Năm 2006 từng xảy ra một vụ tương tự dẫn đến cái chết của một thuyền trưởng tàu cá Đài Loan.
Phóng to |
Sau sự cố ngày 9-5, Đài Loan phô trương sức mạnh quân sự trên biển với khí tài hiện đại trên tàu khu trục - Ảnh: Reuters |
Thế nhưng lần này phản ứng của chính quyền Đài Bắc khác hẳn. Sau khi phản đối lời xin lỗi từ phía Philippines, Đài Loan tiến hành tập trận như đã cảnh báo trước đó.
Ngày 16-5, tàu khu trục Makung cùng hai tàu hộ vệ và một tàu hải giám đã tập trận trên biển tại khu vực tranh chấp với Philippines.
Trên không là các máy bay tiêm kích khuấy động vùng biển. Chuẩn đô đốc Lý Đông Phương khẳng định đây là hành động nhằm “thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển của Đài Loan”.
Có ba điều có thể nhìn ra từ sự cố 9-5.
Thứ nhất, Đài Loan đã xử lý rất kiên quyết. Nếu xét từ tư thế thấp mà lâu nay chính quyền Đài Loan thể hiện trong các cuộc tranh chấp tại biển Đông, phản ứng lần này là chưa từng có. Đài Loan là một thực thể nhỏ, thường bị nhiều bên chèn ép.
Trước sức ép của dư luận, chính quyền Mã Anh Cửu không có đường lùi. Đài Loan xử lý vụ này để các bên liên quan ở biển Đông không coi thường họ. Chưa kể đây là dịp để khẳng định sức mạnh khí tài trên biển và tăng cường tuần tra của các lực lượng hải quân và hải giám.
Ở thời điểm này, với Philippines, Đài Loan có trong tay một số con bài mạnh: sức ép kinh tế và ngoại giao. Đài Loan đã không đắn đo ngừng tiếp nhận lao động từ Philippines, yêu cầu người Đài Loan không du lịch sang Philippines, ngừng các cuộc trao đổi đoàn cấp cao, hủy bỏ cuộc gặp cấp bộ trưởng bên lề hội nghị Tổ chức Y tế thế giới tại Geneva, ngừng các trao đổi đoàn thương mại và học giả.
Thứ hai, về phía Philippines, các nhà hoạch định chính sách đã không lường hết mức độ phản ứng của Đài Loan. Việc Đài Loan ngừng nhận lao động Philippines là một đòn đáng kể. Hiện có 90.000-120.000 người Philippines làm việc tại Đài Loan, gửi về nước hàng trăm triệu USD kiều hối. Với một thị trường lao động quan trọng như Đài Loan, Manila đáng lý phải nhanh chóng hóa giải vụ này theo phương châm “biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”.
Với tư cách là một nhà nước, lại đang phải đối phó với những hành động ngang trái của Trung Quốc trên vùng biển của mình, Philippines khó có thể đáp ứng hết các yêu cầu của Đài Loan. Nhưng họ sẽ khôn khéo, có nguyên tắc, hòa giải và hóa giải sức ép lẫn căng thẳng.
Việc tổng thống Philippines chỉ định Chủ tịch Văn phòng kinh tế văn hóa Manila Amadeo Perez sang Đài Bắc với tư cách đại diện cá nhân tổng thống để chuyển lời xin lỗi của ông và của nhân dân Philippines đã là một hành động trong mục tiêu hóa giải, dẫu vẫn chưa làm phía Đài Loan hả dạ.
Nhưng việc Philippines đề nghị sớm thương lượng với Đài Loan về một hiệp định đánh bắt cá là một sáng kiến lấy công để thủ. Nếu hai bên ký một hiệp định như vậy thì nó sẽ mở ra tiền lệ cho các nước chung biển Đông.
Thứ ba, Bắc Kinh đã không bỏ lỡ dịp để “đổ thêm dầu vào lửa” và tranh thủ dư luận hai bờ qua những tuyên bố ủng hộ đối với người dân Đài Loan. Trung Quốc phê phán Philippines dùng vũ lực. Người phát ngôn văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc nói rằng Trung Quốc “liên tục lên án việc giết người đánh cá vô tội, đòi Chính phủ Philippines nhận thức được tính nghiêm trọng của vụ này, lập tức tìm ra sự thật và trừng phạt kẻ có trách nhiệm”.
Tất nhiên, nghe những lời này thì lại thấy chính quyền Bắc Kinh đã không có một lời tự vấn nào về việc lực lượng hải giám của mình thường xuyên bắn giết, trấn áp, bắt bớ, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam đánh cá trong những vùng biển truyền thống thuộc đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Việt Nam. Trung Quốc nên học thái độ cầu thị của Philippines trong xử lý sự cố 9-5. Người Trung Quốc hẳn nhớ đạo lý của Khổng Tử từ mấy ngàn năm nay: “Mình chớ làm với người những điều không muốn người làm với mình” (Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân).
Sự cố giữa Philippines và Đài Loan càng làm nổi bật tính phức tạp của xung đột ở biển Đông. Vì vậy, thay vì nói những lời trống rỗng về thiện chí hòa bình ở biển Đông trong khi lại áp dụng “ngoại giao câu giờ”, Bắc Kinh nên ngồi vào bàn tròn cùng các nước ASEAN để thảo luận một cách chân thành, sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC). Điều này bây giờ càng trở nên cấp bách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận