11/12/2010 17:19 GMT+7

Julian Assange trong Cuộc chiến mà bạn không nhìn thấy

CAM LY (Syracus - New York)
CAM LY (Syracus - New York)

TTCT - Sáng 7-12, John Pilger, công dân Úc, đứng ngoài cửa tòa quận Westminster tại London. Cùng một số người ủng hộ khác, nhà báo và nhà làm phim tài liệu lừng danh 61 tuổi này sẵn sàng đóng góp tài chính để giúp Julian Assange, tổng biên tập tổ chức WikiLeaks, được tại ngoại.

iPvi8ro9.jpgPhóng to
John Pilger - Ảnh: metaphorimages.com

Số tiền tại ngoại ước tính khoảng 259.000 USD. Tuy nhiên, tòa án bác quyền được tại ngoại của Assange với lý do ông không có một địa chỉ cụ thể nào và có khả năng sẽ trốn tránh việc hầu tòa thời gian tới.

Pilger nói với những nhà báo - cũng là đồng nghiệp - ở quanh ông: “(Assange) đang thực hiện công việc của một nhà báo và xứng đáng được hậu thuẫn bởi những ai tin tưởng tự do thông tin chính là nền tảng của dân chủ”.

Trước đó, John Pilger cũng thẳng thắn chỉ trích Thủ tướng Úc Julia Gillard về việc “gia nhập vào đám đông hà hiếp quốc tế để phỉ báng” công dân nước mình. Nữ thủ tướng này tuyên bố việc làm của Assange là phạm pháp. Tuy nhiên, khi được hỏi Assange đã vi phạm điều khoản cụ thể nào trong luật pháp nước Úc, bà đã không đưa ra được câu trả lời.

Sự có mặt của John Pilger tại phiên tòa của Assange không phải chỉ là một hành động bộc phát, nhà báo kiêm nhà làm phim này đã dùng kỹ năng nghề nghiệp của mình để đấu tranh cho sự thật và công lý trong nhiều thập kỷ qua. (Năm 1995, ông là người làm bộ phim Việt Nam: Trận chiến cuối cùng, đề cập những thách thức mà Việt Nam đang đối diện trong quá trình toàn cầu hóa).

Giữa tháng 12-2010, Pilger sẽ công chiếu bộ phim tài liệu mang tên Cuộc chiến mà bạn không nhìn thấy (The war you don’t see) tại London. Trong bộ phim mới nhất này, ông điểm lại vai trò của giới truyền thông thế giới trong các cuộc chiến - từ Thế chiến thứ 1 đến Hiroshima, Việt Nam, rồi Afghanistan và Iraq.

JIFRg06H.jpgPhóng to
Bìa báo Time số đề ra ngày 13-12

Theo Pilger, về bản chất, chiến tranh hiện đại đang dần trở thành “chiến trường điện tử”, trong đó giới truyền thông đóng vai trò chủ chốt. Trong Cuộc chiến mà bạn không nhìn thấy, ông chỉ ra việc giới báo chí tại các quốc gia tự do nhiệt thành đóng vai trò khua trống (ủng hộ chiến tranh trong những năm gần đây) mà không theo đuổi việc chất vấn các chính phủ lừa dối và bẻ cong sự thật.

Ông cũng đặt ra câu hỏi gai góc: Khi tội ác chiến tranh trở thành những tội ác mà chúng ta gây ra, báo chí của chúng ta đã đưa tin như thế nào? Bộ phim cũng nhấn mạnh đến quyền được biết của người dân khi các cuộc chiến được nhân danh họ. Không chỉ dừng lại ở đó, Cuộc chiến mà bạn không nhìn thấy còn đề cập một cuộc chiến khác - cuộc chiến chống lại báo chí, chống lại những “người cầm còi” trong làng báo toàn cầu. Trả lời phỏng vấn tạp chí New Internationalist, Pilger nhắc đến việc Lầu Năm Góc thành lập một ban chuyên trách “chiến tranh mạng” như là ví dụ gần đây về loại hình chiến tranh này.

Khi WikiLeaks bắt đầu tung ra loạt hồ sơ đầu tiên từ tháng 8-2010, John Pilger viết trên tờ The Stateman (Úc) về sự cần thiết phải bảo vệ tổ chức này. Ông là người sớm công bố tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ trong đó ghi rõ tình báo Mỹ dự định sẽ “cô lập tuyệt đối” tổ chức WikiLeaks. Ông cũng là người cho biết WikiLeaks đã nỗ lực kêu gọi Chính phủ Mỹ kiểm tra các thông tin mà tổ chức này dự định tung ra để bảo đảm không cá nhân nào có thể bị tác hại, nhưng bị từ chối.

Trả lời phỏng vấn Hãng tin ABC (Úc) trong tuần này, John Pilger cho biết điều quan trọng nhất mà tổ chức WikiLeaks đang làm là lột trần những lời nói dối của Chính phủ Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến tại Iraq. “Họ (chính phủ) biết quá nhiều về chúng ta. Họ đọc cả email của chúng ta. Thật tình mà nói sao chúng ta lại không có quyền đọc email của họ nhỉ?” - Pilger nói nửa đùa nửa thật.

John Pilger cũng cho biết hiện nay cùng với luật sư nhân quyền người Úc Geoffrey Robertson, người từng đại diện cho nhà thơ Salman Rushdie, ông đang nỗ lực khơi gợi phong trào kêu gọi người dân Úc ủng hộ công dân Assange trong cuộc đương đầu với các thế lực chính phủ trên thế giới.

__________

Tin bài liên quan:

Hai mặt trận chống WikiLeaksWikiLeaks ai tiết lộ ai?Tổng biên tập WikiLeaks đang ở đâu?Interpol phát lệnh bắt người sáng lập WikiLeaks“Hậu trường truyền thông” WikiLeaks

CAM LY (Syracus - New York)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên