20/06/2011 07:15 GMT+7

ASEAN kêu gọi giải pháp hòa bình cho biển Đông

HẠNH NGUYÊN
HẠNH NGUYÊN

TT - Bảy nước ASEAN đã cùng lên tiếng kêu gọi giải pháp hòa bình và sử dụng Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về luật biển để giải quyết tranh chấp ở biển Đông, thống nhất kêu gọi cần phải duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.

SeuuGwJH.jpgPhóng to
Các chiến sĩ hải quân và nhân dân huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam - Ảnh: Trọng Thiết

Tờ Philippine Star ngày 19-6 cho biết trong cuộc họp tại trụ sở LHQ ở New York lần thứ 21 của các bên tham gia Công ước LHQ về luật biển từ ngày 13 đến 17-6, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào, Philippines và Singapore đã thống nhất kêu gọi cần phải duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.

Tổng thư ký Ủy ban thư ký các vấn đề về biển và hàng hải Henry Bensurto kêu gọi tất cả các bên tham gia Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về ứng xử của các bên trên biển Đông phải tuân theo các điều khoản của tuyên bố này, đặc biệt là việc cần “kiềm chế, hạn chế các hành động có thể làm phức tạp hoặc khiến căng thẳng leo thang, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Thời điểm cho thảo luận về COC

Theo TTXVN, phản ứng trước tình trạng căng thẳng gia tăng hiện nay giữa các bên liên quan đến biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene cũng đã kêu gọi Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN cần bình tĩnh để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC).

“Đây là thời điểm để bắt đầu thảo luận kỹ về COC, bước tiếp theo của Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) đã được các bên liên quan ký kết cách đây 10 năm, nhằm duy trì hòa bình ở biển Đông, giải quyết tranh chấp trên cơ sở Công ước LHQ về luật biển năm 1982”, báo chí Indonesia dẫn lời ông Tene.

Theo ông Tene, những căng thẳng ở biển Đông liên quan đến toàn bộ khu vực Đông Nam Á, và việc duy trì hòa bình, ổn định tại đây là lợi ích của ASEAN để đảm bảo các tuyến đường vận tải biển quan trọng hoạt động bình thường.

Ba lợi thế của Việt Nam

Trên báo South China Morning Post của Hong Kong ngày 18-6, tác giả Jonathan D. London, giáo sư xã hội học tại City University of Hong Kong, cho rằng Việt Nam có ba lợi thế:

Một là, luật quốc tế thuộc về Việt Nam. Không còn nghi ngờ gì hết, Việt Nam và Trung Quốc đều có nhiều hoạt động trong các khu vực biển tranh chấp trong nhiều thế kỷ. Nhưng các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền không có nền tảng luật pháp nào hỗ trợ, và do vậy, những hành động mà Bắc Kinh thực hiện để đòi hỏi là phi pháp.

Hai là, Việt Nam có công luận quốc tế ủng hộ.

Ba là, chiến lược ngoại giao đang nổi lên của Việt Nam.

Ngày 20-6, khai mạc hội thảo về an ninh biển Đông ở Washington

Hôm nay (20-6, giờ Mỹ), tại Washington DC sẽ khai mạc hội thảo về an ninh ở biển Đông, do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế của Mỹ tổ chức. Trong hai ngày, với sự tham gia của các học giả và chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới, hội thảo sẽ đề cập những diễn biến mới nhất và đưa ra những khuyến nghị nhằm tăng cường an ninh cho biển Đông.

Ông John Negroponte, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ và ông Termsak Chalermpalanupap, vụ trưởng Vụ Chính trị và an ninh thuộc Ban thư ký ASEAN, sẽ phát biểu trong ngày khai mạc. Các chuyên gia của Học viện Ngoại giao Việt Nam cũng sẽ tham dự và tham luận tại hội thảo.

Về phía các học giả, giáo sư Carlyle Thayer của Học viện Quốc phòng Úc sẽ trình bày về các diễn biến mới nhất ở biển Đông. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông cho biết sức mạnh của Việt Nam, phần nào đó, chính là ASEAN. ASEAN đủ sức thu hút sự ủng hộ quốc tế trong các chính sách đối với Trung Quốc. Một ASEAN đoàn kết sẽ có được hậu thuẫn của thế giới. Trung Quốc như vậy sẽ bị cô lập. Quan hệ đối ngoại là tầng phòng thủ đầu tiên của Việt Nam.

T.Tuấn (từ Washington DC)

HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên