Phóng to |
Công nhân Trung Quốc lắp đặt thiết bị để giúp Cuba hiện đại hóa một nhà máy lọc dầu ở đông nam thành phố Cienfuegos - Ảnh: AFP |
“Đổi tiền lấy dầu”, đó là chiến lược mà Bắc Kinh đang theo đuổi ở các nước trong khu vực Mỹ Latin.
Trước chuyến thăm của Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribê (CEPAL) cũng đã công bố cho biết Bắc Kinh sẽ đầu tư 22,74 tỉ USD tập trung vào nhiều dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Theo thống kê của CEPAL, Trung Quốc đã bỏ vào khu vực “sân sau” của Mỹ hàng chục tỉ USD, trong đó hơn 92% vào lĩnh vực khai khoáng và chỉ 8% vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Tính đến nay, Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ và Hà Lan trong tổng đầu tư 112,634 tỉ USD vào khu vực này: Trung Quốc chiếm 13%, Mỹ và Hà Lan chiếm lần lượt 17% và 14%.
Trong những năm qua, đầu tư của Trung Quốc tiếp tục tăng lũy tiến theo từng năm. Nhật Báo Trung Quốc cho biết từ năm 2010, tổng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào khu vực này đã hơn 15 tỉ USD, tập trung phần lớn trong ngành dầu khí ở Brazil và Peru. Cùng năm, theo kết quả thăm dò của Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc, Brazil là nước thu hút nhiều nhà đầu tư Trung Quốc nhất và Bắc Kinh đã qua mặt Washington trở thành đối tác thương mại lớn nhất với nước này.
Theo Ủy ban công nghiệp Brazil- Trung Quốc, 65% trong số gần 13 tỉ USD đầu tư của Trung Quốc là vào lĩnh vực năng lượng và khai thác quặng mỏ. Năm 2011, như CEPAL cho biết khoảng 96% trong 22,74 tỉ USD đầu tư của Bắc Kinh là cho Brazil, Argentina và Peru vốn là ba nước có nguồn dầu khí lớn ở châu Mỹ Latin.
Ngay tại thị trường còn khép kín như Cuba, nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc cũng đã đi khúc dạo đầu. Reuters cho biết trong tháng 5-2011, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã trúng thầu dự án mở rộng một nhà máy lọc dầu ở phía nam thủ đô Havana với tổng đầu tư lên tới 6 tỉ USD do các ngân hàng Trung Quốc cung cấp. Nhà máy lọc dầu này thuộc quyền sở hữu của Cubapetroleo (CUPET) của Cuba và Petroleos de Venezuela (PDVSA) của Venezuela. Theo dự kiến, dự án được khởi động vào năm 2012.
Bằng cách đầu tư này, Trung Quốc thu lại được gì? Đơn cử như ở Venezuela, trong gần mười năm qua Trung Quốc đã bỏ ra 350 triệu USD đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của 15 giếng dầu và hơn 60 triệu USD trong các dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu và sản xuất gas. Mới đây, Bắc Kinh đã tăng khoản cho vay lên hơn 32 tỉ USD cho Venezuela. Bù lại, Trung Quốc đã nhận được từ Venezuela hơn 460.000 thùng dầu mỗi ngày.
Sự có mặt ngày một lớn mạnh dần của Trung Quốc ở khu vực Mỹ Latin được giới chuyên gia mô tả là Mỹ đang dần mất bò trong chuồng của mình, và nếu Mỹ không lo vây chuồng lại kịp thời thì sớm muộn gì thị trường này sẽ về tay Trung Quốc. Trong báo cáo do CEPAL công bố, tổng thư ký ủy ban Alicia Barcena đã nhận định: “Nguồn tư bản Trung Quốc đầu tư vào khu vực Mỹ Latin đang ngày càng tăng, chủ yếu là khai thác mỏ, năng lượng và ngành công nghiệp xe hơi. Trong tương lai, khu vực Mỹ Latin sẽ còn thu hút nền kinh tế lớn nhất châu Á này”.
Không chỉ giải cơn khát vàng đen, Trung Quốc còn thể hiện ý định quốc tế hóa đồng nhân dân tệ ở khu vực Mỹ Latin. Từ năm 2009, Argentina đã ký kết thỏa thuận trao đổi tiền tệ trị giá 10,76 tỉ USD bằng nhân dân tệ (70 tỉ nhân dân tệ), trong khi Brazil đã sẵn sàng dùng nhân dân tệ trong trao đổi thương mại với Trung Quốc thay vì USD. Năm 2011, Peru đã trở thành nước đầu tiên ở châu Mỹ Latin mở tài khoản thanh toán thương mại bù trừ bằng đồng nhân dân tệ.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc mới đây tuyên bố sẽ cùng Ngân hàng Phát triển liên châu Mỹ (Inter-American Development Bank) thành lập quỹ sử dụng đồng nhân dân tệ để đầu tư trong khu vực và quỹ này trị giá đến 1 tỉ USD. Nhật Báo Trung Quốc cho biết Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh toán thương mại bằng nhân dân tệ ra thị trường toàn cầu sau khi khu vực hóa xong đồng tiền này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận