Các ngoại trưởng ASEAN "quan ngại sâu sắc" vụ giàn khoan TQ
Phóng to |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ 6 từ trái sang) cùng các lãnh đạo ASEAN và phu nhân chụp ảnh trước tiệc chiêu đãi chào mừng Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 do Tổng thống Myanmar Thein Sein và phu nhân chủ trì tối 10-5 - Ảnh: Reuters |
Đây là động thái đặc biệt vì thông thường các hội nghị cấp cao ASEAN sẽ chỉ có tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo. Tuyên bố cũng có thể coi là thắng lợi ngoại giao khi trước đó đã có những lo ngại khối sẽ không dễ dàng thống nhất ra tuyên bố về biển Đông vì lợi ích các bên khác nhau, cũng như do ảnh hưởng bao trùm của Trung Quốc tại khu vực. Thậm chí đã có những lo ngại về việc khối có thể chia rẽ liên quan đến chủ đề phức tạp này.
Nhưng những căng thẳng về biển Đông vẫn có thể thấy khi các cuộc họp của bộ trưởng ngoại giao, của hội đồng chính trị và an ninh rồi ủy ban điều phối ASEAN đã kéo dài hơn nhiều so với chương trình nghị sự. Đến 13g40, gần hết thời gian nghỉ ăn trưa theo nghị trình, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết các bộ trưởng mới thống nhất để đưa ra được tuyên bố. Các nguồn tin nói cuộc họp ở bên trong đã rất căng thẳng khi liên quan đến biển Đông và chỉ đến khi nước chủ nhà Myanmar hỏi và không vấp phải sự phản đối nào từ các đoàn thì phía VN mới có thể thở phào.
Uy tín của ASEAN
Trả lời báo giới sau cuộc họp, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam thừa nhận “những diễn biến gần đây là vấn đề cực kỳ đáng quan ngại. Có sự đồng thuận thống nhất trong ASEAN rằng phải coi vấn đề là nghiêm trọng và ra tuyên bố chung”. Ông thừa nhận nếu ASEAN không lên tiếng thì uy tín của khối “sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Trong tuyên bố, các ngoại trưởng khẳng định lại tầm quan trọng của “duy trì hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, cũng như tuyên bố nguyên tắc sáu điểm của ASEAN về biển Đông và tuyên bố chung cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 15 kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)”. Tuyên bố cũng kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và thực hiện kiềm chế, tránh các hành động có thể phương hại hòa bình.
Hài lòng với tuyên bố, không hài lòng chuyện trên biển
Trả lời Tuổi Trẻ sau cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh thừa nhận các bộ trưởng “đã bàn rất nhiều về những tình hình diễn biến phức tạp hiện nay đối với vấn đề biển Đông. Các bộ trưởng đều nhấn mạnh sự việc hiện nay là rất nghiêm trọng và có thể phương hại nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải của khu vực”.
“Đây không chỉ là kết quả tích cực của cuộc họp lần này, mà còn thể hiện được vai trò rất trách nhiệm, vai trò chủ đạo của ASEAN đối với những vấn đề sát sườn, liên quan mật thiết tới hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực” - ông Vinh nhấn mạnh.
Khi được hỏi có hài lòng với tuyên bố của ASEAN, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định: “Tôi nghĩ mọi người đều hài lòng khi ASEAN đóng vai trò trung tâm và có tiếng nói chung, nhưng chúng tôi không hài lòng với chuyện trên biển Đông một chút nào”.
Sáng kiến SOM đặc biệt
Tại cuộc họp lần này, VN cũng đưa ra sáng kiến để các hoạt động của ASEAN có thể trở nên thực chất hơn bằng việc lập ra cuộc họp quan chức cấp cao (SOM) đặc biệt để đảm bảo vai trò trung tâm của khối. Sáng kiến này đã được các đoàn ASEAN chấp thuận.
“Trong bối cảnh có rất nhiều diễn biến trên quốc tế và khu vực đòi hỏi ASEAN phải xem xét lại, xem mình cần phải nỗ lực như thế nào để bảo đảm vai trò trung tâm ở khu vực và trên thực tế từ nay đến năm 2015 ASEAN đi vào cộng đồng, ASEAN cần phải thể hiện rõ hơn tính đoàn kết, tiếng nói chung và những nỗ lực chung” - ông Vinh nói.
Bên lề hội nghị bộ trưởng ngoại giao lần này, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp bên lề với Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin và Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa. Tại cuộc họp với ngoại trưởng Myanmar, hai bên bày tỏ hài lòng với sự phát triển quan hệ giữa hai bên. Ngoại trưởng Myanmar cũng bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở trên biển Đông lúc này.
Ngay sau hội nghị ngoại trưởng, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh có cuộc gặp với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa. Ngoại trưởng Indonesia đã bày tỏ hài lòng khi hai nước đạt được sự đồng thuận trên nhiều vấn đề cả về song phương cũng như trong khu vực.
Ngoại trưởng Indonesia bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới đang diễn ra tại biển Đông mà ông cho rằng ASEAN nên có tiếng nói chung thống nhất về vấn đề này. Ông cũng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng chiến lược của VN trong đối ngoại của Indonesia.
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh: “Việc Trung Quốc gây hấn ở biển Đông là những diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm” “Nếu như có những văn kiện quan trọng, những thỏa thuận quan trọng, những cam kết chung quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử ở biển Đông, trong đó phải kể đến tuyên bố DOC... thì trong tất cả văn kiện này, quan trọng nhất là nguyên tắc không sử dụng vũ lực, là nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp. Do đó hành động vừa rồi của Trung Quốc trên biển Đông như kéo giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, điều động một số lượng lớn tàu biển và máy bay uy hiếp các hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam trong vùng biển của mình là một hành động rất nghiêm trọng, đi ngược lại tinh thần của tất cả văn kiện, những cam kết chung giữa ASEAN và Trung Quốc. Có thể nói tình hình ảnh hưởng nhiều nhất tới hòa bình, ổn định ở khu vực chính là vấn đề hòa bình, ổn định ở biển Đông. Hòa bình, ổn định ở biển Đông là yếu tố cần cho cả ASEAN, cần cho cả Trung Quốc. Để đạt được điều đó, ASEAN phải đoàn kết. Rất đáng khích lệ là ASEAN, trong tình hình khó khăn như vậy, đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, sự nhất trí, trung thành với nguyên tắc sáu điểm chỉ đạo nguyên tắc ứng xử của ASEAN trong vấn đề biển Đông, thể hiện trong tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao vừa thông qua”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận