. “Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc cũng tập trung chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp ngoài Đài Loan, bao gồm xung đột trên biển Đông và biển Hoa Đông” - Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo.

Theo báo cáo, Trung Quốc tăng cường chi tiêu quân sự để hiện đại hóa nhiều loại vũ khí như máy bay không người lái, tàu chiến, tàu ngầm, tàu sân bay, máy bay chiến đấu, tên lửa, vũ khí không gian mạng... “Để cải thiện năng lực chiến đấu gần bờ, đặc biệt ở biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc phát triển tàu hộ tống lớp Giang Đảo. Chín chiếc đã đi vào hoạt động trong năm 2013 và Bắc Kinh sẽ sản xuất thêm 20-30 chiếc. Trung Quốc cũng sẽ sản xuất tàu tấn công đổ bộ đầu tiên trong thập kỷ này”.

Hồi tháng 10-2013, hải quân Trung Quốc mở cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải trên biển Philippines. Đây là cuộc tập trận hải quân lớn nhất mà Bắc Kinh từng tổ chức trên biển. Mục tiêu là chuẩn bị cho các tình huống xung đột trên biển Đông. Lầu Năm Góc cũng lưu ý sự kiện Trung Quốc đưa tàu sân bay đầu tiên của nước này là Liêu Ninh tới biển Đông.

Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá Trung Quốc đang nỗ lực hiện đại hóa không quân “ở quy mô chưa từng có”. Bắc Kinh đang nỗ lực phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm, bao gồm máy bay J-31 sao chép chiến đấu cơ F-35 của Mỹ. Đáng chú ý là Bắc Kinh đang hỏi mua máy bay chiến đấu SU-35 của Nga. Dự kiến không quân Trung Quốc sẽ bắt đầu sử dụng máy bay SU-35 từ năm 2016 hoặc 2018.

Trước đó, giới chuyên gia quân sự nhận định Bắc Kinh cần máy bay SU-35 có tầm hoạt động xa để tăng cường năng lực tuần tra ở khu vực biển Đông. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cho biết Bắc Kinh cũng đang đầu tư mạnh phát triển máy bay không người lái (UAV) để tuần tra và do thám trên biển Đông và biển Hoa Đông. Nước này đã tiết lộ chi tiết bốn UAV đang trong quá trình phát triển hồi năm 2013. Hồi tháng 9-2013, một UAV của Trung Quốc đã thực hiện chuyến do thám đầu tiên trên biển Hoa Đông.

Quân đội Trung Quốc cũng phát triển tàu chiến, tàu ngầm và tên lửa đạn đạo nhằm thực hiện chiến lược “ngăn chặn tiếp cận” (anti-access/area denial - A2/AD). Mục tiêu là ngăn chặn lực lượng vũ trang Mỹ can thiệp ở Tây Thái Bình Dương nếu Trung Quốc gây chiến tại eo biển Đài Loan hoặc biển Đông và biển Hoa Đông. “Bắc Kinh đánh giá tên lửa hành trình chống tàu tầm xa là vũ khí quan trọng nhất trong chiến dịch loại này” - báo cáo viết.

Miệng hòa bình, tay dùng vũ lực

Lầu Năm Góc chỉ trích việc chính quyền Trung Quốc luôn miệng trấn an các nước láng giềng về sự “trỗi dậy hòa bình”, nhưng trên thực tế luôn chủ động thực hiện các bước nhằm đòi chủ quyền vô lý. “Bất chấp việc quảng bá hình ảnh là một quốc gia hòa bình, trong những năm gần đây Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ lực và thể hiện thái độ đối đầu” - báo cáo nhấn mạnh.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc luôn sử dụng các chính sách thương mại trừng phạt như một công cụ đe dọa và có những hành vi gây sức ép với Việt Nam, Philippines trên biển Đông và Nhật trên biển Hoa Đông. Washington cho rằng có vẻ như Bắc Kinh đã từ bỏ chiến lược “ẩn mình chờ thời” mà cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra, thay vào đó sẵn sàng thể hiện thái độ cứng rắn với Mỹ và các nước khu vực.

Lầu Năm Góc đánh giá có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chính sách đối đầu của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh lợi dụng chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng trở nên cực đoan ở nước này để biện minh cho thái độ cứng rắn, đối đầu, không chịu đối thoại hòa bình. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã ảnh hưởng tiêu cực đến các quyết định của giới lãnh đạo Bắc Kinh, đặc biệt trong các chính sách ngoại giao.

Báo cáo cho rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức trong nước như nạn tham nhũng nghiêm trọng, môi trường suy thoái chưa từng thấy, nền kinh tế có dấu hiệu chậm lại và dân số già đi... Do đó, chính quyền Bắc Kinh chọn thái độ đối đầu ngoại giao và thổi bùng chủ nghĩa dân tộc cực đoan để lái dư luận ra khỏi những vấn đề nóng bỏng trong nước.

Các nước khu vực ủng hộ sự hiện diện của Mỹ

Theo AFP, khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) tại 11 quốc gia ở châu Á cho thấy các chuyên gia khu vực đều ủng hộ sự hiện diện của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương làm đối trọng với Trung Quốc. Các chuyên gia khu vực đánh giá cao việc Washington nhấn mạnh đảm bảo tự do hàng hải trong thời điểm Bắc Kinh gây căng thẳng trên biển Đông.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên