04/06/2013 17:00 GMT+7

Hơn 65 nước ký kết hiệp ước kiểm soát vũ khí

ĐỨC TOÀN
ĐỨC TOÀN

TTO - Hơn 65 quốc gia đã ký kết Hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí toàn cầu (ATT) của Liên Hiệp Quốc trong ngày đầu tiên.

nIoBEqrn.jpgPhóng to
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle ký Hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York - Ảnh: Reuters

Ngày 3-6, các quốc gia bắt đầu ký kết tham gia hiệp ước tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc. Hãng tin AP cho biết trong ngày đầu tiên đã có hơn 65 quốc gia tham gia.

Hiệp ước yêu cầu các quốc gia phê chuẩn phải thành lập cơ quan quản lý cấp quốc gia để kiểm soát việc chuyển giao vũ khí ra nước ngoài, quản lý những người môi giới vũ khí (chứ không kiểm soát việc buôn bán vũ khí nội địa) nhằm để hoạt động này minh bạch hơn.

ATT là hiệp ước kiểm soát việc buôn bán vũ khí thông thường trên toàn thế giới đầu tiên. Hiệp ước được thông qua hồi đầu tháng 4 tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với số phiếu thuận áp đảo. Việc ký kết là bước đầu tiên để phê chuẩn hiệp ước. Hiệp ước sẽ có hiệu lực sau 90 ngày khi được 50 quốc gia phê chuẩn.

Việc buôn bán sẽ bị cấm nếu số vũ khí được xác định sử dụng cho mục đích xấu như diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh… hoặc để tấn công dân thường hay các công trình công cộng.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố nước Mỹ sẽ sớm ký kết ATT, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ trong việc kiểm soát và khống chế tình trạng buôn bán vũ khí trái phép - một trong những yếu tố thúc đẩy các cuộc xung đột và tấn công khủng bố.

Ngoại trưởng Phần Lan Erkki Tuomioja - một trong những nước ủng hộ hiệp ước - dự đoán con số 50 quốc gia phê chuẩn sẽ đạt được “trong vòng chưa tới một năm”. “Tuy nhiên thách thức thực sự là thuyết phục những người còn hoài nghi hoặc chưa quyết đoán để ký và phê chuẩn hiệp ước”.

Theo AP, những nước xuất khẩu vũ khí chủ chốt như Nga, Trung Quốc và những nhà nhập khẩu lớn như Ấn Độ, Saudi Arabia, Indonesia và Ai Cập (bỏ phiếu trắng trong phiên thông qua hiệp ước) chưa có động thái cho thấy sẽ tham gia hiệp ước.

Tổng thư ký Ban Ki Moon thúc giục các quốc gia - đặc biệt là những nước có các giao dịch vũ khí lớn - ký kết và phê chuẩn hiệp ước. “Cả thế giới đang theo dõi những nhà bán vũ khí, các nhà sản xuất và các chính phủ” - AP dẫn lời Tổng thư ký Ban.

Kim ngạch của hoạt động buôn bán vũ khí thông thường có thể lên đến 85 tỉ USD.

ĐỨC TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên