11/05/2013 11:00 GMT+7

Biên giới Ấn - Trung: Đòn thử của Bắc Kinh

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Có gì chung giữa việc Trung Quốc xâm nhập biên giới Ấn Độ và Bắc Kinh đòi chủ quyền vô lý trên biển Đông và biển Hoa Đông?

6gn6DcvH.jpgPhóng to
Người Ấn Độ biểu tình ở thủ đô New Delhi hôm 30-4 chống hành vi xâm lược của Trung Quốc - Ảnh: AFP

Trên báo India Express, chuyên gia Arvind Gupta, giám đốc Viện Phân tích và nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ (IDSA), khẳng định vụ quân đội Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ từ ngày 15-4 và rút đi vào ngày 5-5 hoàn toàn không phải là một “tai nạn” hay vì hiểu sai thỏa thuận biên giới Trung - Ấn. Bởi lẽ quân Trung Quốc đã vượt qua đường biên giới Trung - Ấn, tức đường kiểm soát thực tế (LAC), và tiến sâu trong lãnh thổ Ấn Độ 19km để dựng trại với sự hỗ trợ của trực thăng và xe tải.

Ngụy biện

Chuyên gia Gupta nhận định vụ xâm nhập này là một đòn chiến thuật đã được dự liệu từ trước và phải được cấp cao trong quân đội thông qua. Theo ông, quân đội Trung Quốc đang muốn thử sức mạnh ý chí và quân sự của phía Ấn Độ tại khu vực LAC.

Từ nhiều năm qua, phía Trung Quốc đã xây dựng hàng loạt hạ tầng quân sự dọc LAC, tập trận quy mô lớn tại khu vực này cũng như nhiều lần tuyên bố các khu vực do Ấn Độ kiểm soát là thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Một cuộc xâm nhập có thể giúp quân đội Trung Quốc đánh giá khả năng phản ứng, triển khai lực lượng của quân đội Ấn Độ để chuẩn bị trường hợp xung đột thật sự nổ ra.

Quan điểm mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra để biện hộ cho vụ xâm nhập này là “Bắc Kinh và New Delhi có quan điểm khác nhau về LAC”. Tuy nhiên, chuyên gia Gupta khẳng định đây chỉ là một sự ngụy biện. Bởi Trung Quốc và Ấn Độ đã ký hai thỏa thuận quan trọng về LAC, đó là “Duy trì hòa bình và ổn định dọc LAC” năm 1993 và “Các biện pháp xây dựng lòng tin trong lĩnh vực quân sự dọc LAC” năm 1996. Trong các văn kiện này, hai bên đều đã xác định LAC rất rõ ràng.

Biển Đông và Hoa Đông: mở rộng các “lợi ích cốt lõi”

Trên báo Asia Times, tiến sĩ Namrata Goswami thuộc Viện Hòa bình Mỹ (USIP) cho rằng vụ việc xảy ra tại khu vực Ladakh của Ấn Độ là một phần trong chiến lược đòi chủ quyền từ các nước láng giềng mà Bắc Kinh đang áp dụng. Trong vài tháng qua, Trung Quốc liên tiếp xua tàu tuần tra, máy bay đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật kiểm soát trên biển Hoa Đông, dùng tàu tuần tra và tàu cá quấy rối tàu Việt Nam và Philippines trên biển Đông, phát hành hộ chiếu in bản đồ đường lưỡi bò và “vơ” luôn bang Arunachal Pradesh và vùng Aksai Chin của Ấn Độ vào lãnh thổ Trung Quốc...

Theo tiến sĩ Goswami, việc đồng loạt gây hấn với hàng loạt quốc gia láng giềng cho thấy phía Trung Quốc rất tự tin với sức mạnh kinh tế và quân sự của mình. Các động thái chiến lược tại biên giới Trung - Ấn, biển Hoa Đông và biển Đông cũng phản ánh thực tế Trung Quốc muốn hiện thực hóa mục tiêu chiến lược thâu tóm các khu vực mà Bắc Kinh mô tả là “lợi ích cốt lõi” của mình.

Trên tạp chí Forbes, nhà phân tích về Trung Quốc Donald Kirk nhận định châu Á đang phải đối mặt với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc và việc Bắc Kinh xua quân tới chiếm khu vực cao gần 6.000m so với mực nước biển là biểu tượng của thứ chủ nghĩa bành trướng đó. Nhà phân tích Bernie Lopez của tạp chí Úc EastWind Journals so sánh trong khi Mỹ thể hiện bá quyền bằng việc triển khai lực lượng quân sự khắp thế giới thì Trung Quốc lại theo đuổi bá quyền bằng cách riêng là lấn chiếm lãnh thổ các nước láng giềng.

“Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây hấn với Philippines, tranh giành chủ quyền quần đảo Senkaku của Nhật, tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, Brunei, Malaysia... Kiểu bá quyền của Mỹ là rất tốn kém, còn kiểu bá quyền của Trung Quốc thì rẻ hơn nhiều” - nhà phân tích Lopez đánh giá.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên