Đây là sự công khai bất thường ở một đất nước lâu nay rất kín tiếng.
Miễn nhiệm Tổng tham mưu trưởng Triều Tiên
Phóng to |
Tướng Ri Yong Ho (trái) xuất hiện bên cạnh lãnh đạo Kim Jong Un trong lễ duyệt binh mừng sinh nhật lần thứ 70 của cố lãnh đạo Kim Jong Il ngày 16-2-2012 - Ảnh: Yonhap |
Ông Ri Yong Ho, 69 tuổi, được xem là một trong số những nhân vật chủ chốt đã hậu thuẫn cho nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un trong giai đoạn chuyển giao quyền lực ở CHDCND Triều Tiên sau cái chết của người cha Kim Jong Il vào tháng 12-2011.
Là tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên, ông Ri Yong Ho, người được nhà lãnh đạo Kim Jong Il đánh giá cao, năm 2009 đã được bổ nhiệm vào chức vụ đứng đầu quân đội, một lực lượng hùng mạnh với 1,2 triệu quân (chiếm hơn 5% so với dân số 24 triệu người), đứng thứ tư thế giới về số quân.
Từ nhiều tháng qua, người ta thấy ông nhiều lần tháp tùng nhà lãnh đạo mới trong những chuyến đến thăm các căn cứ của quân đội. Ông đã có mặt trong lễ vinh danh mà ông Kim Jong Un dành cho ông nội mình là Kim Nhật Thành nhân kỷ niệm ngày mất của ông vào đầu tháng 7.
Tuy nhiên trong một cuộc họp của Bộ Chính trị, số phận của ông Ri Yong Ho đã được quyết định: “Tước bỏ hết mọi chức vụ vì lý do sức khỏe” như KCNA loan tin ngắn gọn, không một dòng nào giải thích nguyên nhân của sự ra đi này và ai là nhân vật sẽ thay thế.
Ông Ri Yong Ho là ủy viên Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực nhất của đất nước và là phó chủ tịch Ủy ban Quân sự trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên.
Rất “bất thường”
Không ai tin lý do KCNA đưa ra. Việc cách chức một tướng lĩnh cấp cao đang nắm giữ quân đội một cách bất ngờ là một động thái hết sức khó hiểu đối với giới chính trị quốc tế. Hơn nữa, tướng Ri Yong Ho lại đang được xem là “quân sư” có ảnh hưởng trong đường lối lãnh đạo quân đội của ông Kim Jong Un.
Ông Kim Hyung Suk, người đảm trách các quan hệ giữa hai miền thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho rằng việc loan tin của KCNA là rất bất thường. “Đây là một trường hợp rất bất thường ở CHDCND Triều Tiên vì sự việc đã được công bố quá nhanh như vậy. Thông thường những việc liên quan đến chính trị phải mất một thời gian mới được công bố, nhưng lần này lại được truyền thông Bình Nhưỡng loan tin chỉ một ngày sau khi quyết định được đưa ra” - Yonhap dẫn lời ông Kim Hyung Suk, người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, tại một cuộc họp báo.
Yang Moo Jin, giáo sư đại học tại Seoul, chuyên nghiên cứu về CHDCND Triều Tiên, tỏ ra nghi ngờ về lý do cách chức ông Ri Yong Ho do Bình Nhưỡng chính thức đưa ra, khi cho biết Bình Nhưỡng hiếm khi sa thải các nhân vật lão thành của chế độ, trong đó có nhiều người rất cao tuổi, vì lý do sức khỏe.
“Ông ta có thể đã bị thất sủng trước nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un hay đã bị thất thế trong một cuộc tranh giành quyền lực với các lãnh đạo quân sự khác” - ông Yang Moo Jin dự đoán.
Trẻ hóa bộ máy chính trị?
Trong khi đó, theo nhà phân tích Paik Hak Soon - Viện Sejong, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đang tìm cách tăng cường sự kiểm soát của đảng đối với quân đội, vốn đã trở nên quá mạnh dưới chính sách Songun (quân đội trước hết) do cha mình theo đuổi cho đến năm 2010, nghĩa là một năm trước khi qua đời.
“Ông Ri Yong Ho là một nhân vật thuộc thế hệ cha chú của ông. Rõ ràng ông Kim Jong Un thay thế ông ta để đưa vào một nhân vật trẻ hơn và gần gũi với đảng hơn, người có thể kiểm soát dễ dàng hơn” - ông Paik Hak Soon dự đoán.
“Nhà lãnh đạo trẻ có thể đã bắt đầu hướng tập trung nhiều hơn vào phát triển kinh tế” - ông Yang Moo Jin nhận định.
Tháng 4-2012, lãnh đạo Kim Jong Un dường như muốn cho thấy quan điểm trẻ hóa đội hình chính trị của ông khi đề cử một loạt nhân vật trẻ, có kiến thức về kinh tế vào các vị trí chủ chốt trong Đảng Lao động Triều Tiên.
Nhà phân tích Hàn Quốc Hong Hyun Ik thuộc Viện Sejong dự báo trong thời gian tới có thể sẽ có thêm những quan chức “có tuổi” được về hưu trong chiến dịch “thay đổi thế hệ” của lãnh đạo trẻ Kim Jong Un.
Từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền, các chuyên gia và các nhà phân tích từng theo dõi đất nước “khép kín” và bí ẩn này, luôn thử tìm cách giải mã các ý định của nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên: liệu ông sẽ đi theo con đường cũ của ông nội và cha mình hay hướng đến một chính sách mở cửa?
Câu hỏi này rất quan trọng đối với Seoul, Washington, Bắc Kinh và cả khu vực nói chung vì Bình Nhưỡng hiện sở hữu vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, hàng ngàn tên lửa và một quân đội hùng mạnh. Nhưng cho đến nay, các tín hiệu phát đi từ Bình Nhưỡng xem ra còn đầy mâu thuẫn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận