Một là, Mỹ muốn giành lại châu Á. Sau khi Mỹ hoàn thành việc rút quân khỏi Iraq và bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ muốn định hướng lại chính sách an ninh của mình ở châu Á, như tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuần trước. Việc tăng cường hợp tác quân sự với Úc là nhằm cụ thể hóa học thuyết của ông Obama về châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở Ấn Độ Dương.
Hai là, xây dựng một “căn cứ” mới trên Thái Bình Dương. Quân Mỹ hiện đã hiện diện mạnh tại Thái Bình Dương. 2/3 lực lượng hải quân Mỹ đã đứng chân trong khu vực, nhất là tại Nhật (40.000 quân) và Hàn Quốc (28.000 quân) cũng như tại Guam. Bởi vậy, điểm đứng chân mới của quân Mỹ tại Úc ngay lập tức được Bắc Kinh xem là một bằng chứng cho thấy Washington đang tìm cách bao vây Trung Quốc.
Ba là, đối phó với việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Từ năm 2008, Bắc Kinh đã loan báo một kế hoạch nhằm hiện đại hóa lực lượng hải quân và mở rộng khả năng tấn công phủ đầu của mình (với tên lửa tầm xa bắn mục tiêu chính xác) trên biển Đông. Ngày 10-8, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay đầu tiên của mình.
Ngân sách quốc phòng năm 2010 của Trung Quốc đã lên mức 119 tỉ USD, đứng hàng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ (689 tỉ USD). Alan Dupont của Đại học Sydney nhận định với báo Sunday Morning Herald: việc tái triển khai lực lượng hải quân Mỹ ở Úc là nhằm “giải quyết tính dễ bị tổn thương ngày càng tăng lên của các lực lượng Mỹ ở Nhật và Guam đối với các tên lửa thế hệ mới của Trung Quốc. Một điều chưa từng có trước đó. Khoảng cách địa lý của Úc giờ là một lợi thế chiến lược”.
Bốn là, trấn an các nước trong khu vực. Valérie Niquet, chuyên gia nghiên cứu về châu Á của Tổ chức nghiên cứu chiến lược Pháp, nhận định: “Bằng mọi giá, các nước ven biển Đông muốn tránh không để xảy ra việc họ phải đơn thân độc mã đối mặt với sức mạnh của Trung Quốc, vốn không chỉ là một nguồn giàu có về kinh tế mà còn là mối lo ngại rất hiện thực về mặt chiến lược”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận