12/12/2012 20:18 GMT+7

Lo ngại trước tiến bộ của công nghệ tên lửa Triều Tiên

ĐỨC TOÀN
ĐỨC TOÀN

TTO - Giới phân tích nhận định vụ phóng tên lửa hôm nay 12-12 của CHDCND Triều Tiên đã dấy lên lo ngại về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và tạo nên một mối đe dọa trực tiếp với nước Mỹ.

Vì sao Triều Tiên phóng tên lửa thời điểm này?Triều Tiên tuyên bố phóng vệ tinh thành côngNhiều nước phản ứng việc Triều Tiên phóng tên lửa

UVQdt6Zb.jpgPhóng to

Tầm bắn các tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Từ trên xuống: Tên lửa Scud B,C có tầm bắn 300-500km. Tên lửa Rodong được phóng năm 1993 và rơi ở ngoài khơi biển Nhật Bản, có tầm bắn 1.300km. Tên lửa Taepodong-1 được phóng năm 1998, một số bộ phận rơi xuống Thái Bình Dương, tầm bắn 2.500km. Tên lửa Taepodong-2 được phóng năm 2006, rơi xuống ngoài khơi biển CHDCND Triều Tiên, tầm bắn trên 6.700km. Tên lửa Taepodong-2 cải tiến là tên lửa mới được phóng hôm 12-12 - Ảnh: Asahi

Theo báo Asahi, các quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định việc CHDCND Triều Tiên phóng thành công tên lửa cho thấy Bình Nhưỡng đã đạt được công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Còn báo Mainichi (Nhật Bản) đánh giá vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên đã thể hiện bước tiến bộ lớn về công nghệ tên lửa của nước này.

Mặc dù CHDCND Triều Tiên vẫn còn nhiều hạn chế kỹ thuật, “nhưng vụ phóng lần này chắc chắn đã tăng cường thanh thế của CHDCND Triều Tiên nếu họ nói rằng đang có trong tay những quả tên lửa và sẽ phóng về nước Mỹ” - Hãng tin AFP dẫn lời chuyên viên Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie (Mỹ) James Schoff.

Từng là một cựu quan chức Bộ Quốc phòng, ông Schoff nhận định “sẽ không thể loại trừ khả năng này sau khi họ đã thực hiện cuộc thử nghiệm thành công”.

Hồi tháng 10, CHDCND Triều Tiên từng tuyên bố sở hữu những tên lửa có thể tấn công trực tiếp vào nội địa nước Mỹ. Chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn còn nhiều bí ẩn, nhưng AFP cho biết CHDCND Triều Tiên đã có đủ lượng plutonium cần thiết để chế tạo 6-8 quả bom nguyên tử. Ngày 12-12, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng việc phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Giáo sư chính trị Triều Tiên Masao Okonogi thuộc Đại học Keio (Nhật Bản) cho rằng CHDCND Triều Tiên sẽ nằm trong hàng ưu tiên đầu tiên trong chương trình nghị sự an ninh quốc gia của Mỹ kể từ nay.

“Để phóng được vệ tinh vào quỹ đạo tức là bạn phải sở hữu công nghệ bắn một đầu đạn vào khu vực mục tiêu. Bây giờ thì CHDCND Triều Tiên không còn là nguy cơ với các quốc gia láng giềng mà là mối đe dọa thật sự với Mỹ - giáo sư Okonogi nói - Tuy nhiên, vấn đề là liệu vệ tinh đó có đi vào đúng quỹ đạo dự định hay bị chệch hướng”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Ralph Cossa, chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (đặt tại Hawaii), nói: “Một tên lửa có đủ tầm phóng tới Hawaii là một chuyện, nhưng nó có bắn chính xác tới mục tiêu mà bạn muốn hay không là chuyện khác”. Tuy nhiên, vị cựu đại tá không quân Mỹ này thừa nhận “CHDCND Triều Tiên đã cải thiện được công nghệ của mình và chúng ta cần xem xét nghiêm túc vấn đề”.

Chuyên gia Ham Hyeong Pil từ Viện phân tích quốc phòng Hàn Quốc nhận định Bình Nhưỡng sẽ tiến nhanh tới cải thiện khả năng chính xác và mang đầu đạn hạt nhân của tên lửa. “Tôi tin rằng họ sẽ không mất nhiều thời gian để nắm vững hai công nghệ này, một khi họ đã vượt qua các trở ngại kỹ thuật trong các lần phóng tên lửa”.

ĐỨC TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên