22/03/2012 09:00 GMT+7

Nghi can xả súng tự xưng là "chiến binh Hồi giáo"

SƠN HÀ - NGỌC HÀ
SƠN HÀ - NGỌC HÀ

TT - Hôm qua 21-3, cảnh sát Pháp đã bao vây kẻ bị tình nghi là hung thủ bắn chết bảy người tại tây nam nước Pháp. Nhà chức trách khẳng định đây là một tên khủng bố chứ không phải kẻ giết người hàng loạt.

Pháp: xả súng tại trường học, 3 người chếtPháp rúng động tin hai binh sĩ bị bắn chếtPháp nâng mức báo động nguy cơ khủng bố

EGCiKWmB.jpgPhóng to
Cảnh sát đặc nhiệm Pháp đến hiện trường vây bắt nghi can khủng bố - Ảnh: Reuters

Nhật báo Le Monde đưa tin tính đến tối qua (giờ Việt Nam), cảnh sát Pháp, trong đó có biệt đội đặc nhiệm RAID, vẫn đang bao vây căn hộ ở tầng một tòa nhà trong khu dân cư Cote Pavee tại thành phố Toulouse, nơi tên nghi can sát nhân đang ẩn náu. Một cuộc đọ súng dữ dội đã xảy ra. Tên nghi can bắn qua cửa sổ căn nhà làm ít nhất hai cảnh sát bị thương nhẹ. Nguồn tin cảnh sát khẳng định nếu cuộc đối đầu tiếp tục giằng co, các đội đặc nhiệm sẽ xông vào tòa nhà.

Cảnh sát cũng đã cố thương thuyết với tên tội phạm. Theo kênh truyền hình BFM, một số quan chức cảnh sát cho biết nghi can sẽ sớm đầu hàng. Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng nội vụ Claude Gueant cho biết nhà chức trách đã đưa mẹ của nghi can đến hiện trường. “Chúng tôi đề nghị bà ấy nói chuyện với con trai và thuyết phục hắn đầu thú. Tuy nhiên bà ấy không muốn làm như vậy. Bà ấy nói rằng mình không có ảnh hưởng gì đối với con” - Bộ trưởng Gueant tiết lộ.

Theo lực lượng cảnh sát, nghi can vứt ra khỏi căn hộ một khẩu súng lục để đổi lấy “một thiết bị liên lạc”. Tuy nhiên hắn vẫn còn một khẩu súng máy Uzi, một khẩu AK-47 và nhiều loại vũ khí khác. Cảnh sát khẳng định muốn bắt sống nghi can.

Kẻ khủng bố

Theo báo Le Figaro, các vụ “tắm máu” diễn ra từ ngày 11-3. Một người đàn ông lái xe tay ga hiệu Yamaha, đầu đội mũ bảo hiểm, đã bắn chết một lính dù người Pháp gốc Bắc Phi ở Toulouse. Hung thủ sử dụng một khẩu súng ngắn Colt 45 bắn thẳng vào đầu nạn nhân theo kiểu hành quyết. Bốn ngày sau đó, thêm ba lính dù bị bắn (hai người chết) với cùng một kiểu, một người bị thương nặng tại thị trấn Montauban cách đó 45km. Tất cả đều là người gốc Bắc Phi.

Đến ngày 19-3, vẫn là kẻ đi xe tay ga Yahama, đầu đội mũ bảo hiểm xuất hiện ở trường Do Thái Ozar Hatorah tại Toulouse, bắn chết một thầy giáo và ba trẻ em. Cảnh sát xác định cùng một hung thủ sử dụng một khẩu súng gây ra các vụ án mạng trên. Trên mũ bảo hiểm của hắn có gắn máy quay nhỏ để ghi hình lại các vụ giết chóc máu lạnh.

Ban đầu nhà chức trách nghi ngờ đây là một kẻ giết người hàng loạt có tâm lý bài ngoại, phân biệt chủng tộc, bởi hắn giết người theo một kiểu cố định, nhắm vào người gốc nước ngoài. Thậm chí cảnh sát đã huy động cả các chuyên gia nghiên cứu tâm lý những kẻ giết người hàng loạt để giúp điều tra vụ án.

Tuy nhiên, báo Le Monde cho biết qua cuộc thương lượng với cảnh sát, tay súng này cho biết hắn là người Pháp gốc Bắc Phi, 24 tuổi, là thành viên của nhóm khủng bố al-Qaeda. Hắn khẳng định mình là một “chiến binh Hồi giáo” muốn báo thù cho trẻ em Palestine bị quân đội Israel sát hại ở dải Gaza và trả đũa việc quân đội Pháp hiện diện ở Afghanistan.

AFP dẫn lời Bộ trưởng Gueant cho biết hung thủ tên Mohammed Merah, từng đến khu vực biên giới giữa Pakistan và Afghanistan, nơi al-Qaeda hoành hành. Hắn từng bị bắt giữ ở Kandahar, Afghanistan, căn cứ địa của lực lượng Taliban. Le Figaro cho biết Cơ quan Tình báo Pháp (DCRI) mới đây tiết lộ đã bắt đầu để mắt đến Mohammed sau các vụ xả súng ban đầu ngày 11-3. Anh trai của nghi can cũng đã bị bắt giữ trong cuộc càn quét hôm qua ở Toulouse.

Ảnh hưởng đến bầu cử

Theo báo Le Monde, sau những vụ án mạng trên, các ứng viên tranh cử tổng thống Pháp, trong đó có Tổng thống Nicolas Sarkozy, đều đã tuyên bố ngừng tranh cử. Tuy nhiên giới quan sát bình luận vụ việc sẽ có ảnh hưởng lớn đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4. Trước đó, giới truyền thông Pháp cáo buộc ông Sarkozy tìm cách lấy phiếu của giới cử tri cực hữu bằng chiêu thổi bùng chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

AFP cho biết khi đó ông Sarkozy tuyên bố quy định ăn uống của người Hồi giáo là một vấn đề “đáng lo ngại” tại Pháp. Thậm chí ông Sarkozy còn tuyên bố có quá nhiều người nước ngoài ở Pháp, và cam kết cắt giảm số lượng người nhập cư. Le Figaro dẫn lời một số nhà quan sát đánh giá việc các vụ án có thể do nguyên nhân phân biệt chủng tộc sẽ khiến ông Sarkozy và các ứng viên theo đường lối cực hữu phải giảm nhiệt luận điệu cực đoan.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời nhà khoa học chính trị Dominique Reynie dự báo diễn biến mới của vụ án có thể có lợi cho ông Sarkozy, bởi hung thủ là một người gốc nước ngoài theo đạo Hồi. Ông Sarkozy đã thể hiện hình ảnh mạnh mẽ khi khủng hoảng nổ ra: ngừng vận động tranh cử, đến hiện trường, ra lệnh điều tra toàn quốc, dự các lễ tưởng niệm, triệu tập các lãnh đạo Hồi giáo và Do Thái giáo để thảo luận...

Giống như Tổng thống Mỹ George Bush sau vụ tấn công ngày 11-9-2011 và Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg sau cuộc thảm sát ở Oslo tháng 8-2011, ông Sarkozy cũng thể hiện hình ảnh mạnh mẽ và nhấn mạnh đến sự đoàn kết dân tộc. Và tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Bush hay ông Stoltenberg đều tăng mạnh sau những thảm kịch quốc gia.

SƠN HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên