03/04/2014 00:19 GMT+7

"Mekong cần sự hợp tác giữa các nước"

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Nước là nguồn sống, nhưng cũng có thể là nguồn gốc xung đột nếu các quốc gia liên đới không thật sự lắng nghe nhau và chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên này.

Khai mạc hội thảo quốc tế sông Mekong

w6ILaiwr.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai trả lời giới truyền thông - Ảnh: Thanh Tuấn

Hội nghị quốc tế hai ngày với chủ đề “Hợp tác vì an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực ở các lưu vực sông xuyên biên giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu” đã khai mạc hôm qua tại TP.HCM. Hơn 250 chuyên gia quốc tế về các lĩnh vực nước, cũng như đại diện từ các nước trong Ủy hội sông Mekong (MRC), đã tham gia các phiên thảo luận sôi nổi.

Mong muốn Trung Quốc và Myanmar gắn bó

"Điều lo sợ nhất không phải là chuyện chính trị, mà là các nước không còn đối thoại với nhau"

Chủ tịch Hội đồng nước thế giới Benedito Braga

MRC được thành lập từ năm 1995 sau thỏa thuận ký giữa bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Thế nhưng cho đến giờ cả hai nước ở đầu nguồn dòng Mekong là Trung Quốc và Myanmar đều từ chối hoặc lần lữa chưa chấp thuận tham gia MRC - cơ quan điều phối quan trọng trong việc quản lý nguồn tài nguyên cũng như các chiến lược phát triển bền vững của sông Mekong.

Trong nhiều năm qua, các chuyên gia đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc xây dựng các đập và thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong của Trung Quốc và một số nước sẽ gây ảnh hưởng tới dòng chảy, lưu lượng nước ở hạ nguồn dòng sông. Vấn đề đó vẫn gây ra những hỏi - đáp căng thẳng trong ngày hội nghị hôm qua.

Đại diện của Trung Quốc, ông Zhong Yang (Chung Dũng), từ Bộ Quản lý nguồn nước của Trung Quốc vẫn lập luận rằng Trung Quốc xây dựng các đập ở thượng nguồn sông Mekong vì đây là khu vực có nhiều dân nghèo, và xây dựng đập là “cách duy nhất giúp những người nghèo ở khu vực này”.

Khi được hỏi về việc Trung Quốc và Myanmar tham dự MRC, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Việt Nam Nguyễn Thái Lai nói với Tuổi Trẻ: “MRC đang có những bước đi để có sự tham dự của Trung Quốc và Myanmar trong hợp tác cũng như trong các quyết định về sông Mekong”.

Tại diễn văn khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thái Lai đã khẳng định thách thức với lưu vực sông Mekong là “làm thế nào để phối hợp giữa các nước trên dòng sông nhằm đảm bảo an ninh về nước, năng lượng và lương thực” với lợi ích lớn nhất cho các bên.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen cũng đồng ý quan điểm này và cho rằng “Mekong cần sự hợp tác giữa các nước trong lưu vực hơn bao giờ hết” và các nước không nên tránh né các chủ đề liên quan tới an ninh và phát triển bền vững cho dòng Mekong.

Ảnh hưởng xuyên biên giới

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cũng đồng ý với quan điểm về quản lý tổng hợp, trước hết là “quản lý tài nguyên nước vì nước cần cho mọi hoạt động sản xuất kinh tế”. Ông nói thêm: “Ngày hôm nay các chuyên gia cũng đã nêu thêm rằng mối ảnh hưởng quan trọng đó không chỉ trong phạm vi của một đất nước, mà còn có thêm khía cạnh mới là ảnh hưởng xuyên biên giới. Việc sử dụng nước của một nước này sẽ có tác động đến nước khác”.

Chủ tịch Hội đồng nước thế giới Benedito Braga nhắc lại nguy cơ “nước sẽ là dầu mỏ của thế kỷ 21 hay chiến tranh sẽ nổ ra vì nước chứ không phải bởi dầu mỏ”. Ông khẳng định hợp tác là quan trọng khi hơn 40% nhân loại phải sống nhờ vào các nước láng giềng để đáp ứng các nhu cầu nước hằng ngày của mình. “Rõ ràng phát triển và quản lý tài nguyên nước sẽ là mấu chốt của mọi mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai” và “hợp tác hành động là mấu chốt cho nỗ lực này”.

Các phiên thảo luận tiếp tục trong hôm nay (3-4). Cùng ngày, phiên họp trù bị cho Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong cũng chính thức bắt đầu.

Thích nghi với biến đổi khí hậu

Thích nghi với biến đổi khí hậu là một trong các vấn đề chính được thảo luận ở hội nghị. Tại đây, các diễn giả từ nhiều nước và châu lục đã chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến về việc hợp tác xuyên biên giới về thích nghi với biến đổi khí hậu, như hợp tác chống khô hạn giữa Mỹ và Mexico. Bà Nguyễn Hương Thùy Phấn, thuộc chương trình Sáng kiến thích ứng biến đổi khí hậu của MRC, đánh giá cao các chia sẻ và cho rằng dù câu chuyện diễn ra ở những khu vực khác nhau nhưng hầu như đều có chung vấn đề và có lẽ có cách giải quyết giống nhau.

Trong khi đó, chuyên gia Robert Varady thuộc Đại học Arizona thừa nhận việc xây dựng niềm tin là một vấn đề quan trọng trong việc hợp tác xuyên biên giới. Tuy nhiên, ông cho rằng việc xây dựng niềm tin cần nhiều thời gian và còn phụ thuộc vào lịch sử quan hệ hợp tác giữa các nước. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông cho biết thêm việc hợp tác không nên chỉ diễn ra ở cấp độ ngoại giao và chính trị, mà còn cần có sự tham gia của công chúng. Người dân cần hiểu rõ về những chính sách mà họ là người sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. “Nếu người dân không được tham gia, họ sẽ cảm thấy tức giận và có thể ảnh hưởng đến tính hiệu quả của việc áp dụng các chính sách” - ông nhấn mạnh.

TRẦN PHƯƠNG

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên