Phóng to |
Đài truyền hình Philippines ABS-CBN cho biết việc thông qua công ước đã tồn tại gần hai thập kỷ này sẽ là một trong những cách để Mỹ gây sức ép lên Trung Quốc tại biển Đông. UNCLOS có hiệu lực chính thức từ năm 1994 và đến nay đã có 164 nước phê chuẩn. Cả Philippines và Trung Quốc đều đã phê chuẩn UNCLOS.
Những người sẽ phát biểu trong phiên điều trần (do thượng nghị sĩ Dân chủ John Kerry làm chủ tịch) trên dự kiến bao gồm Bộ trưởng ngoại giao Hillary Clinton, Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta và tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ.
Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên đường chín đoạn ở biển Đông không hề đề cập gì đến UNCLOS mà dựa trên những bản đồ “thời xa xưa” chỉ có nước này thừa nhận. “Khi một nước trở thành thành viên của UNCLOS, nước đó có nghĩa vụ điều chỉnh các tuyên bố hải phận và pháp luật quốc gia tương thích với các quyền và nghĩa vụ được quy định trong hiệp ước” - Robert Beckman, giám đốc trung tâm luật quốc tế, nói trong một hội thảo ở Bắc Kinh mới rồi.
Trước giờ Mỹ không phê chuẩn UNCLOS chủ yếu vì những hạn chế trong việc khai thác đáy biển và vì nước này có hải quân hùng mạnh hoạt động trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, Bộ trưởng ngoại giao Clinton đã tuyên bố việc phê chuẩn UNCLOS là một trong những ưu tiên của Bộ ngoại giao, một lập trường nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Barack Obama.
Quân đội Mỹ cũng muốn phê chuẩn hiệp ước này để tránh phải đối phó với việc các nước tuyên bố chủ quyền khác nhau và chồng lấn ở nhiều vùng biển khiến các điều kiện hàng hải trở nên không chắc chắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận