10/06/2013 10:15 GMT+7

Châu Âu quan ngại việc do thám dữ liệu của Mỹ

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Các nước châu Âu đã phản ứng rất giận dữ với những tiết lộ nhà chức trách Mỹ thu thập dữ liệu và các cuộc trao đổi cá nhân từ những công ty Internet trên toàn thế giới.

Vụ nghe lén chấn động của Chính phủ MỹGoogle và Facebook lên án vụ nghe lén của Chính phủ Mỹ

K8sEHyaU.jpgPhóng to

Vụ do thám dữ liệu của NSA đã gây ra quan ngại lớn - Ảnh: msn.com

Báo Mỹ Washington Post và báo Anh Guardian đưa tin Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã tiếp cận các máy chủ của Google, Facebook và các công ty công nghệ khác để thu thập dữ liệu từ hàng triệu người sử dụng điện thoại di động.

Châu Âu hiện không có công ty Internet quy mô toàn cầu nào và rất quan ngại về việc Mỹ kiểm soát quá nhiều hãng công nghệ lớn trên mạng. Đức, nước rất coi trọng quyền tự do thông tin và quyền riêng tư, đã nhanh chóng chỉ trích sự hợp tác của các hãng công nghệ với các cơ quan mật vụ Mỹ.

“Chính quyền Mỹ phải làm rõ những cáo buộc khủng khiếp về việc họ giám sát thông tin liên lạc và dịch vụ Internet ở quy mô lớn - Peter Schaar, chủ tịch Ủy ban bảo vệ thông tin và tự do thông tin Đức, nói với Hãng tin Reuters - Những tuyên bố từ phía chính quyền Mỹ rằng việc giám sát không nhắm vào công dân Mỹ mà chỉ nhắm vào những người ở bên ngoài nước Mỹ khiến tôi không yên lòng chút nào”.

Washington Post nói điệp vụ bí mật này có sự tham gia của các công ty Internet, có mật danh PRISM và được khởi động dưới thời cựu tổng thống George W. Bush, nhưng được đẩy mạnh về quy mô trong vài năm qua dưới thời Tổng thống Barack Obama. Một số công ty được nêu tên trong bài báo phủ nhận việc chính quyền được “tiếp cận trực tiếp” với các máy chủ trung tâm của họ. Tuy nhiên, Bộ trưởng tư pháp bang Hesse của Đức Joerg-Uwe Hahn đã kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay những công ty liên quan.

“Tôi kinh ngạc vì cách mà những công ty như Google và Microsoft cư xử với thông tin những người dùng - ông Hahn nói với báo Handelsblatt - Bất kỳ ai không muốn điều này xảy ra nên chọn những nhà cung cấp khác”.

Liên minh châu Âu (EU) đã gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo quyền riêng tư cho công dân của mình trước sự thống trị của các công ty Internet Mỹ nhiều thập kỷ qua. Những thỏa thuận xuyên Đại Tây Dương chia sẻ dữ liệu tài chính và đi lại của các công dân châu Âu đã mất nhiều năm mới hoàn tất, và EU đang tìm cách hiện đại hóa luật quyền riêng tư đã gần 20 năm tuổi để bảo vệ tốt hơn quyền của công dân.

Đạo luật yêu nước của Mỹ, được ký ban hành sau vụ 11-9-2001, cho phép các cơ quan tình báo Mỹ quyền lực rộng khắp trong việc do thám dữ liệu. Phó chủ tịch kiêm Cao ủy tư pháp EU Viviane Reding nói: “Vụ việc này cho thấy một khung pháp lý rõ ràng để bảo vệ dữ liệu cá nhân không phải là một sự xa xỉ, mà là một quyền cơ bản”.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên