Nga - Trung đạt thỏa thuận về Ukraine
TTO - Bộ Ngoại giao Nga ngày 3-3 cho biết Nga và Trung Quốc đã đạt sự nhất trí về vấn đề Ukraine, thông tin được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa bộ trưởng ngoại gia Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp của Trung Quốc Vương Nghị.
G7 hứa "ném phao" giải cứu kinh tế Ukraine nếu...Tổng thống Nga Putin chấp nhận đối thoại về UkraineNgoại trưởng Mỹ John Kerry chuẩn bị đến Kiev
Phóng to |
Binh lính được cho phục vụ cho quân đội Nga đang đi bên ngoài căn cứ trong một ngôi làng Perevalnoye, ngoại ô Simferopol ngày 3-3 - Ảnh: Reuters |
"Bộ trưởng ngoại giao hai nước đã nhắc tới sự trùng khớp trong quan điểm giữa Nga và Trung Quốc về tình hình leo thang ở Ukraine hiện nay", tuyên bố trên trang web của Bộ ngoại giao Nga cho biết.
Cuộc điện đàm giữa hai bộ trưởng diễn ra ngay sau khi các nước G8 đe dọa sẽ không tham dự cuộc họp của nhóm này ở Sochi vào tháng 6-2014, nhằm phản đối quyết định can thiệp của Nga vào Ukraine.
Trung Quốc không phải là thành viên của nhóm G8 nhưng nước này và Nga đều có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Nga không muốn chiến tranh với Ukraine
Hãng tin ITAR TASS hôm 2-3 dẫn lời thứ trưởng ngoại giao Nga Grigory Karasin cho biết Nga không muốn có chiến tranh với Ukraine và những gì đang xảy ra là một bi kịch đối với nước này.
Ông Karasin cho biết ngày 1-3, Thượng viện Nga thông qua việc can thiệp quân sự ở Ukraine nhằm chứng tỏ Nga đang nghiêm túc trong vấn đề về Ukraine.
"Không ai ở nước Nga muốn có chiến tranh với Ukraine, chúng tôi muốn Ukraine là một quốc gia phồn vinh" - ông Karasin tuyên bố trong chương trình "Tối Chủ Nhật với Vladimir Solovyov" của đài truyền hình Nga.
Thứ trưởng ngoại giao Karasin lên án các nước phương Tây đã đe dọa tước quy chế thành viên của Nga trong nhóm G8 sau khi tổng thống Vladimir Putin giành được sự phê chuẩn của Duma quốc gia Nga về việc cử binh lính đến Ukraine.
"Nga sẽ ủng hộ tất cả những lực lượng hỗ trợ cho việc đẩy mạnh quan hệ song phương, bởi sự ổn định của châu Âu phụ thuộc vào những mối quan hệ thế này. Các chính trị gia phương Tây nên hiểu điều đó và không nên dùng những ngôn ngữ xấu xa chống lại chúng tôi" - ông Karasin nhấn mạnh.
Chủ tịch Thượng viện Nga - bà Valentina Matviyenko - cũng bác bỏ thông tin xảy ra chiến tranh khi Nga can thiệp quân sự vào Ukraine.
"Tổng thống Vladimir Putin chưa bao giờ nhắc đến từ đó. Sẽ không bao giờ có chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Tôi cho rằng những cái đầu nóng ở Kiev cuối cùng sẽ lạnh đi và nên hiểu rằng những hành động của họ chỉ khiêu khích cho các quan điểm ly khai tại các khu vực miền nam Ukraine và Crimea" - bà Matviyenko nói.
Quan chức và binh lính Ukraine thề trung thành với Crimea
Kênh truyền hình Nga RT ngày 2-3 đưa tin thêm bốn quan chức cấp cao của quân đội và an ninh Ukraine cùng hơn 3.000 binh lính của nước này tuyên thệ trung thành với nước Cộng hòa tự trị Crimea, một tín hiệu cho thấy chính quyền tự trị ở Simferopol ngày càng xa chính quyền trung ương ở Kiev.
Bốn quan chức này gồm trưởng cơ quan an ninh Crimea Petyor Zima, giám đốc Sở Nội vụ Crimea Sergey Abisov, người đứng đầu cơ quan tình trạng khẩn cấp Sergei Shakhov, quyền chỉ huy bảo vệ biên phòng Crimea Victor Melnichenko.
Trước đó, chuẩn đô đốc Denis Berezovskyi cũng đã tuyên bố đứng về phía người dân Crimea chỉ một ngày sau khi được Tổng thống tạm quyền của Ukraine Oleksandr Turchynov bổ nhiệm làm tư lệnh lực lượng hải quân Ukraine. Tại cuộc họp báo công khai ở Sevastopol ngày 2-3, ông Denis Berezovskyi đã tuyên thệ tuyên trung thành và cam kết bảo vệ nhân dân Crimea.
Theo ITAR -TASS, Thủ tướng nước cộng hòa tự trị Crimea - Sergey Aksyonov đã bổ nhiệm ông Denis Berezovskyi làm tư lệnh lực lượng hải quân nước cộng hòa tự trị Crimea. Ông Aksyonov cũng cho biết sẽ sớm thành lập bộ quốc phòng trực thuộc nước Cộng hòa tự trị Crimea.
Crimea là nơi có đa số dân là người sắc tộc Nga sinh sống và một phần căn cứ hạm đội Biển Đen của Nga đang đồn trú tại quân cảng Sevastopol. Theo thỏa thuận giữa Ukraine và Nga, Matxcơva có quyền sử dụng quân cảng này đến năm 2042.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 2-3 khẳng định cựu tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych vẫn là lãnh đạo hợp pháp của nước này. Trên trang facebook của mình, ông Medvedev nhấn mạnh nếu ông Yanukovych có tội thì nên bị xét xử theo hiến pháp Ukraine. "Nga muốn một Ukraine ổn định và vững mạnh cũng như là một đối tác phồn vinh. Nga sẵn sàn phát triển mối quan hệ hiệu quả và cùng có lợi nhiều mặt cũng như tôn trọng các mối quan hệ với Ukraine" - ông Medvedev nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận