04/06/2013 19:49 GMT+7

Các cường quốc chưa thông qua hiệp ước buôn bán vũ khí

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Theo Reuters, đã có hơn 60 quốc gia ký hiệp ước buôn bán vũ khí trong phiên họp buổi sáng tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York ngày 3-6 (giờ địa phương), nhưng danh sách này chưa có tên các “đại gia vũ khí” Mỹ, Nga và Trung Quốc.

4mx7RLZf.jpgPhóng to
Tác phẩm điêu khắc “Đầu súng bị bẻ cong” của nghệ sĩ Thụy Điển Carl Frederik Reutersvaerd đặt bên ngoài trụ sở LHQ ở New York - Ảnh: Wikipedia

LHQ nối lại đàm phán hiệp ước buôn bán vũ khí

Dù hiệp định này mang tính cột mốc trong nỗ lực kiểm soát nền công nghiệp buôn bán vũ khí thông thường trên toàn cầu nhưng có lẽ do trị giá giao dịch vũ khí quá lớn, dao động 60-85 tỉ USD mỗi năm, nên những cường quốc trên lo ngại hiệp ước sẽ đe dọa ngành công nghiệp vũ khí siêu lợi nhuận của họ.

Đồng thuận cao

Ngoại trưởng Argentina Hector Timerman là người đầu tiên đặt bút ký hiệp ước. Nhiều tràng pháo tay vang lên khi ông ký tên vào biên bản.

LHQ cho biết trong phiên họp đầu tiên vào buổi sáng, 62 quốc gia ở châu Âu, Mỹ Latin, châu Á và châu Phi lần lượt ký hiệp ước.

Đại diện cấp cao của LHQ về giải trừ quân bị Angela Kane khẳng định với các phóng viên sẽ có thêm nhiều quốc gia ký hiệp ước trong một vài ngày tới, đưa số nước đồng thuận lên đến 66.

“Sự ký kết hiệp ước buôn bán vũ khí đem lại hi vọng cho hàng triệu người đang là nạn nhân của bạo lực hằng ngày - Anna Macdonald thuộc tổ chức nhân đạo Oxfam nói với Reuters - Hãy nhìn vào thảm họa nhân đạo gây ra bởi các xung đột liên tục ở Syria, chúng ta có thể thấy sự kiểm soát buôn bán vũ khí cần kíp như thế nào”.

Các nhà hoạt động nhân quyền và kiểm soát vũ khí cho biết cứ mỗi phút có một người chết dưới họng súng của những kẻ bạo lực và hiệp ước này cần phải thực hiện để kiểm soát sự luân chuyển súng ống và đạn dược, nguyên nhân của chiến tranh, sự hung bạo và đàn áp nhân quyền.

“Những kẻ buôn lậu súng và độc tài đã nhận một thông điệp rõ ràng cái thời họ dễ dàng tiếp cận vũ khí đã kết thúc. Trong nhiều thế hệ, mua bán súng ống được diễn ra bí mật nhưng kể từ bây giờ nó sẽ được giám sát chặt chẽ” - cô Anna kết luận.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon phát biểu ở một sự kiện rằng hiệp ước sẽ đặt một dấu chấm hết cho các hoạt động giao dịch tự do vũ khí trên thế giới và gây khó khăn nhiều hơn cho các thủ lĩnh quân sự, hải tặc, khủng bố và tội phạm trong việc tiếp cận vũ khí.

Alistair Burt, một quan chức Bộ Ngoại giao Anh, thúc giục các nước thành viên nhanh chóng phê chuẩn hiệp ước. “Thế giới đã đợi quá lâu, chúng ta không nên và sẽ không đánh mất những sự đồng thuận đã đạt được. Mục tiêu của chúng tôi là hiệp ước nhanh chóng có hiệu lực và được áp dụng trên toàn cầu” - ông Alistair nói sau khi đặt bút ký văn bản.

Mỹ chưa ký, Triều Tiên phản đối

Do vẫn còn một số khó khăn trong việc chuyển ngữ bản hiệp ước ra sáu ngôn ngữ chính thức của LHQ sao cho hài hòa, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói trong một bản thông cáo rằng nước này sẽ đặt bút ký ngay sau khi bản dịch chính thức của hiệp ước được hoàn tất.

“Hiệp ước sẽ không làm suy yếu các hoạt động buôn bán hợp pháp các vũ khí thông thường, không can thiệp đến chủ quyền quốc gia hoặc xâm phạm quyền lợi của công dân Mỹ” - ông Kerry phát biểu.

Trước đó ngày 2-4, Đại hội đồng LHQ đã thông qua hiệp ước kiểm soát vũ khí đầu tiên với 154 phiếu thuận áp đảo và 3 phiếu chống.

Triều Tiên, Iran, Syria là ba nước gửi phiếu chống hiệp ước kiểm soát vũ khí mà Đại hội đồng LHQ thông qua vào tháng 4. Ba quốc gia này cũng đồng thanh phản đối cuộc họp phác thảo hiệp ước này tại trụ sở LHQ vào tháng 3.

Trong khi đó, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ cùng 20 nước khác bỏ phiếu trắng trong cuộc họp vào tháng 4. Nhiều quốc gia bỏ phiếu trắng chỉ trích hiệp ước này là phân biệt đối xử. Các nhà ngoại giao LHQ nói hiệu quả của hiệp ước có thể bị hạn chế nếu những quốc gia xuất nhập vũ khí lớn từ chối ký.

AP dẫn lời Brian Wood, trưởng bộ phận kiểm soát vũ khí thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế, nói: “Trung Quốc đang nhìn hiệp ước này với thái độ tích cực nhưng Nga vẫn còn nghi ngờ”.

Trong số những tổ chức phản đối mạnh mẽ hiệp ước có Hiệp hội súng trường Hoa Kỳ (NRA), một nhóm vận động hành lang ủng hộ sử dụng súng có thế lực mạnh ở Mỹ. Nhóm này chỉ trích phái đoàn Mỹ đã bỏ phiếu thuận cho hiệp ước trên.

NRA thề sẽ chiến đấu đến cùng để ngăn cản Thượng nghị viện Hoa Kỳ thông qua hiệp ước này với lý do nó sẽ cướp đi quyền sử dụng súng của công dân.

Nội dung của hiệp ước buôn bán vũ khí là thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế cho hoạt động vận chuyển vũ khí xuyên biên giới bao gồm các chủng loại xe tăng, xe bọc thép chiến đấu, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tàu chiến, tên lửa và các hệ thống phóng tên lửa cũng như những loại vũ khí cá nhân khác.

Hiệp ước cũng yêu cầu các quốc gia phải rà soát lại các thỏa thuận buôn bán vũ khí xuyên biên giới để chắc chắn rằng những vũ khí này sẽ không dùng cho mục đích đàn áp nhân quyền, hoạt động khủng bố, tội phạm hay vi phạm luật nhân đạo.

Hiệp ước sẽ có hiệu lực 90 ngày sau khi nhận được sự đồng thuận chính thức của 50 quốc gia. Ngoại trưởng Phần Lan Erkki Tuomioja nói có thể mất một năm để hiệp ước trên có thể đi vào hiệu lực nhưng nó phụ thuộc vào sự phê chuẩn của các quốc gia nhanh như thế nào.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên