06/09/2013 06:29 GMT+7

Cảnh báo về lò phản ứng hạt nhân ở Syria

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Ngày 5-9, Matxcơva cho biết sẽ đưa ra cảnh báo về việc Mỹ can thiệp quân sự vào Syria trong cuộc họp của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vào tuần tới.

qFqEdRHR.jpgPhóng to
Những người Syria ủng hộ ông Assad biểu tình phản đối Mỹ trước Đại sứ quán Mỹ ở Kiev (Ukraine) ngày 5-9 - Ảnh: Reuters

Lãnh đạo lưỡng viện Mỹ ủng hộ tấn công Syria

Theo AFP, Matxcơva nói bất cứ cuộc tấn công quân sự nào của Mỹ vào Syria có thể đánh trúng một lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân tại đây. Lò phản ứng này được nói nằm ở ngoại ô thủ đô Damascus.

Nga cũng kêu gọi IAEA nhanh chóng phản ứng với tình hình và cung cấp cho các nước thành viên các phân tích về rủi ro của việc dùng vũ lực đối với Syria. Reuters trong khi đó đưa tin Trung Quốc hôm qua cũng cảnh báo việc can thiệp quân sự vào Syria sẽ làm ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và đẩy giá dầu tăng cao.

Trước đó, Thứ trưởng ngoại giao Syria Faisal Muqdad tuyên bố nước này sẵn sàng đáp trả các hành động quân sự của nước ngoài và không thay đổi quan điểm, kể cả khi “xảy ra Chiến tranh thế giới thứ ba”.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo thế giới hôm qua đã nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra từ ngày 5 đến 6-9 tại St. Petersburg (Nga). Xung đột ở Syria không được chính thức đưa vào nghị trình trong hội nghị G20 lần này, nhưng các cuộc thảo luận liên quan vẫn đe dọa bao phủ các vấn đề khác liên quan đến kích thích tăng trưởng và dẹp bỏ nạn trốn thuế.

Tại St. Petersburg hôm qua, theo AFP, trong lúc Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama được miêu tả là nở nụ cười ngoại giao và bắt tay nhau trước ống kính máy ảnh thì ba tàu chiến của Nga đã vượt qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ thẳng tiến tới phía đông Địa Trung Hải, gần bờ biển Syria.

Theo AFP, Liên Hiệp Quốc cho biết đặc phái viên Lakhdar Brahimi đã lên đường sang Nga để thúc đẩy tiến trình hòa bình. Trước đó, phát biểu tại Trường đại học St. Petersburg hôm 4-9, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nói: “Đây là lúc để các bên ngừng gây chiến và bắt đầu đàm phán với nhau. Người Syria cần hòa bình”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói sẽ hội đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande bên lề hội nghị G20 và lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nhật Bản.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 5-9 cũng kêu gọi chú ý tới số vũ khí hóa học của CHDCND Triều Tiên, gợi ý rằng số vũ khí này có thể được mua bán qua lại giữa Bình Nhưỡng và Damascus.

Hôm 4-9 (giờ Mỹ), với 10 phiếu thuận và 7 phiếu chống, tiểu ban đối ngoại của Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết sửa đổi cho phép quân đội Mỹ can thiệp vào Syria trong vòng 90 ngày và cấm sử dụng bộ binh trong các chiến dịch. Nghị quyết này còn phải đợi đưa lên Thượng viện bỏ phiếu vào tuần sau và sau đó là cửa ải Hạ viện, nơi Đảng Cộng hòa chiếm đa số.

“Cung đình Syria”

Từ năm 1963 đến nay, Đảng al-Baath (tên đầy đủ: Đảng Xã hội chủ nghĩa phục hưng Arab) cầm quyền tuyệt đối tại Syria. Tuy nhiên, “cái lõi” của dòng Hồi giáo Alawi lại là dòng tộc al-Assad. Việc những người Alawi trở thành nòng cốt lãnh đạo của Đảng al-Baath được hoàn thiện vào tháng 7-1963, sau khi một số thành viên ban lãnh đạo theo tư tưởng Nasser (lãnh tụ Ai Cập) bị loại bỏ.

Nhưng thế lực chủ chốt trong đảng này đều là những người theo dòng Hồi giáo Alawi - một nhánh nhỏ gần gũi với dòng Shiite. Mãi đến năm 1970, Hafez al-Assad mới thiết lập được sự thống trị của dòng họ al-Assad đối với đất nước này. Từ đó, dòng họ al-Assad dựa vào dòng Hồi giáo Alawi để lãnh đạo Đảng al-Baath và dùng Đảng al-Baath để cai trị đất nước.

Từ thập niên 1990, có thể nói dòng họ al-Assad đã thiết lập được thế lực cầm quyền vững chãi đối với nhà nước và xã hội Syria. Thế lực dòng họ này lại được cấu thành từ hai mảng gắn kết và bổ sung rất hài hòa cho nhau, một bên là dòng họ al-Assad và bên kia là dòng họ Makhlouf - họ mẹ của đương kim Tổng thống Bashar.

Giới thạo tin Ả Rập cho rằng có sự phân chia quyền lực khá rõ ràng giữa hai dòng họ thông gia này. Bên al-Assad nắm chính trị và quân đội. Bên Makhlouf nắm kinh tế và an ninh. Nhà báo Tareq al-Hameed - nhà bình luận có tiếng của tờ Asharq al-Awsat - từng viết rằng “cung đình Syria” hiện do bốn nhân vật cai quản. Đó là Bashar al-Assad - tổng thống, Maher al-Assad (em ruột của Bashar) nắm quân đội thông qua chức vụ tư lệnh sư đoàn “con cưng” số 4, Rami Makhlouf - thống lĩnh tất cả các lĩnh vực kinh tế và Hafez Makhlouf - em ruột của Rami, phụ trách bộ máy an ninh. Còn aljazeera.net dẫn nguồn tin của phe đối lập cho rằng việc điều hành tài chính của gia đình al-Assad hiện nay do Mohammed Makhlouf - cậu ruột của Bashar - đứng đầu.

Bashar al-Assad vốn không phải là một người có bản lĩnh quyền lực nên đã không được cha - Tổng thống Hafez al-Assad - lựa chọn để “kế vị”. Số phận đưa đẩy khiến con người mới 34 tuổi, từng tu nghiệp chuyên ngành nhãn khoa ở Anh, trở thành tổng thống một đất nước có nhiều rủi ro (“người được lựa chọn” là anh cả Basel al-Assad đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông năm 1994).

Trước khi nổ ra biến động “mùa xuân Ả Rập” tại Syria tháng 3-2011, Mỹ và phương Tây vẫn hi vọng có thể hợp tác với Bashar để cải thiện quan hệ đôi bên, chủ động cải cách dân chủ tại Syria, tránh để nước này trở thành mối đe dọa cận kề với Israel. Nhưng biến động đã ập đến. Bashar có lẽ không thoát được truyền thống Ả Rập cùng áp lực và vòng vây của “nhóm lợi ích” dòng tộc al-Assad - Makhlouf.

Chính quyền Syria đã rút kinh nghiệm từ Ai Cập (của Mubarak) và Libya (của Gaddafi) để theo đuổi một đường lối nhất quán: một mặt trấn áp quyết liệt ngay từ đầu mọi hành động phản kháng hòa bình, bất kể đổ máu. Mặt khác áp dụng những biện pháp an ninh - tổ chức khắc nghiệt đến mức tàn bạo để ngăn chặn bất cứ quan chức, sĩ quan nào có ý định “đào ngũ”. Bởi thế, phe đối lập không thể tạo dựng được bất cứ áp lực chính trị - quần chúng đáng kể nào với chế độ và nội bộ chính quyền - quân đội Syria vẫn căn bản đảm bảo được “sự trung thành tuyệt đối” xung quanh lãnh tụ.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên