Phóng to |
Người phát ngôn Interpol (trụ sở tại Lyon, Pháp) cho biết Interpol đã phát lệnh truy nã ông Julian Assange, công dân Úc 39 tuổi, ở mức “báo động đỏ” tới tất cả các quốc gia thành viên. “Bất cứ ai có thông tin về tung tích của Assange phải thông báo khẩn cấp cho cảnh sát quốc gia hoặc địa phương” - thông báo trên trang web Interpol.int viết. Nếu bị bắt, Assange sẽ bị dẫn độ sang Thụy Điển.
Hiện tại, không ai biết ông Assange đang trú ẩn ở đâu, dù gần đây ông xuất hiện ở Anh. Một số nguồn tin cho biết ông Assange liên tục di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác. Ngày 18-11, một tòa án ở Thụy Điển đã ra lệnh bắt ông Assange, bị tình nghi hiếp dâm và quấy rối tình dục hai phụ nữ.
Ông Assange phủ nhận mọi cáo buộc và đã nộp đơn kháng cáo ở Thụy Điển. Những người ủng hộ WikiLeaks cho rằng đây là đòn độc của những thế lực ngầm nhằm buộc Assange và WikiLeaks im lặng.
Chính trị gia Mỹ đòi xử Assange...
Tại Mỹ, chính quyền Washington đang vội vã tìm cách bịt những lỗ rò rỉ thông tin mật. Bộ Ngoại giao Mỹ đã tách các tập dữ liệu ngoại giao ra khỏi hệ thống mạng nội bộ của chính quyền. Với bước đi này, Washington đã giảm đáng kể số lượng nhân viên chính phủ có thể đọc các thông điệp ngoại giao quan trọng.
Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates lên tiếng trấn an rằng dù vụ rò rỉ 250.000 tài liệu ngoại giao là “đáng xấu hổ” nhưng không ảnh hưởng nhiều đến chính sách ngoại giao Mỹ.
WikiLeaks sẽ tấn công ngân hàng Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Forbes, ông Assange tiết lộ đầu năm 2011 Wikileaks sẽ tung ra hàng chục ngàn tài liệu “có thể khiến một vài ngân hàng lớn ở Mỹ sụp đổ”. “Các tài liệu này sẽ cung cấp một cái nhìn trung thực về cách các ngân hàng hành xử ở cấp độ điều hành và có thể sẽ dẫn đến những cuộc điều tra và cải tổ” - ông Assange cho biết. Lập tức, giá cổ phiếu Ngân hàng Mỹ (Bank of America) sụt 3,18%, cổ phiếu Goldman Sachs giảm 1,75% do có tin đồn Bank of America và Goldman Sachs chính là những ngân hàng mà ông Assange nhắc đến. |
Dù vậy, Mỹ tiếp tục bị giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các nước chỉ trích về việc các quan chức ngoại giao Mỹ kiêm luôn nghề gián điệp.
“Điều làm tôi lo ngại là sự kết hợp giữa nhiệm vụ ngoại giao và hoạt động do thám - Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon bức xúc - Việc các nhà ngoại giao được ra lệnh thu thập thông tin cá nhân của một vài người là hành vi vượt qua giới hạn”.
Ở Mỹ, đang có rất nhiều lời kêu gọi “xử” ông Assange. Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder tuyên bố Bộ Tư pháp đang mở cuộc điều tra hình sự đối với ông Assange và trang WikiLeaks, khẳng định đây không phải là lời dọa suông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philip Crowley mô tả ông Assange là “kẻ chống Chúa”, trong khi người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định ông Assange và những người làm cho WikiLeaks là “những tên tội phạm”.
Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Peter King - người sắp trở thành chủ tịch Ủy ban an ninh nội địa Hạ viện Mỹ - đòi chính quyền Washington liệt WikiLeaks vào danh sách “các tổ chức khủng bố”.
Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez ca ngợi sự dũng cảm của ông Assange và kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từ chức. Còn Bộ Ngoại giao Ecuador có lời mời ông Assange đến Ecuador để “thực hiện các hoạt động điều tra và đào tạo nghiên cứu sinh Ecuador”.
Thứ trưởng Ngoại giao Ecuador Kintto Lucas cho biết chính quyền sẵn sàng cấp hộ chiếu cho ông Assange. Tuy nhiên, mới đây Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã hủy lời mời này.
Những lỗ hổng luật pháp ở Mỹ
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder từng thừa nhận “có những lỗ hổng trong luật pháp” khi truy tố ông Assange. Kể cả khi Quốc hội Mỹ thông qua những luật mới để có thể trừng phạt WikiLeaks rò rỉ tài liệu mật, thì luật mới cũng không được áp dụng đối với các hành vi hợp pháp trong quá khứ.
Điều quan trọng là chính quyền Mỹ khó có thể bắt giữ và truy tố một công dân Úc sống bên ngoài nước Mỹ. Và theo các chuyên gia luật, kể cả trong trường hợp ông Assange đến Mỹ và sống cạnh nhà ông Holder thì Washington cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa ông Assange ra tòa.
Theo luật sư Mỹ Mark Zaid - chuyên gia về các vụ kiện tình báo, ở Mỹ không có luật nào trừng phạt dân thường về tội tiết lộ thông tin mật, ngoại trừ trường hợp tiết lộ tên tuổi của điệp viên tình báo nằm vùng và các thông tin mật liên quan đến vũ khí hạt nhân và hoạt động nghe lén điện tử.
Luật sư Zaid cho biết không hề có bất cứ bằng chứng nào cho thấy ông Assange hoặc WikiLeaks tiết lộ những thông tin dạng này.
Hạ nghị sĩ Peter King đã yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ sử dụng luật gián điệp năm 1917 để truy tố ông Assange. Tuy nhiên, cựu công tố viên Mỹ Baruch Weiss nhận xét để kết tội ông Assange vi phạm luật này, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ phải chứng minh rằng ông Assange khuyến khích vụ rò rỉ và cấu kết với nguồn tin bên trong là binh nhất Bradley Manning để tung các thông tin mật lên mạng.
Kể cả khi Washington chứng minh được rằng cả hai rõ ràng đã câu kết với nhau, thì sẽ tiếp tục phải chứng minh rằng thông tin bị rò rỉ đe dọa an ninh quốc gia và rằng ông Assange hiểu rõ các thông tin này đe dọa an ninh Mỹ và hành vi của ông là phi pháp. “Đó sẽ là một cuộc truy tố cực kỳ khó khăn” - ông Weiss khẳng định.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng nếu Mỹ có thể truy tố ông Assange tội vi phạm luật gián điệp 1917 thì cũng sẽ phải truy tố luôn các báo New York Times (Mỹ), Le Monde (Pháp), Der Spiegel (Đức), Guardian (Anh) và El Pais (Tây Ban Nha).
Từ lâu, dư luận Mỹ cũng đánh giá luật gián điệp 1917 mang tính vi hiến và xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí Mỹ.
Ngoài ra, luật pháp Mỹ cũng không có sự phân biệt rõ ràng giữa việc truy tố ông Assange cùng WikiLeaks với truy tố các tờ báo, hãng truyền thông thật sự. Mà trong quá khứ, chưa bao giờ chính quyền Mỹ dám truy tố các nhà báo hoặc các tổ chức truyền thông.
“Việc truy tố Assange sẽ vấp phải các quy định trong Tu chính án số 1 của hiến pháp Mỹ - chuyên gia Ann Woolner của Hãng tin Bloomberg bình luận - Chính quyền không thể nào hình sự hóa ngôn luận, đặc biệt là ngôn luận chính trị liên quan đến những vấn đề của công chúng. Đó sẽ là đòn giáng mạnh vào cam kết tự do ngôn luận và tự do báo chí của hiến pháp”.
Giải thích lý do đăng tải các tài liệu của Wikileaks, xã luận báo Le Monde viết: “Phần lớn các quốc gia đều giải mật các thư tín ngoại giao mà sau một số năm nhất định mới mở cửa các kho văn khố của mình. Trong trường hợp các tài liệu Wikileaks này, việc giải mật lại diễn ra gần như ngay lập tức và được thực hiện ngoài ý muốn của quốc gia có liên quan. Rõ ràng là việc phổ biến các điện tín ngoại giao của một cường quốc, như Mỹ chẳng hạn, vốn nằm ở trung tâm của mọi chủ đề quan trọng của các quan hệ quốc tế. Các cuộc trao đổi và thảo luận được giữ bí mật hoàn toàn, chúng chỉ được đưa ra công chúng sau 30-40 năm. Việc công bố sớm không thể không gây hại. đây chính là một khía cạnh trong việc làm của WikiLeaks mà chúng tôi tất yếu đã cân nhắc kỹ. Nhưng từ khi khối lượng lớn tài liệu này đã được chuyển giao, dù là bất hợp pháp, đến WikiLeaks, có nguy cơ rơi vào tay công chúng bất kỳ lúc nào, thì báo Le Monde đã nhìn nhận mình có sứ mệnh phải biết được các tài liệu này, phân tích chúng theo nhãn quan báo chí và đưa chúng đến với những người đọc của mình. Thông tin, bởi vậy, không có nghĩa là hành động không có trách nhiệm. Công khai hóa và sự cân nhắc không thể không tương thích với nhau - và đó là điều phân biệt chúng tôi với chiến lược cơ bản của Wikileaks. Năm tờ báo đối tác đã làm việc trên cùng các tài liệu thô, mà tờ báo đi đầu là New York Times đã thông báo cho chính quyền Mỹ các điện tín mà tờ báo dự tính sử dụng, và đề nghị họ cho biết các mối bận tâm có thể có về vấn đề an ninh. Năm tờ báo đã cùng làm việc chung, đã cẩn thận biên tập các tài liệu thô được sử dụng nhằm gạt bỏ những tên người cùng các chỉ báo mà việc phổ biến các thông tin này có thể gây phương hại cho họ. Báo Le Monde cũng đã đề nghị chính quyền Mỹ trình bày quan điểm của họ trên báo của mình: chính vì thế chúng tôi cho đăng tải ý kiến của đại sứ Mỹ tại Pháp trong chuyên mục “Tranh luận”. Cuối cùng, không phải ngẫu nhiên mà các tài liệu được công bố lại xuất phát từ Mỹ, đất nước tiên tiến nhất về công nghệ, và cũng có thể nói là xã hội công khai nhất. Do bản chất mở của mình, một cường quốc dân chủ dễ bị xâm nhập nhiều hơn so với một quốc gia khép kín hoặc mờ đục. Chính nước Mỹ đã làm nên cuộc cách mạng Internet, và chính đó cũng là đất nước có truyền thống “những người thổi còi”, tức “những người nổi còi báo động” của xã hội. Và Wikileaks biết rõ điều này hơn bất kỳ ai khác”. |
Tin bài liên quan:
WikiLeaks "tấn công cộng đồng quốc tế"Rúng động như “vụ tấn công 11-9”WikiLeaks lại gây sốc“Quả bom” mới của WikileaksWikileaks phơi bày bí mật cuộc chiến IraqInterpol phát lệnh bắt người sáng lập Wikileaks
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận