03/08/2013 07:45 GMT+7

Từ vụ Snowden được ở lại Nga: Nút thắt càng khó gỡ

Tiến sĩ NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
Tiến sĩ NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG

TT - Cách đây mươi ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói rằng việc cựu nhân viên CIA Edward Snowden rời Hong Kong đến Matxcơva là một “món quà Giáng sinh không mong muốn” đối với Nga.

Nhưng rồi Matxcơva cuối cùng đã từ bỏ lập trường đi trên dây để tận dụng vụ việc này như một món quà Chúa ban nhằm tác động vào quan hệ Nga - Mỹ theo cách mà Matxcơva mong muốn.

Nga không hạn chế thời gian Edward Snowden ở sân bayNga sẽ không dẫn độ Snowden về Mỹ Mỹ vận động trừng phạt các nước cho Snowden tị nạn

9a4Pq7ow.jpgPhóng to
Luật sư Anatoly Kucherena trưng giấy tờ Nga cấp cho Snowden trong cuộc họp báo tại Matxcơva ngày 1-8 - Ảnh: Reuters

Ngày 1-8, người phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố Mỹ “cực kỳ thất vọng” với việc Nga trao cho Snowden giấy phép tạm trú một năm, bất chấp việc Mỹ đã nhiều lần yêu cầu bắt giữ và dẫn độ nhân vật này về Mỹ. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể cân nhắc khả năng không tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20 tại St. Petersburg, cũng như hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin. Ngay cả cuộc đối thoại tuần tới giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel với hai người đồng cấp của Nga cũng có thể bị xem xét lại.

Với việc cấp giấy phép tạm trú cho Snowden, Nga dường như sẵn sàng chấp nhận phương án xấu nhất. Thậm chí một vài chuyên gia cho rằng Matxcơva có thể cảm thấy nhẹ nhõm nếu chưa phải tiến hành những cuộc gặp cấp cao Nga - Mỹ vào thời điểm này.

Mối quan hệ Nga - Mỹ lâu nay vốn đã căng thẳng. Nút thắt quan hệ chẳng những không được mở trong quá trình “cài đặt” rồi “tái cài đặt”, mà ngày càng bị thít chặt hơn. Nguyên nhân chủ yếu từ góc độ của Matxcơva là Mỹ tiếp tục chính sách kiềm chế Nga.

Vào lúc Matxcơva đang đẩy mạnh hiện đại hóa quốc phòng, nâng cao tiềm lực răn đe chiến lược để giành lại thế cân bằng với Mỹ và các nước lớn khác, Tổng thống Putin không mấy quan tâm đến những cuộc thương lượng cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược mà Tổng thống Obama đã nêu thành chủ đề chính trong bài diễn văn đọc tại Berlin tháng 6 vừa rồi. Ông Putin đã công khai gắn việc cắt giảm đó với những vấn đề chiến lược khác, như việc hủy bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Về Syria, hai bên đường ai nấy đi, việc ai nấy làm và có lẽ những phát triển thuận lợi đối với chính quyền Assad trên chiến trường đã củng cố thêm nhận thức của Matxcơva về đường lối của mình.

Cả hai bên có thể đều thấy chưa thỏa thuận được gì, cũng như chưa có gì để ký kết trong cuộc gặp thượng đỉnh Matxcơva tháng tới, ngay dù vụ Snowden được giải quyết theo cách giữ được thể diện cho Mỹ. Những nội dung mà hai bên quan tâm chính đều chưa chín muồi để giải quyết và Nga không muốn phải chịu thêm sức ép từ phía Mỹ. Nhưng bằng việc trao cho Snowden giấy phép tạm trú một năm, Matxcơva đã đẩy quả bóng về phía Mỹ, để Washington đưa ra một quyết định ngoại giao khó khăn là hủy chuyến thăm Nga đã được dàn xếp của tổng thống Mỹ.

Bên cạnh đó, một số nhà quan sát quốc tế cho rằng Tổng thống Putin chỉ muốn chọc giận Mỹ trong mọi tình huống, làm Mỹ bị mất lòng tin trên thế giới trở thành khuynh hướng chủ đạo của sách lược ngoại giao Nga. Huống hồ vụ Snowden đang trở thành tiêu điểm quan tâm của dư luận Mỹ và thế giới. Chủ tịch Ủy ban an ninh nội địa Hạ viện Mỹ Michael McCaul nhận xét Nga đang “nhạo báng chính sách đối ngoại của Mỹ”. Còn Nhà Trắng tuyên bố Nga sử dụng vụ Snowden vào “mục đích tuyên truyền” và “mặc cả” với Mỹ.

Giá trị của con bài Snowden chẳng còn lại bao nhiêu sau khi bị “vắt chanh” tới hai lần: lần đầu khi quyết định đến Hong Kong, một trong những trung tâm của tình báo quốc tế và của Trung Quốc đại lục. Ở nơi này, có thể Snowden được trả giá cao nhất cho các thông tin tình báo chứa trong bốn máy tính xách tay và các USB. Ngay sau khi xong việc, Trung Quốc thông qua nhà đương cục Hong Kong nhanh chóng đẩy Snowden sang Nga nhằm làm phức tạp quan hệ Mỹ - Nga. Cựu nhân viên tình báo Mỹ nghe nói đang tích cực học tiếng Nga để tìm việc làm, nhưng không nói thì cũng biết anh ta sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng Nga và khó lòng hành động vượt khỏi những khuôn khổ cho phép.

Hồi năm ngoái, khi Tổng thống Putin từ chối tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-8 tại Chicago, Tổng thống Obama đã hủy tham dự cuộc gặp thượng đỉnh APEC tại Vladivostok. Vụ Snowden lần này còn “nặng” hơn thế nữa để ngoại giao hai nước thoát khỏi nguyên tắc ăn miếng trả miếng. Cái nút thắt sẽ bị thắt chặt hơn. Có thể phải mất một năm, thậm chí ba năm còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Obama may ra mới tháo gỡ được phần nào.

Tiến sĩ NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên