13/05/2014 08:10 GMT+7

Lãnh đạo biểu tình Thái Lan có thể bị bắt

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Chính phủ lâm thời ở Thái Lan bắt đầu đẩy mạnh các động thái tăng sức ép lên lực lượng biểu tình phản đối chính phủ bằng nhiều hướng khác nhau, trong lúc bất ổn chính trị ngày càng cao.

Bạo lực bùng lên ở nam Thái Lan, 12 người thương vongLực lượng biểu tình Thái Lan đòi lập chính phủ mớiÁo đỏ Thái Lan tuần hành ủng hộ chính phủ

8w92EWXT.jpgPhóng to
Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban (bìa phải) vẫy tay với người ủng hộ sau khi tiến vào phủ thủ tướng ở Bangkok hôm 9-5 - Ảnh: Reuters

Ngày 12-5, Reuters dẫn lời tân chủ tịch thượng viện Surachai Liengboonlertchai cho rằng Thái Lan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất từ trước đến nay sau sáu tháng biểu tình. “Ngay lúc này, thượng viện là nơi có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị” - ông Surachai nói.

Lãnh đạo biểu tình thuộc Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân (PDRC), ông Suthep Thaugsuban, đang kêu gọi thượng viện, tòa án và ủy ban bầu cử can thiệp vào tình hình và chỉ định một thủ tướng trung lập. Ý định này tuy vậy vấp phải sự phản đối của Đảng Phuea Thai cầm quyền và bị một số chuyên gia nói là không có căn cứ pháp lý.

Phuea Thai kiện ông Suthep

"Quân đội sẽ không lên kế hoạch đảo chính và hãy để các chính trị gia giải quyết vấn đề"

Ông WINTHAI SUVAREE(người phát ngôn Lục quân Thái Lan)

Ông Surachai cho biết thượng viện sẽ bàn thảo việc vạch ra lộ trình đưa Thái Lan ra khỏi khủng hoảng. “Một thủ tướng trung lập chưa được đem ra thảo luận trong lộ trình” - chủ tịch Thượng viện Thái Lan nói. Trong khi đó, Reuters dẫn lời người phát ngôn Lục quân Winthai Suvaree nói các lãnh đạo quân đội chưa bao giờ đề cập về một thủ tướng trung lập và ý tưởng này cũng không phải là điều họ muốn dính vào.

Tuy nhiên, cũng chính vì điều này, hôm qua Đảng Phuea Thai cầm quyền đã đâm đơn kiện lãnh đạo biểu tình Suthep lên Cục Điều tra đặc biệt (DSI) với cáo buộc ông này vi phạm đặc quyền hoàng gia và phản loạn. Giám đốc DSI Tarith Pengdith và cũng là thư ký của Trung tâm điều hành hòa bình và trật tự (CAPO) nói đã tiếp nhận đơn kiện của Phuea Thai vì nhiều lý do. Trong đó có việc ông Suthep cho nâng cấp biểu tình từ ngày 9-5 và điều khiển người biểu tình chiếm nhiều đài truyền hình. Ông Suthep cũng đang lên kế hoạch lập văn phòng riêng tại phủ thủ tướng, nơi PDRC đang chiếm.

Ngoài ra, theo ông Tarith, ông Suthep còn yêu cầu chủ tịch thượng viện và chủ tịch các tòa án hiến pháp, tòa án tối cao và tòa hành chính đề cử một thủ tướng trung lập để trình lên nhà vua phê chuẩn theo điều 7 hiến pháp. Phuea Thai cho rằng hành vi này của ông Suthep vi phạm luật hình sự và đặc quyền của nhà vua. DSI nói sẽ lập một ủy ban bao gồm các nhà điều tra từ DSI, cảnh sát, văn phòng tổng công tố để điều tra vụ việc.

Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng PDRC muốn lập ra một hội đồng của người dân với thủ tướng trung lập do nhà vua chỉ định, từ đó cải tổ chính trị trước khi bầu cử. Phuea Thai và áo đỏ lại muốn tổ chức bầu cử ngay.

Dùng đặc nhiệm bắt ông Suthep

Áo đỏ đe dọa bạo lực

Theo Reuters, lực lượng áo đỏ đã cảnh báo PDRC về ý tưởng lập thủ tướng trung lập. “Tôi cảnh báo các anh. Điều đó sẽ dẫn đến một sự phản ứng bạo lực” - lãnh đạo áo đỏ Jatuporn Phromphan nói. Báo The Nation cho biết quân đội Thái đang chuẩn bị kế hoạch ngăn chặn đụng độ giữa hai phe biểu tình đối địch nhau.

Trong khi đó, CAPO cho biết sẽ dùng đặc nhiệm cảnh sát để bắt 14 lãnh đạo cốt cán của lực lượng PDRC, trong đó có cả Suthep Thaugsuban. Trong một kế hoạch công bố ngày 11-5, lãnh đạo CAPO Tarith khẳng định cảnh sát sẽ không tìm cách giải tán biểu tình mà chỉ nhằm vào các lãnh đạo PDRC. Ông cũng nhắc lại quyết định ngày 8-5 của Văn phòng tổng công tố Thái Lan (OAG) khởi tố 51 lãnh đạo PDRC, trong đó có 14 lãnh đạo kể trên vốn đang phải đối mặt với lệnh bắt vì tội phản loạn.

Hôm qua, tòa án Thái Lan cũng đã nghe yêu cầu của OAG trong việc khởi tố 51 lãnh đạo PDRC với 10 tội danh liên quan đến các hoạt động của lực lượng này. CAPO nói họ hi vọng sẽ có thêm các lệnh bắt đối với các lãnh đạo biểu tình sau phiên điều trần tại tòa. Và ngay sau khi có lệnh bắt, CAPO sẽ bắt đầu ngay chiến dịch bắt giữ. Theo kế hoạch, Văn phòng chống rửa tiền sẽ được yêu cầu phong tỏa tài sản của các nghi can trong vụ việc.

Ông Tarith nói chiến dịch có thể sẽ dẫn đến đụng độ và thương tích, người dân không liên quan đến phong trào của PDRC nên tránh các khu vực biểu tình. CAPO nói 14 lãnh đạo PDRC được một nhóm vệ sĩ riêng bảo vệ nên chiến dịch sẽ được chia làm 14 chiến dịch nhỏ. Ông Tarith cho biết việc bắt các lãnh đạo biểu tình là cần thiết để phòng ngừa việc PDRC và lực lượng áo đỏ đụng độ với nhau, điều có thể dẫn đến nội chiến.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên