30/08/2013 08:14 GMT+7

Yếu tố Ả Rập trong cuộc chiến ở Syria

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - “Lò lửa” Syria cần được nhìn thêm trong bối cảnh của khu vực Ả Rập và yếu tố Hồi giáo của nó.

Sau khi xảy ra vụ thảm sát bằng vũ khí hóa học ngày 21-8, tại một vùng kế cận thủ đô Damascus, thế giới lại nóng lên bởi làn sóng thông tin tràn ngập về những động thái cấp tập từ phía Mỹ và đồng minh.

Cuộc tấn công quân sự khủng khiếp vào Syria, với lý do “trừng phạt” chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad - bên bị cáo buộc là thủ phạm của vụ thảm sát này, dường như đang được đếm bằng giờ.

Những nỗ lực bất thành

Những người Ả Rập - anh em cùng sắc tộc và là những quốc gia láng giềng gần gũi của Syria - hoàn toàn không vô tâm với sự kiện nóng bỏng này, cũng như những gì đã diễn tại Syria suốt từ tháng 3-2011 đến nay. Cuộc xung đột tại Syria khởi đầu tương tự như hiện tượng “Mùa xuân Ả Rập” bùng phát trước đó tại Tunisia, Ai Cập, Yemen và Libya.

Nhưng trong gần suốt cả năm 2011, tính chất hòa bình vẫn chủ đạo trong các cuộc phản kháng của bên “đối lập” khi ấy chưa hình thành tổ chức. Phía chính quyền của Tổng thống al-Assad thực hiện một quyết sách trấn áp khốc liệt ngay từ đầu, bất kể đổ máu.

Đến cuối năm 2011, Liên đoàn Ả Rập khi ấy, với sự đồng lòng của các quốc gia có sức nặng chính trị và tài chính như Saudia Arabia, Qatar và Ai Cập, đã ra tay giành lấy quyền giải quyết cuộc xung đột tại Syria, không muốn để tái diễn “đòn quân sự” do phương Tây thực hiện như với Libya của Qaddafi. Những người anh em Ả Rập vốn thân thiết của Tổng thống al-Assad thực tâm muốn ông này sẽ trở thành hình mẫu cho việc hòa giải để vượt qua cơn biến động “Mùa xuân Ả Rập” tại Syria.

Họ cũng chân thành muốn ông này khỏi rơi vào kết cục bi thảm tương tự như Saddam Hussein và Qaddafi. Nhưng đến cuối tháng 3-2012, khi mọi nỗ lực của Liên đoàn Ả Rập thất bại hoàn toàn, bởi Tổng thống al-Assad không từ bỏ quyết sách tiêu diệt tất cả những ai bị ông này coi là “khủng bố”, thì người Ả Rập cũng đành bỏ cuộc. Máu càng đổ nhiều, càng trút thêm dầu vào ngọn lửa hận thù, khiến nội chiến thật sự bùng lên từ tháng 4-2012.

Những người anh em Ả Rập nhận thấy Tổng thống al-Assad quá tự tin vào khả năng trụ vững của mình với bàn tay sắt và sự ủng hộ từ những người “bạn xa” là Nga và Iran.

Sự thật rõ ràng là Nga đã phủ quyết đến ba dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bất lợi cho chính quyền Syria. Nga cũng công khai thực hiện đầy đủ việc cung cấp vũ khí cho chính quyền al-Assad theo những hợp đồng đã ký.

Còn Iran thì luôn thẳng thừng tuyên bố ủng hộ “hết mình” cho sự tồn tại của chính quyền al-Assad. Công luận được biết đến không ít lần những chuyến tàu chở vũ khí của Iran bị các quốc gia khác (Thổ Nhĩ Kỳ, Hi Lạp, Cyprus...) bắt giữ khi đang trên đường tới Syria.

Cái gật đầu từ khối Ả Rập

Người Ả Rập có truyền thống gắn kết dân tộc và tôn giáo - đạo Hồi rất đặc biệt. Họ thường nhiệt tình bênh vực nhau, nhiều khi bất chấp phải trái, mỗi khi một “người anh em Ả Rập” có chuyện bất hòa với những người “ngoài Ả Rập”.

Nhưng các chính quyền Ả Rập phần lớn theo dòng Hồi giáo Sunni, trong khi chính quyền của Tổng thống al-Assad lại thân với Iran - thế lực đại diện cho dòng Shiite mà vốn tồn tại những mâu thuẫn giáo lý và lịch sử rất phức tạp giữa hai dòng Hồi giáo này.

Đến tháng 4-2013, khi chính quyền Syria lâm vào thế bất lợi trên chiến trường với phe đối lập, thì người Ả Rập thấy lực lượng vũ trang của đảng Hezbollah từ Libăng nhảy vào tham chiến công khai tại Syria để bảo vệ chính quyền al-Assad.

Ai cũng biết Hezbollah là đảng của dòng Shiite Libăng, có quan hệ vô cùng đặc biệt với Iran. Đối với người Ả Rập, vậy là Tổng thống al-Assad đã “bán” anh em gần Ả Rập - Sunni để “mua” bạn bè xa Iran - Shiite mất rồi!

Bây giờ, chiến dịch quân sự đang được quảng bá rầm rộ mà công luận hầu như chỉ biết đến do Mỹ và phương Tây phát động, thật ra có sự phối hợp với vai trò không nhỏ của người Ả Rập.

Theo truyền thông Ả Rập, ngoài những cuộc “trao đổi quan điểm” giữa Mỹ với các nước phương Tây trong tổ chức quân sự NATO, còn có hai cuộc họp rất quan trọng của “nhóm nòng cốt những người bạn của Syria” vừa diễn ra tại Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong “nhóm nòng cốt” này, ngoài Mỹ và sáu thành viên khác của NATO còn có các quốc gia Ả Rập như Saudi Arabia, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Jordan.

Giới phân tích Ả Rập cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là nơi đóng đại bản doanh sở chỉ huy chiến dịch quân sự nhắm vào Syria. Còn các quốc gia Ả Rập giàu có như Saudi Arabia, Qatar, UAE sẽ đóng vai trò “chia sẻ tài chính” với Mỹ và phương Tây trong chiến dịch này.

Mỹ và phương Tây đã chính thức buộc tội chính quyền Syria là thủ phạm vụ sử dụng vũ khí hóa học ngày 21-8. Liên đoàn Ả Rập họp bất thường cấp đại diện thường trực tại Cairo ngày 27-8 cũng ra tuyên bố lên án chính quyền Syria về “vụ thảm sát” này. Tuyên bố còn khuyến nghị Hội đồng Bảo an “có những biện pháp mạnh mẽ và cần thiết chống lại những kẻ gây tội ác”.

Chính quyền của Tổng thống al-Assad đã tự đánh mất sự đùm bọc của những người anh em - láng giềng gần Ả Rập. Trông sang Ai Cập, chính quyền lâm thời nước này cũng bị Mỹ và Tây Âu đe dọa trừng phạt kinh tế vì vụ đổ máu nghiêm trọng ngày 14-8 tại Cairo. Nhưng Saudi Arabia, UAE và Kuwait lập tức viện trợ ngay 12 tỉ USD và nhà vua Abdullah của Saudi Arabia còn hào hiệp tuyên bố vương quốc của ông sẽ bù đắp mọi thiệt hại mà Ai Cập có thể phải chịu do bị phương Tây trừng phạt.

Y8gpjZPN.jpgPhóng to
Người dân Anh biểu tình phản đối chính quyền tham gia tấn công vào Syria tại trung tâm London ngày 28-8 - Ảnh: Reuters

Tiếp tục điều tra vũ khí hóa học

Các thanh tra Liên Hiệp Quốc đang có mặt tại Syria để tìm kiếm dấu vết về khả năng sử dụng vũ khí hóa học sát hại thường dân sẽ tiếp tục công việc đến hết ngày thứ sáu và sẽ rời Syria vào ngày mai (31-8). Theo Reuters, trong phát biểu từ Vienna (Áo) ngày 29-8, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cho biết ông đã trao đổi tình hình với Tổng thống Mỹ Barack Obama về tiến trình điều tra và hứa với ông chủ Nhà Trắng rằng sẽ “chia sẻ thông tin về cuộc điều tra cũng như chứng cứ”. Tổng thống Mỹ trước đó một ngày đã trả lời báo chí rằng “chưa ký quyết định tiến hành tấn công Syria”.

Kết quả điều tra từ Liên Hiệp Quốc sẽ được xem như một trong những cơ sở tham khảo đáng tin cậy và trung lập. Dư luận các nước lớn nhìn chung đều lên án chiến tranh và không muốn lãnh đạo của mình tham gia cuộc chiến không biết điểm dừng. Ngày 29-8, Tổng thống Pháp François Hollande cũng đã đề cập “giải pháp hòa bình” cho vấn đề Syria.

Trong khi đó, Hãng tin Nga Interfax dẫn nguồn từ Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga cho biết sẽ tăng cường cho sư đoàn tác chiến thường trực hải quân Nga ở biển Địa Trung Hải thêm hai tàu chiến hạng nặng, gồm một chiếc khu trục gắn tên lửa và một tàu chống tàu ngầm.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Syria sẽ cho phép LHQ khảo sát tình hình sử dụng vũ khí hóa họcMỹ bóng gió về khả năng tấn công SyriaChính quyền Syria tố ngược quân nổi dậy dùng vũ khí hóa họcTình báo phương Tây cáo buộc chính phủ Syria dùng vũ khí hóa họcMSF xác nhận: 3.600 nạn nhân vũ khí hóa học ở Syria

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên