26/05/2014 06:30 GMT+7

Chính trường Thái mịt mù bóng tối

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Hơn 200 chính trị gia và nhà hoạt động bị bắt giữ, cấm rời khỏi đất nước. 18 lãnh đạo các tờ báo đã bị triệu tập. Một loạt hãng tin bị cấm cửa và một đội đặc nhiệm riêng giám sát hệ thống mạng xã hội để đề phòng các nhóm tập hợp chống đảo chính.

Người biểu tình và quân đội xô xát ở BangkokThái Lan và cuộc đảo chính “thầm lặng”Thái Lan: súng nổ chết người trong ngày đăng ký ứng cử

Cuộc chính biến của tư lệnh lục quân Prayuth Chan - ocha diễn ra nhanh chóng nhưng hậu cuộc đảo chính đã không hề suôn sẻ như cuộc lật đổ Thaksin hồi năm 2006 - đến giờ vẫn được coi là “hoàn hảo” về cách thức thực hiện khi chỉ có năm chính trị gia bị bắt. Có nhiều nhân tố khiến cuộc chính biến lần này nhiều rủi ro và bóng tối vẫn bao trùm tương lai chính trường Thái.

Tám năm sau khi bị lật đổ, ông Thaksin, dù lưu vong nhưng vẫn điều khiển chính quyền cũ từ xa, sẽ không dễ dàng chấp nhận mất chính trường một lần nữa. Tám năm trước, chính quyền quân đội đã tịch thu hơn 1,2 tỉ USD tài sản của Thaksin nhưng ảnh hưởng của vị cựu thủ tướng không vì vậy mà mất đi. Ba lần giải thể rồi đổi tên, các đảng thân Thaksin đều giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Mỗi lần cấm, họ giải thể rồi xuất hiện bằng một tên khác. Một khi chính quyền dân sự được phục hồi, lực lượng thân Thaksin được dự đoán sẽ lại dễ dàng chiến thắng. Lần này, mục tiêu của phe đảo chính cũng không nằm ngoài việc triệt tiêu hẳn ảnh hưởng của gia đình ông - cả cô em gái, cựu thủ tướng Yingluck và một loạt người thân ông Thaksin đã bị tạm giữ.

Đối phó lại, động thái đầu tiên của phe Thaksin là việc ông đang xem xét lập chính phủ lưu vong. Trả lời báo giới Thái, luật sư Robert Amsterdam, đại diện Thaksin, nói đã có một loạt chính phủ “bày tỏ ý sẵn sàng chứa chấp chính quyền lưu vong”. Bản thân ông Thaksin là người có quan hệ mật thiết với Thủ tướng Campuchia Hun Sen nên đang có thông tin chính phủ lưu vong có thể được lập ngay tại đây. Campuchia cũng là nơi có nhiều thủ lĩnh phe áo đỏ chạy trốn sang sau cuộc trấn áp đẫm máu của quân đội hồi năm 2010.

Bản thân phe áo đỏ, những người thân Thaksin và là sản phẩm của đảo chính năm 2006, giờ đã có tổ chức và quy mô hơn nhiều mấy năm trước. Mạng lưới phe áo đỏ đã được huy động rộng khắp ở miền Bắc và Đông Bắc nước này và tuyên bố sẽ không chịu im lặng nếu đảo chính diễn ra. Dù khoảng 20 lãnh đạo phe áo đỏ đã bị bắt giữ, nguy cơ đụng độ vẫn rất thật lúc này.

Số lượng người biểu tình chống đảo chính tại Bangkok hôm qua đã lên tới hơn 1.000 người diễu hành ở Bangkok bất chấp lệnh cấm tụ tập của lực lượng quân đội. Có lúc, lực lượng biểu tình rượt đuổi cả nhóm lính quân đội ngay gần khu vực tượng đài Chiến thắng. Giới phân tích nói có thể sẽ cần vài tuần để phe áo đỏ tập hợp được lực lượng đông hơn. Một thành viên phe áo đỏ nói với Wall Street Journal rằng: “Chúng tôi sẽ bình tĩnh nhưng chúng tôi sẽ lên tiếng”.

Một số nhà phân tích giải thích việc tấn công phe biểu tình trước đó là đòn đe dọa của phe áo đỏ trong trường hợp chính quyền thân Thaksin bị lật đổ. Việc bà Yingluck (được thả hôm qua) và người thân bị tạm giữ có thể là con bài quan trọng nhất để các tướng lĩnh mặc cả việc nhà Shinawatra, trong đó có Thaksin, phải rút lui khỏi chính trị vĩnh viễn.

“Tôi nghĩ tốc độ và độ nghiêm trọng của đảo chính khiến phe áo đỏ ngạc nhiên. Giờ họ tạm nằm chờ coi mọi thứ diễn ra thế nào - Paul Quaglia, giám đốc quỹ đánh giá rủi ro PAQ Associates, nói - Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng họ chịu ngậm đắng nuốt cay vụ này”.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên