Chuyến thăm Philippines khó khăn của ông Obama Chuyến đi "trấn an" của ông Obama
Phóng to |
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc nói chuyện với các lãnh đạo trẻ ASEAN tại Malaysia ngày 27-4 - Ảnh: AFP |
Cả AP và Reuters trích nguồn tin cao cấp trong Chính phủ Philippines nói thỏa thuận mới sẽ có thời hạn trong vòng 10 năm và có thể được tái ký tùy thuộc vào nhu cầu của hai nước. Việc ký kết sẽ diễn ra giữa Bộ trưởng quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và đại sứ Mỹ Philip Goldber sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino chiều nay.
Một phần của “tái cân bằng”
Thỏa thuận quân sự mới được coi là một phần trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ về khu vực châu Á. Đồng thời thỏa thuận có ý nghĩa quan trọng với Manila, đồng minh lâu năm của Mỹ và đang phải đối phó với Trung Quốc ngày càng cứng rắn và mạnh bạo tại biển Đông.
Mỹ sẽ không rời khu vực Trong cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo trẻ ASEAN chiều qua, tổng thống Mỹ một lần nữa khẳng định các cuộc khủng hoảng như tại Ukraine và Trung Đông sẽ không ảnh hưởng tới chính sách cũng như sự quan tâm của Mỹ tới khu vực. Trong cuộc nói chuyện, ông cũng khẳng định sẽ trở lại khu vực vào cuối năm nay và nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ và là thị trường đầu tư số 1 của Washington. |
Thỏa thuận mới sẽ cho phép Mỹ luân chuyển tàu, sân bay và lính trong khoảng thời gian lâu hơn so với hạn mức hai tuần cho phép của các đợt tập trận chung hiện tại giữa hai nước. Nguồn tin quân sự nói Mỹ dự kiến triển khai thêm tàu chiến đấu, một đội máy bay chiến đấu F18 hoặc F16 cùng máy bay hải thám tới Philippines.
Năm ngoái có đến 149 chuyến thăm viếng của tàu hải quân Mỹ tới Philippines, tăng hơn gấp đôi so với 68 chuyến của năm trước đó. Theo thỏa thuận mới này, dự kiến số chuyến thăm sẽ còn tăng thêm. “Chúng tôi đang xem xét các căn cứ ở phía bắc Luzon như Clark, Subic và Fort Magsaysay để có chỗ chứa quân đội Mỹ. Chúng tôi sẽ để thêm diện tích cho quân Mỹ” - nguồn tin quân sự nói.
Hai căn cứ Clark và Subic từng được Mỹ duy trì tại Philippines đến năm 1991 khi chính quyền Manila khi đó bỏ phiếu đóng căn cứ này. Tới năm 1999, Manila lại bỏ phiếu cho phép mở căn cứ để quân Mỹ tới thăm ngắn hạn cho các đợt tập trận.
Vấn đề căn cứ quân sự nước ngoài từng là vấn đề nhạy cảm với Philippines, nước từng là thuộc địa của Mỹ. Tuy vậy, việc quân đội Manila thiếu nguồn lực và trang bị đặc biệt là tại biển Đông có vẻ như đã tạo những thay đổi với vấn đề này. Manila đang cố kêu gọi sự trở lại của quân đội Mỹ như một cách đối chọi với Bắc Kinh trong các vấn đề tại biển Đông.
“Động lực khẩn cấp và ngay lúc này với Philippines là củng cố bản thân và tìm kiếm lá chắn an ninh cho đội quân “đáng thương” của mình - nhà phân tích Ramon Casiple nói với AP - Mỹ thì đang tìm cơ hội để trở lại châu Á, nơi vị thế siêu cường của họ đang bị nghi ngờ”.
“Trung Quốc sẽ cẩn thận hơn nhưng quyết tâm xây dựng quân sự mạnh hơn nữa vì những gì cạnh tranh nhau lúc này đã được Bắc Kinh tuyên bố công khai là lợi ích cốt lõi của mình” - ông nói.
Thất bại TPP tại Malaysia
Tại Malaysia hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo hai nước đồng ý nâng cấp quan hệ lên “đối tác toàn diện”, nhưng một lần nữa Washington không thể có được thỏa thuận về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Malaysia. Thủ tướng Najib Razak thừa nhận họ chưa sẵn sàng ký TPP vì những “vấn đề nhạy cảm” ở nội bộ. Malaysia là nước thứ hai sau Nhật mà tổng thống Mỹ không thể thúc đẩy được việc ký kết TPP trong chuyến đi được Nhà Trắng hết sức kỳ vọng này.
Đầu tháng này, một bộ trưởng của Malaysia thừa nhận nước này còn xa mới có thể ký được TPP và cho biết ưu tiên hàng đầu của họ lúc này là thúc đẩy hội nhập kinh tế với ASEAN vào năm tới. “Chúng tôi đang cố gắng giải quyết các vấn đề nhạy cảm và thách thức mà tôi có thừa nhận trong cuộc trao đổi với Tổng thống Obama” - ông Najib tuyên bố tại cuộc họp báo.
Tổng thống Mỹ thì thừa nhận việc phản đối trong nước với hiệp định thương mại là điều không ngạc nhiên và Washington sẵn sàng linh động với một số vấn đề như giá của một số loại thuốc bị e ngại là sẽ tăng cao sau TPP. Cuộc gặp của Tổng thống Obama với các lãnh đạo trẻ ASEAN tại một trường đại học chiều qua đã bị gián đoạn ngắn bởi một nhóm phản đối chống TPP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận