29/09/2013 17:11 GMT+7

Cuộc điện lịch sử giữa Obama và tổng thống Iran

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Lần đầu tiên sau hơn 30 năm kể từ cuộc khủng hoảng con tin Tehran, lãnh đạo hai nước Mỹ và Iran mới đối thoại với nhau qua cuộc điện đàm lịch sử kéo dài 15 phút ngày 27-9.

oUmlYlIh.jpgPhóng to
Tổng thống Obama điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani tại phòng Bầu Dục, Nhà Trắng ngày 27-9. Ảnh: Reuters

Đã có một thay đổi quan trọng trong mối quan hệ cơm không lành canh không ngọt kéo dài hàng thập kỷ giữa Washington và Tehran khi tổng thống Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani trở thành hai lãnh đạo đầu tiên của quốc gia mình đối thoại với nước kia.

Obama gọi, Rouhani trả lời

Cuộc điện đàm giữa ông Obama và ông Rouhani hôm 27-9 là cuộc đối thoại đầu tiên giữa lãnh đạo hai nhà nước Mỹ và Iran kể từ năm 1979 khi tổng thống Mỹ Jimmy Carter trò chuyện qua điện thoại với tổng thống Shah Mohammed Reza Pahlavi sau khi ông này rời khỏi Mỹ.

Ngay sau đó, cuộc cách mạng Hồi giáo đã lật đổ chính phủ ông Shah và giam giữ con tin ở tòa sứ quán Mỹ ở Iran. Cuộc khủng hoảng con tin kéo dài 444 ngày này đã khiến mối quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi kể từ đó.

Theo New York Times, trong một cuộc điện đàm được sắp xếp vội vã, ông Obama nối máy với ông Rouhani khi nhà lãnh đạo Iran đang chuẩn bị đi ra phi trường về nước sau khi tham gia các sự kiện do Liên Hiệp Quốc (LHQ) tổ chức. Hai bên đồng ý xúc tiến đối thoại nhằm xoa dịu các cuộc tranh cãi liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran và sau đó cả hai cùng thể hiện thái độ lạc quan về việc nối lại mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.

Theo các chuyên gia, nếu điều này trở thành hiện thực, nó sẽ mang lại những biến đổi to lớn đối với tình hình Trung Đông.

“Dĩ nhiên giải quyết vấn đề này có thể được xem là một bước tiến quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Cộng hòa Hồi giáo Iran dựa trên lợi ích và sự tôn trọng dành cho nhau của cả hai bên” – ông Obama ám chỉ đến việc xử lý chương trình hạt nhân của Iran trong lúc nói với các nhà báo sau cuộc điện đàm kéo dài 15 phút với ông Rouhani.

“Nó cũng sẽ giúp phát triển mối quan hệ giữa Iran và cộng đồng quốc tế cũng như các quốc gia khác trong khu vực” – ông Obama nói thêm.

Một tài khoản Twitter mang tên ông Rouhani có đoạn: “Liên quan đến vấn đề hạt nhân, sẽ có cách giải quyết vấn đề này nhanh chóng bằng ý chí chính trị”.

Cuộc điện đàm diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Obama chạm trán ông Rouhani tại một bữa tiệc trưa ở trụ sở LHQ (New York) do tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon tổ chức và mong đợi bắt tay nhà lãnh đạo này.

Cuộc điện đàm giữa hai ông Obama và Rouhani kết thúc bằng những câu chào hỏi xã giao. “Chúc ông một ngày tốt lành”, ông Rouhani nói bằng tiếng Anh. Đáp lại, ông Obama nói “Thank you" (Cảm ơn) và cố gắng nói lời tạm biệt bằng tiếng Iran: “Khodahafez”.

Tuy nhiên ông Rouhani không tham gia bữa tiệc trưa và sau đó ngụ ý nói gặp ông Obama là “hành động vội vàng”.

Nhưng cuộc nói chuyện mang tính xây dựng giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif sau đó được cho là nguyên nhân dẫn đến việc các quan chức Iran chủ động liên hệ Nhà Trắng hôm thứ Sáu (27-9) để sắp xếp cuộc điện đàm giữa tổng thống hai nước, theo nguồn tin từ các quan chức Hoa Kỳ.

Nội dung cuộc điện

Ông Obama mở đầu cuộc điện đàm bằng lời chúc mừng ông Rouhani đã thắng cử vào tháng 6 và đề cập đến niềm tin mà hai nước dành cho nhau xuyên suốt trong lịch sử cũng như khen ngợi những phát biểu mang tính xây dựng của ông Rouhani ở trụ sở của LHQ. Sau đó cuộc điện đàm tập trung chủ vào vấn đề hạt nhân của Iran. Ông Obama nhắc đi nhắc lại rằng ông rất tôn trọng quyền phát triển năng lượng hạt nhân dân sự của Iran nhưng khẳng định sẽ không nhượng bộ trọng việc ngăn chặn quốc gia này phát triển vũ khí. Văn phòng của ông Rouhani sau đó thông báo cuộc điện đàm giữa tổng thống nước nước này và ông Obama trong một thông cáo được hãng thông tấn nhà nước Iran công bố. “Bây giờ sự tiếp xúc bằng lời nói đã thay thế cái bắt tay nhưng đây rõ ràng là sự khởi đầu của một quá trình có thể diễn ra trong tương lai và biết đâu có thể dẫn tới một cuộc gặp gỡ mặt đối mặt giữa lãnh đạo hai nước” – ông Amir Mohebbian, một cố vấn chính trị cao cấp thân với ông Ayatollah Ali Khamenei - lãnh đạo tối cao của Iran, cho biết. Trong khi đó, những người Mỹ ủng hộ duy trì quan hệ tốt đẹp với Iran thì bày tỏ niềm lạc quan. “Cuộc điện đàm trên không chỉ mang tính lịch sử mà còn giúp thay đổi mối quan hệ Iran-Mỹ về cơ bản” ông Joseph Cirincione, chủ tịch quỹ Ploughshares, một nhóm kiểm soát vũ khí ở Mỹ, chia sẻ. Tuy nhiên cũng có người chỉ trích tổng thống Obama nhân sự kiện lịch sử này. Eric Cantor, đại diện của bang Virginia, chỉ trích ông Obama vì không thúc ép Iran tạm những chương trình mà ông Obama cho là ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và chính quyền Syria. “Thật không may khi tổng thống Obama công nhận quyền lợi tiếp cận năng lượng hạt nhân của người dân Iran nhưng không bênh vực cho quyền tự do, nhân quyền và dân chủ của họ” – ông nói đầy chất mỉa mai.

(Theo New York Times)

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên