Cuộc điều tra bắt đầu từ thông tin rò rỉ trên mạng xã hội.
Quan chức quản lý đô thị TQ có... 21 ngôi nhà!
Phóng to |
Sinh viên Đoàn Quốc Siêu với phong bì chứa lá thư yêu cầu chính quyền công khai tài sản của quan chức - Ảnh: Báo Tân Kinh |
Nhân Dân Nhật Báo cho biết Thái Bân, 56 tuổi, quan chức cấp cao thuộc Cơ quan Quản lý đô thị quận Phiên Ngẫu, và các thành viên trong gia đình ông ta đã đứng tên 21 căn hộ, nhà ở, biệt thự, cửa hàng, nhà xưởng với tổng diện tích lên đến 7.203,33m², trị giá 40 triệu nhân dân tệ (6,4 triệu USD)!
“Thật khó có thể tin số tài sản của Thái Bân có nguồn gốc hợp pháp - Nhân Dân Nhật Báo nhận định - Ngay chính chủ sở hữu cũng chẳng thể giải thích nguồn gốc tài sản của mình”.
Ít ai ngờ và có thể biết được quan chức này lại có thể mau “phất” lên như vậy trong khi lương của ông ta chỉ khoảng 10.000 nhân dân tệ/tháng (khoảng 33 triệu VND), nếu như không có “tai mắt” mới của người dân: mạng xã hội.
Vai trò của mạng xã hội
Ngày 9-10, trên mạng xã hội Sina Weibo xuất hiện một bài viết, trong đó tố cáo Thái Bân giàu “nứt vách” khi liệt kê toàn bộ bất động sản mà quan chức này cùng gia đình đang đứng tên, kèm theo nhiều chứng cứ là thuộc sở hữu của gia đình họ Thái.
Bài viết này đã gây nên một làn sóng mạnh mẽ trên mạng. “Trong khi nhiều người dân Quảng Châu đang phải chật vật với nơi ăn chốn ở thì việc một quan chức sở hữu hơn 7.200m² nhà ở là không thể chấp nhận được - một người dân viết trên Weibo - Với số tiền ông ta lãnh được mỗi tháng, cho dù ông ta có sống đến 500 tuổi thì cũng không đủ tiền mua nổi số bất động sản này”.
Kết quả điều tra sơ bộ của Ủy ban kỷ luật quận Phiên Ngẫu đã cho thấy chứng cứ được nêu ra trong bài viết trên là xác thực. Số lượng nhà mà ông Thái sở hữu gấp nhiều lần so với số lượng ông kê khai cho cơ quan quản lý.
Đây không phải lần đầu tiên một quan chức Trung Quốc bị kỷ luật bởi cư dân mạng. Chủ tịch Cục An toàn lao động tỉnh Thiểm Tây Dương Đạt Tài là người cũng thấm thía... với mạng xã hội. Khi ông đang chỉ đạo khắc phục hậu quả một vụ tai nạn vào tháng 8-2012 thì một loạt tấm ảnh cho thấy ông ta đang mang đồng hồ siêu sang, giá hàng trăm ngàn USD, được lan truyền trên Weibo với tốc độ chóng mặt. Người ta hoài nghi về nguồn gốc chiếc đồng hồ mà ông đang sở hữu. Kết quả là Dương Đạt Tài bị cách chức vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng”.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ biết rằng tiền thuế của mình lại biến thành món trang sức quý giá trên tay các quan chức nếu không có Weibo. Mạng xã hội đã trở thành thứ vũ khí khắc tinh đối với quan địa phương dùng tiền của dân để ních cho đầy bụng” - một sinh viên họ Lý viết.
Theo thống kê, Trung Quốc là nước có dân số sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn 274 triệu người. Weibo đã trở thành phương tiện để người dân giám sát và vạch trần hàng loạt vụ ém nhẹm tài sản của quan chức nước này.
Đòi công khai tài sản quan chức
Vụ quan chức Thái Bân bị phát hiện “giàu đột xuất” đã như giọt nước tràn ly khiến đòi hỏi công khai tài sản của quan chức tại Trung Quốc càng trở nên mạnh mẽ, đặc biệt là từ phía cư dân mạng và giới trí thức. Theo Thời báo Hoàn Cầu, làn sóng này đã bắt đầu từ tháng 4-2012 khi nghiên cứu sinh Lôi Sấm thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải viết đơn thỉnh nguyện yêu cầu công khai tài sản của 53 bộ trưởng trong chính phủ.
Đề nghị này đã nhiều lần bị cơ quan chức năng từ chối với lý do: “Lương của bộ trưởng không thuộc phạm vi công khai thông tin của chính phủ”. Dù vậy, hành động của Lôi Sấm đã mở màn cho hàng loạt yêu cầu đòi công khai tài sản của các quan chức từ địa phương đến trung ương. Chẳng hạn, vào tháng 9-2012, sinh viên Lưu Diễm Phong thuộc Đại học Tam Hiệp, Hồ Bắc đã yêu cầu công khai tài sản của Dương Đạt Tài. Tuy yêu cầu không được chấp thuận nhưng do đó cuối cùng quan chức họ Dương này cũng bị mất chức! Một tháng sau, sinh viên năm 2 Dương Phan lại “gây khó” cho chính quyền địa phương khi gửi đơn yêu cầu công khai toàn bộ thu nhập của trưởng Phòng giao thông tỉnh Phúc Kiến Lý Đức Kiên...
Sau vụ việc Thái Bân bị cách chức, chủ đề công khai tài sản, thu nhập của quan chức đã trở thành đề tài nóng trên truyền thông và các trang diễn đàn ở Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận