04/05/2012 08:06 GMT+7

Đối đầu Ấn - Trung trên biên giới

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Vụ máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận Ấn Độ, như lời tố cáo mới đây của New Delhi, là một dấu hiệu nữa cho thấy cuộc đối đầu quân sự lặng lẽ nhưng căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á.

6nOO8Wbg.jpgPhóng to
Với tên lửa Agni 5, Ấn Độ đủ khả năng tấn công mọi mục tiêu tại Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Báo Daily News & Analysis ngày 3-5 dẫn lời trung tướng Anil Chait thuộc Bộ chỉ huy trung ương khẳng định quân đội Ấn Độ luôn “cảnh giác” với mọi động tịnh ở biên giới Ấn - Trung, bởi “chúng tôi muốn trấn an người dân rằng quân đội luôn sẵn sàng bảo đảm an ninh biên giới và bảo vệ tổ quốc”. Cùng ngày, kênh Zee News đưa tin tiểu đoàn trinh sát Arunachal 1 của Ấn Độ đã có mặt ở khu vực biên giới giữa bang Arunachal Pradesh với Tây Tạng để “đảm bảo an ninh và hòa bình”. Các tiểu đoàn trinh sát Arunachal được thành lập năm 2009 với nhiệm vụ trinh thám và chiến đấu trong vùng rừng núi để hỗ trợ hai sư đoàn 56 và 71 bảo vệ vùng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Đây là những thông tin rất đáng chú ý. Chỉ một ngày trước đó, tại quốc hội, Bộ trưởng quốc phòng A.K. Antony cho biết máy bay Trung Quốc đã hai lần xâm phạm không phận Ấn Độ trong tháng 3-2012. Cả hai vụ đều diễn ra ở bang miền núi Himachal Pradesh nằm cạnh Tây Tạng.

Vụ xâm phạm trên không này là một diễn biến mới, chứ trước đó các vụ xâm lấn biên giới trên bộ diễn ra thường xuyên. Theo truyền thông Ấn Độ, quân đội Trung Quốc thường xuyên có những hành vi xâm lấn dọc đường biên giới kéo dài 4.057km giữa hai nước. Báo Hindustan Times đưa tin hồi tháng 6-2008, một nhóm quân Trung Quốc đã xâm nhập sâu hơn 1km vào bang Sikkim của Ấn Độ. Một tháng sau, quân Trung Quốc lại đến đập phá một số cấu trúc xây bằng đá trong khu vực này.

Theo báo Financial Times, năm 2009 khi chính quyền Ấn Độ vay tiền từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để phát triển thủy lợi ở bang Arunachal Pradesh, Bắc Kinh đã dùng ảnh hưởng ở ADB để ngăn chặn các khoản vay này. Tháng 8-2010, báo Daily News & Analysis dẫn báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội Trung Quốc đã bí mật đưa tên lửa tầm xa Đông Phong, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đến khu vực biên giới gần Ấn Độ.

Lầu Năm Góc khẳng định Bắc Kinh còn xây dựng kế hoạch triển khai máy bay đổ quân xuống khu vực. Cuối năm 2010, quân đội Ấn Độ đã triển khai hơn 36.000 quân đến khu vực phía đông bắc bang Arunachal Pradesh. Năm 2011, dư luận Ấn Độ sôi sục khi tạp chí Outlook India đưa tin Anthony Shimray, lãnh đạo nhóm ly khai Ấn Độ NSCN, lúc bị quân đội Ấn Độ bắt giữ đã khai Trung Quốc đổ tiền và cung cấp vũ khí cho các nhóm ly khai ở vùng đông bắc Ấn Độ.

Toàn bộ những diễn biến này là không lạ. Kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962, quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc chưa bao giờ yên ả, dù thương mại song phương liên tục tăng trưởng. Trung Quốc luôn cho rằng khu vực phía bắc bang Arunachal Pradesh là thuộc Tây Tạng cũ, do đó thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Năm 2006, đại sứ Trung Quốc tại New Delhi đã khiến New Delhi nổi giận khi tuyên bố toàn bộ bang Arunachal Pradesh là của Trung Quốc. Bắc Kinh thậm chí còn đòi chủ quyền vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.

Ấn Độ cũng có lý do khác để lo ngại. Năm khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Trung Quốc là Pakistan, Myanmar, Bangladesh, Iran và Sri Lanka đều là láng giềng của Ấn Độ. Năm 2011, khi có tin Trung Quốc đang lên kế hoạch xây hàng loạt cảng thương mại ở Myanmar, Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan, giới chuyên gia quân sự Ấn Độ đã khẳng định Bắc Kinh trên thực tế muốn xây cảng quân sự để bao vây Ấn Độ.

Do đó, Ấn Độ đang tăng cường lực lượng vũ trang và hiện đại hóa các loại khí tài để đối phó với nguy cơ Trung Quốc. Ngày 2-5, trang Eurasia Review dẫn lời nhà phân tích Emre Tunç Sakaolu mô tả biên giới Ấn Độ - Trung Quốc là “ngọn núi vô vọng” và dự báo quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc sẽ ngày càng xấu đi do xung đột lãnh thổ.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên