14/11/2013 08:28 GMT+7

PV Tuổi Trẻ từ Tacloban: "Cái chết nhiều hơn sự sống"

THANH TUẤN - QUỐC VIỆT (Tacloban, Philippines)
THANH TUẤN - QUỐC VIỆT (Tacloban, Philippines)

TT - Khi nói chuyện với viên chức Liên Hiệp Quốc tới thị sát chiều 13-11, ông Alfred Romualdez, thị trưởng Tacloban, nói thành phố giống như bị “quả bom nguyên tử thả xuống đây. Giờ ở đây giống như Ground Zero (khu vực bị tấn công ngày 11-9 ở New York, Mỹ).”

3K3vmfpL.jpgPhóng to
Người dân mệt mỏi chờ đợi được ra máy bay tại sân bay Tacloban ở Philippines - Ảnh: Thanh Tuấn

Tan hoang, hỗn loạn, xác chết người lớn lẫn trẻ em vẫn còn nằm rải rác khắp nơi. Đó là những cảnh tượng mà chúng tôi phải nặng lòng nhìn thấy khi đến Tacloban. Trước mặt chúng tôi, hàng ngàn đoàn người nhếch nhác, mỏi mệt vì đói khát đang vây chặt quanh đây và tìm đường thoát khỏi đống đổ nát. Phía sau họ, lớp lớp người vẫn đang ùn ùn đổ đến nhưng không ai có thể mua được vé vào lúc này. Đoàn người hi vọng, chen chúc lẫn nhau rồi thất vọng. Nhiều bà mẹ ôm con bật khóc thành tiếng sau hàng rào lính gác sân bay. Bên trong, những chiếc xe quân đội đưa hàng đến cứu trợ ưu tiên chở người già yếu bệnh tật. Nhiều người già, trẻ em đã gần như lả đi. Được đặt chân lên máy bay, nhiều người xúc động đến bật khóc vì thoát ra khỏi thành phố tang thương.

Không chốn nương thân

Trước mắt chúng tôi, biển Tacloban bình yên và xinh đẹp giờ cái chết nhiều hơn sự sống, nước mắt tuyệt vọng đã thay đổi cả nụ cười lạc quan. Trò chơi của những đứa trẻ để tạm quên đi đói khát lúc này là đóng giả xác chết xem ai đóng đạt hơn giữa đống đổ nát. Người ta dễ nhìn thấy xác chết bên vệ đường hơn là tìm được những ngôi nhà còn nguyên vẹn. Một người thoát khỏi thành phố nói với chúng tôi sau khi rời khỏi Tacloban: “Đó là thành phố của những xác chết còn sống”. Câu nói hơi hình tượng. Những người may mắn thoát khỏi cơn bão giờ cũng đang tàn lụi sức sống vì đói khát tuyệt vọng, không còn chốn nương thân nào nữa.

Chuyến bay của Philippine Airlines đưa chúng tôi đến Tacloban khoảng 7g sáng. Nhìn từ trên cao, các ngôi nhà đều có hình dạng giống nhau như những chiếc hộp diêm bị xé toạc, cháy đen và không còn sự sống. Toàn thành phố khó đếm được đầy bàn tay những nóc nhà còn nguyên. Đường vào khó khăn, đường ra lại càng kẹt nhiều hơn. Chính chúng tôi cũng không biết mình sẽ trở ra bằng cách nào vì không thể được đặt chân lên máy bay, đường bộ thì xe cộ không còn xăng để chạy. Bên trong thành phố, chúng tôi càng buốt lòng thấy những thi thể nằm khắp nơi, có những chỗ đã được thu dọn, xếp thẳng hàng, chân duỗi ra đường, đầu quay vào trong.

Nhưng nhiều nơi thi hài người chết vẫn đang nằm ngổn ngang nguyên trạng như ngay sau cơn bão và đã bắt đầu thối rữa. Những khuôn mặt người đang phân hủy trong khi ruồi nhặng cũng không buông tha các số phận bi thảm. Nhìn những thi thể trẻ em vẫn đang lấp ló dưới đống đổ nát, ai cũng phải ngậm ngùi. Có thi hài nhỏ bé chỉ khoảng 2-3 tuổi đã bị vùi lấp gần hết. Gần một tuần trôi qua rồi, bé vẫn nằm đó lạnh lẽo cùng bao thi hài bất hạnh khác. Mưa vẫn đổ xuống đầy thêm bùn đất, vùi lấp thân xác các em.

Tacloban lúc này, người may mắn cũng chẳng còn lòng dạ nào để lo hậu sự cho những người bất hạnh hơn mình. Người chết nằm đó, người sống cũng cố gắng tồn tại trong cơn thảm họa.

uIPVx74O.jpgPhóng to
Người dân đợi ra máy bay tại sân bay Tacloban dưới sự giúp đỡ của binh lính Philippines - Ảnh: Thanh Tuấn

Móc cả nước cống để cầm cự

Không thể nói Tacloban đã bị bão tàn phá mà phải nói là đã bị hủy diệt, hủy diệt hoàn toàn đến mức khó có thể phục hồi được nữa. Toàn thành phố chỉ còn một số hiếm hoi công sở kiên cố còn hình dạng dù cũng bị hư hỏng hoàn toàn. Gần như tất cả nhà dân đã bị san phẳng. Cổ thụ to vòng tay người ôm, cột thép, tường bêtông cũng ngã gục. Những căn nhà gỗ mái tôn đã trở thành một bãi vụn nát, bấy nhầy không còn hình hài. Dưới bãi biển đẹp nhất Tacloban, những nhân viên cứu trợ vẫn đang tìm vớt xác những người chết trôi từ cách đó hơn năm ngày.

Những người còn sống phải moi móc cả nước cống lẫn nước mưa bên vệ đường để cầm cự. Đói khát tràn lan khắp nơi. Chẳng ai còn tìm được ở đâu, xin ở đâu một chai nước, vốc gạo. Hàng cứu trợ chuyển đến quá ít ỏi so với nhu cầu. Hàng ngàn người đói lả đang mỏi mòn chờ đợi trợ giúp ở sân bay, tòa thị chính. Mà ngay cả tòa thị chính được xây dựng kiên cố cũng bị bão phá tan nát bên trong. Những thứ tưởng quá bình thường giờ trở nên đặc biệt hiếm hoi, quý báu. Người ta đội mưa nắng, xếp thành hàng dài suốt nhiều giờ để chờ được sạc điện thoại vài phút từ chiếc máy phát điện. Cũng may là một điểm nhỏ của thành phố còn chập chờn sóng viễn thông đem đến niềm hi vọng kết nối với người thân bên ngoài.

azGgVdwG.jpgPhóng to
Đồ họa: V.Cường

Chỉ mong rời khỏi thành phố

Tacloban đã được nối với bên ngoài trở lại bằng đường hàng không. Hơn 20 chuyến bay thương mại mỗi ngày cùng các chuyến bay của máy bay quân sự C-130. Các chuyến bay quân sự (miễn phí) giờ chủ yếu được ưu tiên dành cho người ốm và những người ưu tiên cần sớm rời khỏi Tacloban.

Cô bé Jonella Gener, 13 tuổi, đang đứng với ông và bà ngoại mình. Cả hai, ở tuổi 80-81, đang cùng ngồi chung một chiếc xe đẩy. Người bà bị bệnh, người ông thì gãy xương sườn và có các trục trặc về tim. Cô bé nói đã thiếu ăn suốt gần bảy ngày và giờ chỉ mong thoát khỏi thành phố.

Hai chú cháu gia đình một thương nhân, người đưa chúng tôi khỏi sân bay, nói họ đã phải huy động đàn ông để bảo vệ cửa hàng bán máy móc của anh suốt nhiều ngày nay. “Tôi huy động người thân và bạn bè chừng bảy đàn ông tới để gác nhà. Ai cũng có súng ngắn. Tôi thả hai con chó bécgiê để mọi người không tụ tập trước cửa - Renz Yu, 21 tuổi, giải thích - Mọi vụ hôi của đều bắt đầu bằng các cuộc tụ tập, lũ bécgiê giúp ngăn cản điều này”. Yu và chú của mình đang bắt đầu những bước tiếp theo. Họ đã di tản hết những phụ nữ trong nhà ra khỏi Tacloban. “Chúng tôi tính đến tình huống xấu nhất sẽ phải di tản toàn bộ ra khỏi đây”. Trước khi rời xe xuống cửa hàng nhà mình, Yu lấy khẩu súng bán tự động từ cốp xe: “Tôi phải tự bảo vệ mình”.

Đêm đến, đường phố Tacloban vắng tanh, chốc chốc lại có những tiếng động rợn người. Lệnh thiết quân luật được áp dụng sau 19g, còn những người chúng tôi gặp khuyên không nên ra đường sau 17g - khi các nhóm hôi của cướp bóc hoành hành.

Người dân ở đây có nhiều giả thuyết về các nhóm hôi của. Một số cho rằng đó là nhóm du kích trong rừng ra hôi của để đưa về căn cứ. Giả thuyết khác nói đó là tù nhân trốn thoát sau khi bão phá hỏng một khu của nhà tù. Trên quãng đường 11km từ sân bay vào trung tâm, dù quân đội và cảnh sát đứng chặn rất đông, có ít nhất hai cuộc hôi của trạm xăng với hàng trăm người ùa đến với gậy tre tua tủa.

“Tôi sống 20 năm ở đây và đây là TP đang phát triển - Leluiz Aposioz, giáo sư về xã hội học, nói - Thành phố đang bắt kịp với Cebu (thành phố du lịch nổi tiếng ở miền trung Philippines) thì giờ mọi thứ đã xóa sạch. Chúng tôi lại xuống đáy”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

"Vùng đất chết" Tacloban trước và sau siêu bão HaiyanTruyền thông thế giới chỉ trích Philippines quá chậm chạpHàng cứu trợ đến chậm, dân Philippines giận dữCướp kho gạo gần Tacloban, 8 người chếtBác sĩ tâm lý giúp đỡ nạn nhân bão Philippines

THANH TUẤN - QUỐC VIỆT (Tacloban, Philippines)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên