30/12/2013 08:11 GMT+7

Thái Lan và cuộc đảo chính "thầm lặng"

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Dư luận quốc tế đang lo ngại nguy cơ đảo chính ở Thái Lan sau khi tư lệnh quân đội Prayuth Chan-ocha úp mở về khả năng này. Trên thực tế, một cuộc đảo chính không xe tăng vẫn đang diễn ra trên đường phố Bangkok.

Thái Lan: súng nổ chết người trong ngày đăng ký ứng cửNgười biểu tình Thái Lan thề chiếm Bangkok

PWYFDwjk.jpgPhóng to
Cuộc biểu tình do cựu phó thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban khởi xướng để chống lại chính quyền Thủ tướng Yingluck Shinawatra là một hiện tượng kỳ lạ. Địa điểm xuất phát của nó là tượng đài Dân chủ tại Bangkok, do một cựu thành viên Đảng Dân chủ châm ngòi và lèo lái, được Đảng Dân chủ ủng hộ, nhưng trên thực tế nó là phong trào chống lại hệ thống dân chủ, dân bầu của Thái Lan. Các nỗ lực phá hoại bầu cử, gây bạo động, tấn công người trong mấy ngày nay thực tế không khác gì lời kêu gọi quân đội nhảy vào để kiểm soát tình hình (thực tế là đảo chính).

Số đông có lá phiếu đấu thiểu số có tiền tài, quyền lực

Các bằng chứng rất rõ ràng. Ông Suthep đòi lật đổ chính phủ và lập ra cái gọi là “hội đồng nhân dân” với những “người tốt” để lựa chọn thủ tướng, bộ trưởng. Phóng viên báo Bangkok Post Wassana Nanuam đã mô tả kế hoạch của Suthep là “cuộc đảo chính thầm lặng”. Bởi cũng giống như việc quân đội triển khai xe tăng trên đường phố, những gì ông Suthep đề xuất sẽ vô hiệu hóa thể chế dân bầu.

Cuộc biểu tình hiện tại cũng chẳng khác gì các cuộc biểu tình chống “chế độ thân Thaksin” từ năm 2006 đến nay ở Thái Lan. Các thế lực đứng đằng sau chúng không hề thay đổi, dù người biểu tình có mặc áo vàng hay không. Không nên nhầm tưởng rằng “người dân Thái Lan” biểu tình chống lại chính quyền bà Yingluck, em gái cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Trên thực tế, đây chỉ là cuộc biểu tình của người dân Bangkok và khu vực miền nam Thái Lan, vùng cơ sở của Đảng Dân chủ.

Trong khi đó, đại bộ phận dân Thái Lan sống ở các tỉnh nông thôn miền bắc và đông bắc ủng hộ chính quyền thân Thaksin. Với sự ủng hộ của số đông, Đảng Pheu Thai cầm quyền hay các đảng tiền thân của Pheu Thai luôn giành chiến thắng trong các cuộc tổng tuyển cử. Và kết quả đó chắc chắn sẽ lặp lại nếu cuộc bầu cử ngày 2-2-2014 diễn ra. Do đó, có thể nói cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan trên thực tế là sự xung đột, chia rẽ giữa số đông với sức mạnh lá phiếu (nông dân, người nghèo phía bắc) và thiểu số (dân Bangkok, giới kinh doanh, thân hoàng gia) luôn thất vọng với việc liên tục thất bại trong bầu cử, quyền lực chính trị bị hạn chế.

Đảng Dân chủ và khối cử tri của mình luôn cáo buộc Pheu Thai và các đảng tiền thân mua phiếu của người dân nông thôn “thiếu hiểu biết”. Nhưng sự thật là các nhà quan sát quốc tế đều khẳng định bà Yingluck đã thắng cử năm 2011 một cách công bằng và trong sạch. Báo cáo của Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC), do quân đội dựng lên, xác nhận trong chiến dịch tranh cử Đảng Dân chủ đã chi tiền nhiều hơn so với Pheu Thai. Và bản thân Đảng Dân chủ, đảng lâu đời nhất ở Thái Lan, đã không biết đến chiến thắng trong các cuộc bầu cử kể từ năm 1992 tới nay.

Cải cách kiểu “phát xít”

Theo báo Bangkok Post, mới đây nhiều học giả Thái Lan cũng chỉ trích kế hoạch “cải cách chính trị” của ông Suthep là “phát xít” và nhấn mạnh cáo buộc “mua phiếu” mà đám đông biểu tình và Đảng Dân chủ đưa ra là “ngớ ngẩn”. Chính những chính sách dân túy mà chế độ Thaksin và các chính quyền sau này áp dụng đã nâng cao đời sống dân các tỉnh phía bắc và đông bắc, qua đó thu phục lòng tin của họ.

Một số nhà quan sát đánh giá việc người biểu tình luôn chỉ trích dân miền bắc và đông bắc là “ngu dốt”, “bán phiếu”... còn phản ánh tư tưởng cố hữu là chỉ dân Bangkok và các vùng lân cận thuộc “tầng lớp trên” mới có khả năng điều hành đất nước. Nhưng không thể thắng trong một cuộc cạnh tranh công bằng, Đảng Dân chủ và các thế lực đứng sau đã dùng đến chiêu bài biểu tình hòng chiếm đoạt quyền lực của chính phủ.

Nhưng chính trị Thái Lan không chỉ có yếu tố xung đột vùng miền, mà còn có vai trò của hoàng tộc. Nhiều học giả khẳng định dù mang tên là Đảng Dân chủ, nhưng thực tế đảng này là cỗ máy chính trị của hoàng gia, tồn tại vì mục đích khôi phục quyền lực chính trị của hoàng gia. Năm 2006, Đảng Dân chủ ủng hộ cuộc đảo chính do quân đội và hoàng gia sắp đặt để lật đổ Thaksin. Năm 2009, đảng này lên nắm quyền nhờ một thỏa thuận ngầm giữa hoàng gia và quân đội.

Vì thế, không đáng ngạc nhiên khi trong cuộc biểu tình những ngày qua, nhiều diễn giả đã lên khán đài kêu gọi khôi phục lại chế độ quân chủ hoàn toàn. Một số lãnh đạo biểu tình đề nghị nhà vua chỉ định thủ tướng mới. Ảnh hưởng của hoàng tộc đối với chính trị Thái Lan vẫn cực lớn. Báo New York Times dẫn lời nhà phân tích Verapat Pariyawong cho rằng hoàng tộc và các thế lực thân cận lo ngại quyền lực của mình bị gia tộc Shinawatra đe dọa, do đó đã nhúng tay vào các vụ biểu tình chống chính quyền Thaksin.

Nếu Thái Lan không giải quyết được những chia rẽ sâu sắc trong xã hội và chính trường, các cuộc biểu tình của các phe sẽ còn liên tục kéo dài.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Phát lệnh bắt lãnh đạo biểu tình ở Thái LanTòa án Thái Lan ra lệnh bắt thủ lĩnh biểu tìnhNgười biểu tình chiếm trụ sở Bộ Tài chính Thái LanThủ lĩnh biểu tình tại Thái Lan tuyên bố bất tuân lệnh bắtThái Lan: biểu tình lan rộng ra nhiều tỉnh thànhPV Tuổi Trẻ: Bangkok không ngủ trong đêm biểu tình đến sángThái Lan: súng nổ chết người trong ngày đăng ký ứng cử

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên