14/05/2014 08:20 GMT+7

Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc khiêu khích

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 12-5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Washington xem việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cùng mấy chục chiếc tàu trong vùng biển tranh chấp với Việt Nam là một hành động “khiêu khích”.

Mỹ chỉ trích Trung Quốc khiêu khích ở biển Đông Mỹ: Trung Quốc ra luật mới ở biển Đông là... khiêu khích! Mỹ: Trung Quốc "khiêu khích" khi đưa HD-981 đến biển Đông

bYcgTHRw.jpgPhóng to
Hình ảnh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam được giới thiệu trên trang Deutsche Welle của Đức trong bài phỏng vấn chuyên gia Ernest Bower - Ảnh: Reuters

Mỹ: Trung Quốc “khiêu khích”. Trung Quốc: Mỹ “sai lầm”

"Chúng tôi và tất cả các quốc gia có hoạt động giao thông hàng hải liên quan đến biển Đông đều rất lo ngại về hành động hiếu chiến này. Đáng quan ngại nhất là thách thức của Bắc Kinh đối với quần đảo Hoàng Sa"

Ngoại trưởngMỹ JOHN KERRY

Reuters

dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết ông Kerry đã yêu cầu cả hai nước Trung Quốc - Việt Nam phải giảm căng thẳng, đảm bảo an toàn cho tàu bè của các nước hoạt động trên biển, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận có những hành động khiêu khích ở biển Đông nhưng trắng trợn cho rằng Trung Quốc “không phải là bên gây sự trước”. Thậm chí người phát ngôn Hoa Xuân Oánh còn đánh giá Washington đã “sai lầm”. Bà Hoa cho biết Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị yêu cầu ông Kerry hãy “khách quan và công bằng” khi nhìn vào vấn đề biển Đông, cũng như “hành động và nói cẩn trọng”.

Trước đó, Ngoại trưởng Kerry cho biết Mỹ và các quốc gia khác tiếp tục lên tiếng quan ngại về hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Theo ông Kerry, Washington muốn chứng kiến Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) được thiết lập, vấn đề biển Đông được giải quyết thông qua luật biển, thông qua tài phán, thông qua bất kỳ phương tiện nào khác chứ không phải đối đầu và những hành động khiêu khích.

Cùng ngày, Bộ trưởng quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein khẳng định Malaysia và các nước trong ASEAN cần hành động như một thực thể để bảo vệ an ninh chung. “Chúng ta phải quyết định vận mệnh của chúng ta để dễ dàng tránh sự can thiệp của bất kỳ bên thứ ba nào” - Hãng tin Bernama dẫn lời ông Hussein.

Trung Quốc vi phạm UNCLOS

"Chúng tôi hi vọng Mỹ có thể phản ứng cẩn thận hơn, nếu họ mong muốn cho Thái Bình Dương hòa bình. Họ muốn đóng vai trò gì ở đây?"

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung QuốcHOA XUÂN OÁNH

Các chuyên gia quốc tế trong khi đó tiếp tục chỉ ra sự vi phạm trắng trợn của Trung Quốc. TTXVN dẫn ý kiến chuyên viên cao cấp tại Quỹ quốc tế Vivekanada ở New Delhi (Ấn Độ), ông Vinod Anand, khẳng định hành động của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm các điều khoản của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Ông Vinod Anand khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan cùng một hạm đội tàu và nhiều máy bay chiến đấu yểm trợ vào vùng biển Việt Nam là cách hành xử hiếu chiến, nhằm đẩy mạnh những yêu sách chủ quyền ở biển Đông. Theo ông Anand, các nước thành viên ASEAN cần thắt chặt khối đoàn kết, cùng cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung Quốc tham gia COC. “Hành động hiếu chiến của Trung Quốc chỉ kích động thêm sự phản kháng, thù địch và căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và ổn định của khu vực” - ông Anand nhận định.

Trả lời trên trang dw.de của Đức, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á Ernest Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Mỹ (CSIS) ở Washington nhận định những sách lược gây hấn gần đây của Trung Quốc ở biển Đông đã làm 10 nước thành viên ASEAN thêm gắn kết với nhau.

Cụ thể, tại hội nghị ASEAN vừa qua ở Myanmar, dù các nước thành viên không nêu tên cụ thể Trung Quốc trong tuyên bố chung nhưng trong suốt kỳ họp, lãnh đạo các nước ASEAN đã bàn về những sách lược mới và ngày càng hung hăng của Trung Quốc cũng như cách thức phản ứng như thế nào đối với những điều này.

Chuyên gia Bower khẳng định lần này Việt Nam có thể tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Bởi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quan ngại việc một nước lớn dùng sức mạnh quân sự và kinh tế để theo đuổi lợi ích chủ quyền của mình mà gây bất lợi cho nước khác.

Dư luận Trung Quốc: “Chúng ta giống như hải tặc”

Trong bối cảnh biển Đông chưa hạ nhiệt, một số người Trung Quốc đã có ý kiến rằng chính quyền Bắc Kinh nên xem lại cách hành xử của mình đối với các nước xung quanh. Từ Tứ Xuyên, Jiubannongju viết: “Chúng ta đang giống như hải tặc, tôi xấu hổ vì là người Trung Quốc. Trong khi tình hình bạo động trong nước khiến dân tình đang không yên ổn thì chính quyền lại đi gây hấn với nước khác”.

Còn Tiên Nhân từ Thành Đô cho rằng tình thế ngoại giao của Trung Quốc đang lâm nguy khi đưa giàn khoan xuống gần quần đảo Hoàng Sa, “gây hấn với Việt Nam, làm nước này nhận được nhiều sự ủng hộ từ các nước”.

Trên mạng xã hội tiếng Hoa Sohu và Sina ở Trung Quốc, nhiều cư dân mạng đã hỏi rằng: “Có phải chính phủ nước ta (Trung Quốc) đang cho rằng chỉ có lợi ích vĩnh viễn chứ không có bạn bè vĩnh viễn? Việc dùng sức mạnh thay vì tôn trọng các nước xung quanh là một điều không hay”, “Chúng ta nên làm theo luật pháp quốc tế”, hay: “Sao cứ tranh chấp mãi, cùng nhau hưởng hòa bình và ổn định không được hay sao?”.

Người có tên Cuồng Dã Lang Nhân đặt câu hỏi trên Sohu: “Tôi xem chương trình tin tức 360 (360 xinwen) thấy tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng và đâm vào tàu Việt Nam mà chính phủ còn nói đưa hàng chục tàu theo bảo vệ. Vậy cuối cùng thì tin của bên nào đúng?”.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên