17/04/2013 08:00 GMT+7

Al-Qaeda hay khủng bố nội địa?

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Ngày 16-4, Mỹ đã chính thức mở cuộc điều tra để truy tìm hung thủ thực hiện vụ đánh bom đẫm máu nhất trên đất Mỹ kể từ sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001.

Câu hỏi đặt ra: đây là tác phẩm của Al-Qaeda hay một nhóm khủng bố nội địa Mỹ?

XH22MYLd.jpgPhóng to
Một nhóm cảnh sát đặc nhiệm tiếp cận hiện trường vụ đánh bom ở Boston - Ảnh: AFP

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) dẫn đầu một nhóm gồm nhiều cơ quan an ninh và cảnh sát Mỹ đã vào cuộc. Điệp viên FBI Richard DesLauriers phụ trách Boston cho biết đây là “cuộc điều tra hình sự có khả năng trở thành một cuộc điều tra khủng bố”. Thế nhưng, theo báo New York Times, các quan chức Nhà Trắng lại khẳng định đây là một vụ khủng bố dù Tổng thống Obama không gọi đây là một “vụ tấn công khủng bố”. Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Trung tâm Chống khủng bố quốc gia cũng đã vào cuộc.

Lần theo các dấu vết

FBI bối rối vì vụ đánh bom Boston

TTO - Theo hãng tin AFP, các quan chức FBI tiết lộ hai quả bom được làm từ nồi áp suất và được giấu trong ba lô. Hiện FBI đang làm lại những quả bom này để tìm hiểu cách thức sản xuất bom của hung thủ.

Trong quá khứ, chính phủ Mỹ từng cảnh báo về loại bom tự chế này. Chuyên gia chống khủng bố Jeff Beatty nhận định loại bom này “rất hiệu quả”. Nhiều khả năng hung thủ đã đặt chế độ hẹn giờ để kích nổ hai quả bom.

Điệp viên FBI phụ trách Boston Rick DesLauriers kêu gọi người dân Boston tố cáo bất kỳ ai từng nói về việc muốn tấn công giải marathon Boston hay tỏ ra quan tâm đến chất nổ. Ông cũng đề nghị người nào từng nghe thấy tiếng nổ ở những khu vực vắng người, có thể do có kẻ thử bom, nãy báo cáo với nhà chức trách.

NGUYỆT PHƯƠNG

Các nhân viên điều tra đang nghiên cứu các đoạn băng video, hình ảnh quay và chụp trong suốt giải marathon Boston để lần theo dấu vết kẻ thủ ác.

Báo Washington Post dẫn lời một cựu quan chức chống khủng bố Mỹ nhận định vụ đánh bom Boston không giống với những đòn tấn công truyền thống của Al-Qaeda. Thông thường những tay khủng bố Al-Qaeda thường sử dụng chất nổ có sức công phá lớn, tấn công một mục tiêu khép kín để gây thương vong tối đa. Còn hai quả bom nổ ở Boston là bom tự chế, không có chất nổ C-4 dù cũng chứa mảnh kim loại để gây thêm thương vong.

“Boston cũng không mang tính chất quân sự hay là mục tiêu tấn công mang tính biểu tượng như quảng trường Thời Đại hay hệ thống tàu điện ngầm ở New York - quan chức trên cho biết - Điều đó cho thấy có khả năng hung thủ có quan hệ hạn chế hoặc không có quan hệ với các phần tử nước ngoài”. Như vậy, có khả năng đây là tác phẩm của một nhóm khủng bố nội địa tại Mỹ.

Ở Mỹ, ngoài các nhóm cực đoan nội địa, kể từ khi Tổng thống Obama đắc cử, đã mọc lên như nấm những nhóm chống chính phủ lấy tên chung là Patriot (Người yêu nước) vì tin rằng chính quyền liên bang Mỹ muốn trở thành độc tài. Trung tâm luật Southern Poverty ước tính số lượng các nhóm Patriot đã tăng vọt 813% trong vòng bốn năm qua. Trung tâm này mới đây cảnh báo việc Washington thúc đẩy luật quản lý súng đạn cũng sẽ khiến các nhóm Patriot này manh động.

Tuy nhiên, một số chuyên gia an ninh Mỹ lại khẳng định Al-Qaeda là thủ phạm vụ đánh bom Boston bởi đặc trưng của nhóm khủng bố này là luôn tìm cách thu hút được sự chú ý rộng rãi của dư luận bằng yếu tố bất ngờ. Các hung thủ có thể chọn giải marathon New York gây tiếng vang hơn nhưng an ninh tại đó chặt chẽ hơn nhiều, còn Boston chưa bao giờ được xem là một mục tiêu khủng bố. Việc cảnh sát phát hiện hàng loạt quả bom ở Boston cũng là một dấu hiệu của al-Qaeda. Các chuyên gia nhận định đây là vụ tấn công được tính toán kỹ.

Các thành phố tăng cường an ninh

Hàng loạt thành phố tại Mỹ và trên thế giới đã thắt chặt an ninh để ngăn chặn nguy cơ đánh bom tái diễn. AFP cho biết tại New York, Thị trưởng Michael Bloomberg đã ra lệnh cho lực lượng an ninh thắt chặt bảo vệ các địa điểm nhạy cảm như sân bay, sân vận động, nhà ga tàu điện ngầm, cơ quan nhà nước, các địa điểm du lịch... Hơn 1.000 cảnh sát đã được điều động. Chính quyền New York cam kết sẽ bảo đảm an toàn cuộc đua marathon New York vào tháng 11 tới.

Tại Washington, Sở Mật vụ đã phong tỏa khu vực xung quanh Nhà Trắng. Chính quyền các thành phố Los Angeles, Detroit, Atlanta, Las Vegas, San Francisco, Miami... cũng tăng cường giám sát chặt chẽ các trung tâm giao thông, trường học, tòa nhà chính phủ... Chính quyền bang California kích hoạt hệ thống đánh giá nguy cơ được thiết lập từ sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001. Sở Cảnh sát San Francisco và Indianapolis đều tính toán lại an ninh cho các cuộc đua marathon sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Ở nước ngoài, Anh cũng ra lệnh tăng cường an ninh tại thủ đô London. Nhưng, như báo Guardian đưa tin, giải marathon London vẫn sẽ diễn ra vào chủ nhật 21-4. Lãnh đạo cảnh sát London cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho sự kiện thể thao quan trọng thu hút đến 36.000 vận động viên này.

Ở Pháp, Bộ trưởng nội vụ Manuel Valls cũng đã yêu cầu cảnh sát tăng cường tuần tra trên cả nước và kêu gọi người dân cảnh giác, để ý các đối tượng hoặc đồ vật khả nghi.

Truy lùng một nghi can người nước ngoài

* Taliban phủ nhận đứng đằng sau vụ đánh bom

Theo báo Boston Globe, cảnh sát Boston cho biết đang truy lùng một nghi can “nam giới, da tối màu hoặc da đen, mặc áo đen có mũ trùm đầu”. Trước hai vụ nổ, nghi can này tìm cách tiếp cận vào khu vực hạn chế ở địa điểm tổ chức cuộc đua marathon Boston, nhưng bị các nhân viên an ninh ngăn cản. Sau đó hắn biến mất. Cảnh sát khẳng định giọng nói của hắn cho thấy có khả năng đây là một người nước ngoài.

“Chúng tôi tin tưởng vào việc tấn công Mỹ và các đồng minh, nhưng chúng tôi không liên quan đến vụ tấn công này” - người phát ngôn của Taliban ở Pakistan tuyên bố.

Trước đó Taliban ở Pakistan từng nhận trách nhiệm âm mưu đánh bom bất thành quảng trường Thời Đại ở New York hồi năm 2010.

Rất khó bảo đảm an ninh cho các cuộc đua marathon

Theo các chuyên gia an ninh, việc bảo đảm an ninh tại các cuộc thi marathon là cực kỳ khó khăn. BBC dẫn lời ông Lou Marciani, giám đốc Trung tâm An ninh thể thao quốc gia thuộc ĐH Nam Mississippi cho biết địa điểm diễn ra cuộc thi marathon Boston dài tới 42km, là không gian mở thu hút tới 27.000 người tham gia và 500.000 khán giả, ai đến và đi cũng được. Tại các địa điểm khép kín như sân vận động hay nhà thi đấu, nhân viên an ninh thường kiểm tra mọi túi xách bằng máy quét. Nhưng với một cuộc đua marathon ngoài trời, việc kiểm tra này là bất khả thi!

Những vụ khủng bố đẫm máu

TT - 26-2-1993: Một xe tải chứa bom phát nổ trong tầng hầm để xe của Trung tâm thương mại thế giới (New York). Sáu người chết và khoảng 1.000 người bị thương.

* 19-4-1995: Đánh bom nhắm vào một tòa nhà chính phủ tại thành phố Oklahoma. 168 người chết và hơn 500 người bị thương. Tên khủng bố Timothy McVeigh - cựu thủy quân lục chiến Mỹ, cầm đầu vụ đánh bom - bị tử hình vào năm 2001.

* 27-7-1996: Nổ bom tại công viên Centennial Olympic, nơi diễn ra Thế vận hội mùa hè tại thành phố Atlanta. Hai người chết và 112 người bị thương.

* 11-9-2001: Vụ tấn công liều chết của các thành viên khủng bố thuộc tổ chức Al-Qaeda nhắm vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới ở thành phố New York. Gần 3.000 người chết.

HÀ AN (Theo AFP)

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Đánh bom khủng bố kinh hoàng ở BostonNhững hình ảnh hiện trường vụ đánh bom ở BostonXem video clip những giây phút đầu tiên vụ đánh bomTình báo Mỹ bị "bịt mắt" trước vụ đánh bom ở Boston

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên