29/09/2013 07:28 GMT+7

Tổng thống barack Obama: "Đừng đóng cửa nhà nước!"

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TT- “Quý vị đừng đóng cửa nhà nước! Đừng đóng cửa nền kinh tế! Quý vị hãy bỏ phiếu thông qua ngân sách vào lúc này, hãy chi trả các khoản nợ của chúng ta vào lúc này” - Tổng thống Barack Obama, từ Nhà Trắng, đã gửi lời đến Quốc hội Mỹ, nhưng cũng nhắc lại rằng ông sẽ không nhượng bộ về vấn đề cải cách bảo hiểm y tế.

0HcoUToM.jpgPhóng to
Người dân Mỹ biểu tình trước tòa nhà quốc hội ngày 27-9 yêu cầu các nghị sĩ hành động có trách nhiệm - Ảnh: Reuters

Ông cũng không quên trách cứ các vị dân biểu: “Các nghị sĩ Cộng hòa trong hạ viện đang bị thúc ép quá mức để làm hài lòng Đảng Trà, đến nỗi họ đã đe dọa sẽ đóng cửa nhà nước liên bang nếu như tôi không bãi bỏ luật về y tế. Hôm qua, tôi đã nói điều này và tôi cũng đang nhắc lại điều này, đó là: sẽ không có chuyện đó xảy ra!”.

Ông Obama cũng cảnh báo sẽ không thương thuyết với các đối thủ của ông về trần nợ công (cần phải được nâng lên từ nay cho đến ngày 17-10) nhằm tránh nguy cơ xảy ra vụ mất khả năng chi trả đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Theo tổng thống, hạn định này sẽ nguy hiểm hơn cả việc đóng cửa các cơ quan liên bang, với những hậu quả kinh tế “ảnh hưởng lên cả thế giới”.

Tổng thống Obama nhận xét lẫn công kích mạnh mẽ: “Bỏ phiếu thông qua để cho phép Bộ Tài chính được chi trả các khoản nợ cho nước Mỹ, đây không phải là nhượng bộ hay ban ân huệ cho tôi, mà đó là việc thể hiện trách nhiệm cao nhất của các vị dân biểu. Không ai có thể đe dọa thiện ý này và các khoản nợ của nước Mỹ chỉ với mục đích duy nhất là khai thác các nhượng bộ chính trị”.

Phát biểu của ông Obama đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thượng viện Mỹ, do Đảng Dân chủ kiểm soát, đã thông qua với 54 phiếu thuận và 44 phiếu chống, một dự luật ngân sách tạm thời trị giá 986 tỉ USD cấp kinh phí hoạt động cho chính phủ đến ngày 15-11. Trong dự luật này, thượng viện lại loại bỏ điều khoản không cấp ngân sách cho chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Tổng thống Obama (thường biết đến với tên gọi “Obamacare”) từng đề xuất hai ngày trước. Dự luật mới được thông qua này sẽ được gửi trở lại cho hạ viện xem xét.

Theo AFP, có vẻ hai viện Mỹ đang chơi trò “đá qua đá lại” quả bóng trách nhiệm. Chủ tịch hạ viện John Boehner ngay lập tức đã ngụ ý rằng ban lãnh đạo Đảng Cộng hòa trong cuộc họp kín có thể sẽ sửa nội dung dự luật trước khi gửi trở lại thượng viện. Động thái này có thể khiến dự luật không có đủ thời gian để được thông qua ở cả hai viện quốc hội trước thời hạn kết thúc tài khóa hiện nay vào nửa đêm 30-9.

Sau phát biểu của Tổng thống Obama, trên Twitter ông Kevin Smith thuộc Đảng Cộng hòa và là cố vấn của chủ tịch Boehner đã lập tức đáp trả cho rằng Tổng thống Obama “đồng ý thương thuyết với Iran, với Putin nhưng không thương thuyết với quốc hội”. Trong khi đó, người phát ngôn của ông Boehner là Brendan Buck cũng tuyên bố rằng “Hạ viện sẽ hành động để phản ánh vấn đề cơ bản là người dân Mỹ không muốn đóng cửa nhà nước, nhưng cũng chẳng muốn thấy tai họa ập đến từ chính sách cải cách hệ thống y tế của tổng thống”.

Rất nhiều người Mỹ đang phải nín thở xem các chính trị gia chơi trò “mèo vờn chuột”. Thậm chí CNN ngày 27-9 phải đăng bài cảnh báo dân chúng về “10 điều ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật khi chính phủ đóng cửa”.

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng một khi các công sở tại Mỹ phải đóng cửa trong một thời gian dài, mức tăng trưởng trong quý 4-2013 sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và Phố Wall đã kết thúc một tuần lễ khó khăn trong nỗi lo sợ bế tắc kéo dài.

Thủ tướng Nga: “Chúng ta sẽ thẳng tiến xuống vực thẳm, nếu...”

Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev đã không rào đón trong bài xã luận dài đăng trên nhật báo Vedomosti hôm 27-9, và sau đó trong buổi nói chuyện với các doanh nhân tại Sotchi về tình hình sức khỏe của nền kinh tế nước Nga.

Nhắc lại thực tế là chỉ số phát triển không vượt quá 2%, theo AFP, ông nhấn mạnh rằng “thời của các quyết định giản đơn đã qua rồi” và không chỉ thế, hiện nay các điều kiện không thuận lợi bên ngoài đang ảnh hưởng nền kinh tế Nga cùng “cả loạt vấn đề chưa giải quyết được”.

Theo ông, sẽ không thể trông cậy vào năng lực sản xuất của các nhà máy cũ kỹ lâu nay nhưng đầu tư vào các dự án lớn thì gặp vô số vấn đề, như giá xây dựng cao ngất. Ông chỉ thẳng ra rằng phải tìm nguồn phát triển kinh tế mới ngoài khu vực công.

Ông đặt vấn đề: “Nước Nga đang ở giao lộ: vẫn có thể tiến chậm với tỉ lệ tăng trưởng gần bằng 0 hoặc phải tiến bước mạnh mẽ lên phía trước”. Rồi ông lại chỉ ra rằng “con đường thứ hai (tiến bước nhanh) không phải không có những nguy cơ, nhưng chọn kịch bản thứ nhất với ảo tưởng có thể giữ được những gì đã đạt được lại càng nguy hiểm hơn. Đó là con đường dẫn thẳng đến thất bại, đến vực thẳm”.

Để tiến bước, Thủ tướng Nga chỉ rõ rằng phải đầu tư công sức phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng các biện pháp hỗ trợ, tăng năng suất sản xuất và cải thiện môi trường kinh doanh.

Bên cạnh đó, hai tuần trước trong buổi họp bàn về ngân sách chính phủ 2014-2016, ông Medvedev từng khẳng định chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước phải cắt giảm chi tiêu 5%, và phải chấm dứt “chính sách giữ công việc bằng mọi giá, loại bỏ những người làm việc không hiệu quả”.

Nợ công của Nga hiện nay vào khoảng 10% GDP.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên