29/10/2013 09:42 GMT+7

Mỹ theo dõi hơn 60 triệu cuộc gọi ở Tây Ban Nha

HIẾU TRUNG - ANH THƯ
HIẾU TRUNG - ANH THƯ

TT - Cuộc khủng hoảng nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tiếp tục lan rộng với những cáo buộc mới nói NSA nghe lén hàng chục triệu cuộc gọi ở Tây Ban Nha.

Mỹ phủ nhận Tổng thống Obama biết việc nghe lén bà MerkelChính trị gia Mỹ: "Châu Âu nên biết ơn chương trình nghe lén"Mỹ nghe lén hàng chục triệu cuộc gọi từ Tây Ban NhaMỹ kết thúc chương trình nghe lén nguyên thủ quốc gia

joF7oGSL.jpgPhóng to
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một cuộc họp báo hồi tháng 6 tại Berlin. Căng thẳng có thể khiến quan hệ hai bờ Đại Tây Dương khó khăn hơn - Ảnh: Reuters

Ngày 28-10, nhật báo El Mundo dẫn tài liệu mật của Edward Snowden nói NSA đã nghe lén tới 60,5 triệu cuộc điện thoại tại Tây Ban Nha trong vòng một tháng - từ tháng 12-2012 đến đầu tháng 1 năm nay. Trong một ngày cao điểm, NSA nghe lén tới 3,5 triệu cuộc như hôm 11-12. Theo tờ báo, NSA không nghe toàn bộ nội dung mà chỉ thu thập số điện thoại, địa điểm của người gọi và người nghe. Cho đến trước khi báo chí đưa tin, Madrid vẫn không hề biết việc dân Tây Ban Nha bị theo dõi, tuần trước chính quyền đã từ chối tham gia thỏa thuận “không do thám” mà Pháp và Đức đang soạn thảo.

Theo WSJ, sau khi biết việc NSA nghe lén 35 nguyên thủ quốc gia trên toàn cầu hồi mùa hè, Nhà Trắng đã cho ngưng một phần chiến dịch này. Hiện chưa rõ chương trình nghe lén còn tiếp tục với những nguyên thủ nào trên toàn cầu.

Theo AFP, phản ứng sau vụ việc, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha đã triệu tập đại sứ Mỹ đến để đòi giải thích vụ việc mà họ coi là “không thể chấp nhận được”. Trong một tuần qua, Tây Ban Nha là nước châu Âu thứ ba bị phát hiện trở thành nạn nhân của NSA. Trước đó báo Pháp Le Monde đưa tin NSA nghe lén 70 triệu cuộc điện thoại ở Pháp trong 30 ngày. Tạp chí Đức Der Spiegel khẳng định tình báo Mỹ đã nghe lén điện thoại Thủ tướng Đức Angela Merkel suốt hơn một thập kỷ qua.

Cả Pháp và Đức đều phản ứng giận dữ và yêu cầu Mỹ giải thích việc NSA nghe lén. Báo Đức Bild hôm chủ nhật dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich tuyên bố: “Nếu người Mỹ nghe lén điện thoại ở Đức thì họ đã vi phạm luật pháp Đức”. Ông nhấn mạnh hành vi nghe lén là một tội hình sự và “những kẻ thực hiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Bild cũng đưa tin “quan chức cao cấp của NSA” tiết lộ Tổng thống Mỹ Barack Obama không những biết việc NSA nghe lén điện thoại của bà Merkel mà còn ra lệnh tiếp tục thực hiện chiến dịch này.

Theo Wall Street Journal, Washington đến giờ vẫn phủ nhận thông tin ông Obama biết về chiến dịch nghe lén bà Merkel. Người phát ngôn NSA Vanee Vines tuyên bố giám đốc NSA Keith Alexander không hề thảo luận với ông Obama về chiến dịch nghe lén bà Merkel như tờ Bild đưa tin. “NSA quyết định chuyện nghe lén. Tổng thống không thông qua những chuyện như thế” - một quan chức NSA nhấn mạnh.

Một số nhà quan sát nhận định nền tảng của ngoại giao là sự tin cậy lẫn nhau, do đó một khi đã đánh mất lòng tin, Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì quan hệ đồng minh mật thiết với châu Âu. AP dẫn lời cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright nhận định xìcăngđan nghe lén “đã khiến công việc của Ngoại trưởng John Kerry trở nên vô cùng khó khăn”. “Vụ việc đã làm tổn hại nghiêm trọng chính sách ngoại giao của Mỹ bởi Washington đang có rất nhiều cuộc đàm phán” - bà Albright nói.

Chuyên gia Claude Moniquet, giám đốc Trung tâm Tình báo và an ninh chiến lược châu Âu, cho rằng các nước châu Âu có thể tận dụng vụ bê bối này để làm lợi thế gây sức ép lên Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại tự do.

AP dẫn lời chuyên gia Kiron Skinner, giám đốc Trung tâm Quan hệ và chính trị quốc tế thuộc ĐH Carnegie Mellon, cho rằng vụ bê bối có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Bởi hành vi của NSA đi ngược lại với lập luận của chính quyền Obama rằng tình báo Mỹ chỉ do thám để chống khủng bố. “Khi Washington tự làm suy yếu vai trò lãnh đạo của mình, khả năng chống khủng bố của cả phương Tây sẽ bị ảnh hưởng. Các nước đồng minh sẽ không muốn đưa quân đội của họ vào vòng nguy hiểm khi không thể tin tưởng chính quyền Mỹ” - chuyên gia Skinner nhấn mạnh.

HIẾU TRUNG - ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên