Phóng to |
Cậu bé Syria 14 tháng tuổi Abdul Majid với chi chít vết sẹo trên mặt. Ảnh: BBC |
Phóng to |
Khói bom bốc cao từ ngôi làng Taftanaz. Ảnh: BBC |
Phóng toBên trong một ngôi nhà bị bom đánh sập một phần ở miền bắc Syria. Ảnh: BBC
Phóng to |
Người dân Syria giơ cao biểu ngữ “Chúng tôi phản đối tấn công cái nôi của nền văn minh (nhân loại) và chúng tôi muốn hòa bình ở Syria” trước khi Đức giáo hoàng Francis cầu nguyện hòa bình cho Syria ở quảng trường Saint Peter, Vatican ngày 7-9. Ảnh: Reuters |
Khuôn mặt đầy vết trầy xước của cậu bé 14 tháng tuổi Abdul Majid ở ngôi làng Taftanaz miền bắc Syria là minh chứng rõ ràng nhất về sự tàn bạo của cuộc nội chiến.
Abdul đang chơi đùa ở lan can nhà thì một quả bom từ một máy bay chiến đấu thả xuống nhà cậu. Vụ nổ phá toang một bên ngôi nhà và khiến các tầng nhà khác sụp đổ.
Nỗi đau chết chóc
Việc Abdul còn sống là một điều kỳ diệu. Nhưng đôi má cậu bé bầm tím, chi chít những vết sẹo cùng đôi mắt đỏ ngầu. Mẹ và chị gái của Abdul cũng bị thương trong trận đánh bom. 14 người được cho là thiệt mạng trong hàng loạt cuộc không kích vào ngôi làng Taftanaz ngày 5-9.
Cha của Abdul là ông Abu Abdu, không chỉ giận dữ với Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà còn giận dữ trước sự thờ ơ của phương Tây về những gì đang xảy ra ở Syria.
Ông nói Mỹ và các quốc gia khác lên kế hoạch can thiệp quân sự vì quan ngại về vũ khí hóa học. Nhưng đối với nhiều người dân Syria thì vấn đề không phải là bao nhiêu người bị giết vì bị tấn công hóa học mà là việc rất nhiều người chết mỗi ngày từ cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua.
Những chiến binh nổi dậy sử dụng ngôi làng Taftanaz như căn cứ trú ẩn của họ nên nơi này bị chính quyền thường xuyên tấn công. Người dân hứng chịu những đợt bom và làn đạn khiến họ đổ máu và gục xuống.
Ibrahim, một nhà hoạt động truyền thông trẻ tuổi, chạy xe máy lượn qua lượn lại những đống đổ nát ở ngôi làng Taftanaz. Ibrahim cho biết anh chứng kiến và ghi lại tất cả cuộc tấn công vào ngôi làng của mình.
“Trước kế hoạch không kích của Mỹ, quân chính phủ tấn công ngày càng mạnh mẽ hơn. Tôi nghĩ chắc do Mỹ tuyên bố không kích Syria do vậy chính phủ muốn chứng tỏ rằng họ vẫn còn mạnh và sẽ không đầu hàng”, Ibrahim nói.
Nhiều người sinh sống ở miền bắc Syria, nơi mà họ đang vật lộn tồn tại ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết, rất mong sự giúp đỡ từ thế giới bên ngoài. Nhưng sau hai năm rưỡi chiến tranh và chịu đựng đau khổ, có vẻ họ đã ngừng hi vọng.
Vui mừng xen lẫn bất an
Tại thủ đô Damascus, nhiều người dân Syria vui mừng khi Mỹ trì hoãn không kích nước này. Nabil, một chủ cửa hàng trên phố Salhieh nói với AFP: “Chính phủ đã chứng tỏ mình đang giữ vũ khí hóa học và bây giờ sẽ trao trả cho cộng đồng quốc tế”.
Một luật sư giấu tên nói với AFP rằng ông đang ở tòa án và cảm nhận thấy bầu không khí vui mừng của nhiều người: “Một trong những đồng nghiệp của tôi ở đó nói đó chỉ là bước khởi đầu trong việc kết thúc chiến tranh. Người Nga và người Mỹ đã nhất trí về việc xử lý vũ khí hóa học và tôi nghĩ rằng không sớm thì muộn họ cũng kết thúc chiến tranh”.
“Tổng thống của chúng tôi đã thể hiện sự khôn ngoan. Nền kinh tế lẽ ra bị hủy hoại nặng nề hơn”, một người bán màn cửa ở quảng trường Sabaa Bahrat, trung tâm thủ đô Damascus, đánh giá việc chính quyền Assad đồng ý cho quốc tế giám sát vũ khí hóa học để đổi lại việc Mỹ không tấn công.
Tuy nhiên một người bán trái cây và rau quả ở quận Shaalan cảnh báo rằng vẫn còn sớm để vui mừng và nói với giọng lo lắng: “Cảm ơn Thượng đế vì chưa xảy ra không kích. Nhưng chúng tôi luôn trong trạng thái bất an ở đất nước này bởi vì bạn không bao giờ biết khi nào cuộc không kích ấy sẽ đến”.
"Người dân Syria rõ ràng có cách nhìn khác nhau về tương lai của họ và vai trò của thế giới bên ngoài trong chiến tranh Syria. Nhưng có một điều mà tất cả người dân Syria cùng đồng ý là cần phải nhanh chóng kết thúc sự giết chóc ở đất nước này", nhà báo BBC Ian Pannell kết luận.
Cô Nabila al-Zawahiri, giáo viên dạy tiếng Anh ở Syria, mặc áo đen với đôi mắt đẫm lệ khi đang tham gia tang lễ tập thể của năm người dân ở thị trấn Christian phía bắc thủ đô Damascus, thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa chính phủ và quân nổi dậy vào tuần trước.
“Chúng tôi không phải là thú vật. Chúng tôi là con người. Và con người ắt hẳn có khả năng đối thoại hơn là giết hại nhau. Khi chúng tôi nghe nói sẽ không có cuộc không kích, tôi chỉ nghĩ người chết sẽ ít hơn” – cô Nabila al-Zawahiri nói với tờ Los Angeles Times.
“Hãy nói với thế giới rằng chúng tôi muốn hòa bình” – cô Nabila nhấn mạnh.
(theo BBC, Global post)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận