26/11/2013 01:57 GMT+7

Thành quả của cách tiếp cận tương đồng

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - Việc đạt được thỏa thuận giữa các nước lớn với Iran về chương trình hạt nhân của nước này đang là một sự kiện nổi bật thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới.

tyO4Kx74.jpgPhóng to
Người dân Iran chờ đón Ngoại trưởng Zarif tại sân bay Mehrabad sau khi ông về từ Geneva - Ảnh: THX - TTXVN

Người Iran coi đây là “một sự kiện lịch sử” đối với đất nước họ. Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả thỏa thuận này là “bước đầu tiên quan trọng để tiến tới một giải pháp toàn diện cho vấn đề hạt nhân Iran”.

Không thể phủ nhận tính đột phá của việc đạt được thỏa thuận này, bởi suốt gần mười năm qua, hễ nghe tin “đàm phán” về vấn đề hạt nhân Iran là người ta thường nghĩ ngay tới một kết cục thất bại được biết trước. Lần này, các bên đàm phán đã được hỗ trợ bởi một cục diện chín muồi mở lối đến một thỏa thuận tuy mới là “giai đoạn”, là “bước đầu” nhưng chưa từng có!

Mỹ và các nước lớn trong nhóm “P5+1” (gồm năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc + Đức) đã nhất trí kiên trì dùng giải pháp ngoại giao để đạt được mục tiêu ngăn cấm điều mà họ đoan chắc là “Iran đang có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân”. Tổng thống Obama đã nhiều lần thể hiện cách tiếp cận bằng giải pháp ngoại giao này, nhất là từ khi ông bước vào nhiệm kỳ hai tại Nhà Trắng hồi đầu năm nay.

Việc ông Obama đột ngột ngưng ý định đánh vào Syria khi “đạn đã lên nòng” hồi tháng 8 vừa qua được Iran coi là một bằng chứng cho thấy chính quyền Mỹ thực tâm không muốn có một cuộc chiến tranh nữa ở Trung Đông. Rồi việc Mỹ hợp tác chặt chẽ với Nga dẫn đầu chiến dịch giải giáp vũ khí hóa học tại Syria (không quan tâm tới ai đã gây ra vụ thảm sát bằng vũ khí hóa học tại nước này ngày 21-8) được Iran “đọc vị” là minh chứng cho đường lối của ông Obama không muốn dính líu đến các cuộc xung đột nội bộ khu vực.

Iran “lùi một bước”

Trong khi đó, Iran ngày càng thấm thía nỗi bức bách bởi những khó khăn do bị áp đặt trừng phạt quốc tế về kinh tế, tài chính và sự cô lập với phần còn lại của thế giới. Tình thế ngặt nghèo chẳng những ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiếp tục chương trình hạt nhân đầy tham vọng, mà còn khiến Iran cảm thấy sắp “hụt hơi” nếu muốn duy trì vị thế của nước cộng hòa Hồi giáo trong khu vực. Những hoạt động “hải ngoại” của Iran tại Syria, Libăng, Iraq, Yemen, vùng Vịnh và xa hơn nữa sang tận châu Phi, Mỹ Latin... đòi hỏi nước này phải thoát khỏi cái vòng kim cô trừng phạt và cô lập.

Từ tháng 6 năm nay, thế giới chứng kiến những chuyển động đáng kinh ngạc từ bên trong Iran, khởi đầu bằng việc giáo sĩ ôn hòa Hassan Rouhani được bầu làm tổng thống thay cho người tiền nhiệm Ahmadinejad đầy gai góc. Ở một thể chế rất cá biệt như Cộng hòa Hồi giáo Iran, đây không phải là một sự kiện ngẫu nhiên hay một hệ quả tất yếu của “bầu cử dân chủ”.

Đến nay, “cây đũa thần” trong bàn tay điều khiển của đại giáo chủ lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamanei đã lộ diện. Tổng thống Rouhani đã gửi thư cảm ơn ông Khamanei “đã ủng hộ chính phủ và phái đoàn đàm phán đến thành công”. Ông nhấn mạnh vai trò “hướng đạo” của đại giáo chủ trong quá trình đàm phán. Ông Khamanei đáp lại thư của Rouhani bày tỏ sự “đồng ý với những kết quả của đàm phán” và nhấn mạnh thỏa thuận này là “nền tảng cho những bước đi tiếp theo” và sẽ trở thành “cơ sở cho những bước đi thông minh hơn nữa”.

Nội dung của thỏa thuận vừa đạt được tại Geneva mang đến cảm nhận là Iran nhượng bộ quá nhiều so với những gì mà họ vẫn kiên định không lùi bước trong vô số cuộc đàm phán trước đây. Đó là sự trả giá cho việc “chuyển hướng chiến lược” của Iran từ mục tiêu duy nhất là tham vọng hạt nhân, sang đặt trọng tâm khu vực lên hàng đầu. Lùi bước tạm thời về chương trình hạt nhân để loại bỏ áp lực của Mỹ và các nước lớn, tạo thuận lợi cho tập trung vào vực dậy tiềm lực trong nước và củng cố vị thế của Iran tại Trung Đông. Hơn nữa, nếu thoát khỏi trừng phạt kinh tế - tài chính và sự cô lập quốc tế, Iran sẽ có cơ hội để trở lại với tham vọng hạt nhân một khi tiềm lực mọi mặt được khôi phục.

Trong cuộc họp báo ngày 24-11, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif nói: “Không có một văn bản pháp lý nào ngăn cấm một quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân và quyền làm giàu uranium bằng phương pháp hòa bình”, và “Iran sẽ có một chương trình làm việc để thông qua đó làm giàu uranium”. Tuyên bố này thể hiện rõ ràng lập trường của Iran không từ bỏ mục tiêu sở hữu đầy đủ công nghệ hạt nhân, chứ không chỉ bằng lòng với “quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình”. Đây đang và sẽ là mấu chốt của những tồn tại mà các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Iran với nhóm P5+1 cần phải tìm được tiếng nói chung.

Hi vọng rằng với cách tiếp cận tương đồng, Iran và các nước lớn sẽ có thêm những thành quả mới vì lợi ích của an ninh và ổn định trong khu vực này và trên thế giới.

Mỹ trấn an Israel

Giá dầu thô Brent giảm 2,2% trong ngày hôm qua trong khi giá đồng rial của Iran đã tăng 3% sau thông tin về thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và P5+1.

Nhưng chỉ vài giờ sau thỏa thuận, từ trên chuyên cơ Air Force One trên đường tới Seattle, Tổng thống Mỹ Obama đã phải gọi điện cho thủ tướng Israel để trấn an đồng minh quan trọng nhất ở Trung Đông khi nhấn mạnh thỏa thuận chỉ là tạm thời, còn những gỡ bỏ cấm vận là hạn chế. Tuyên bố ngắn gọn của Nhà Trắng khẳng định lãnh đạo hai nước “tái khẳng định mục tiêu chung” về việc ngăn Iran không có vũ khí hạt nhân.

Ở Washington DC, ông Obama đối mặt với chỉ trích của cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa, những người coi thỏa thuận là “sai lầm” và bày tỏ “thất vọng”. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, nhân vật số 3 của phe Dân chủ ở thượng viện, tuyên bố “thất vọng” với thỏa thuận và cho rằng Iran đã được nhiều hơn trong thỏa thuận này. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Robert Menendez tuyên bố thượng viện sẽ xem xét dự luật mới trừng phạt Iran ngay lập tức nếu như Tehran vi phạm bất cứ thỏa thuận nào mới đạt được. “Chúng ta không nên giảm trừng phạt hay lần lữa trong việc chuẩn bị các hình thức trừng phạt mới nếu đàm phán thất bại” - ông Menendez nhấn mạnh.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif được đón nhận nồng nhiệt khi máy bay hạ cánh ở Tehran - dấu hiệu cho thấy sự hài lòng của người dân Iran khi đã quá mệt mỏi bởi cấm vận và bao vây.

AP và Washington Post đưa tin ông John Kerry đã bắt đầu thực hiện đàm phán với Iran thông qua Oman từ năm 2011, hai năm trước khi ông chính thức trở thành ngoại trưởng Mỹ. Đàm phán được nâng lên cấp thứ trưởng từ tháng 3 năm nay với Thứ trưởng William Burns và cố vấn đối ngoại Jake Sullivan của Phó tổng thống Biden trực tiếp tham gia đàm phán. Theo AP, có ít nhất năm cuộc đàm phán như vậy từ tháng 3 - ba tháng trước khi ông Rouhani đắc cử.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên