14/10/2010 18:16 GMT+7

Người hùng kỹ thuật trong cuộc giải cứu thợ mỏ Chile

PHAN ANH
PHAN ANH

TTO - Những nhân viên của công ty khoan nhỏ bé Center Rock ở thành phố Berlin xa xôi (thuộc bang Pennsylvania, Mỹ) còn không có truyền hình để chứng kiến họ là trung tâm của cuộc giải cứu ngoạn mục nhất thế giới.

Chính mũi khoan họ làm nên đã chạm an toàn đến nơi các thợ mỏ Chile mắc kẹt và mở đường cho cuộc giải cứu không có lấy một sai sót nào.

Điều kỳ diệu ở Chile: nhờ cả chính phủ vào cuộcNhật ký mặt đất gửi cha

kP04gnfp.jpgPhóng to
Trang web của Center Rock đưa những hình ảnh đầy tự hào về cuộc giải cứu thợ mỏ Chile

Các kỹ sư của Center Rock chỉ được tận hưởng niềm tự hào về thành quả lao động của mình qua những thông tin cập nhật trên máy tính. Thỉnh thoảng họ phải chạy đi tra dầu vào máy, nhận điện thoại của khách hàng… cho công việc thường nhật.

Thành lập năm 1998, Center Rock đã nhận được nhiều sự chú ý trong ngành khi vào tháng 7-2002, họ khoan một đường hầm tương tự để giải cứu 9 thợ mỏ mắc kẹt dưới lòng đất hơn 3 ngày trong vùng mỏ Quecreek ngập nước.

Trong cuộc giải cứu các thợ mỏ Chile, giới phân tích chỉ ra rất nhiều lý do khiến việc này thành công hoàn hảo đến vậy. Đó là sự phản ứng tích cực của chính phủ, tinh thần lạc quan của các thợ mỏ, sự cổ vũ của gia đình và cộng đồng. Nhưng hơn hết, đó là những kế hoạch giải cứu tỉ mỉ được hỗ trợ bằng công nghệ chính xác mà các công ty khoan hầm mỏ làm được.

TnKjxfGN.jpgPhóng to
Ba đường khoan dự tính để chạm đến nơi các thợ mỏ mắc kẹt.

Mới đầu, họ khoan vô số đường thông hơi để tìm các thợ mỏ. Sau đó, họ xác định được tất cả còn sống nhờ một mẩu giấy các thợ mỏ cài vào đầu mũi khoan mắc kẹt bên trên.

Lỗ thông hơi, đường vận chuyển thức ăn đã có, nhưng vấn đề của các kỹ sư là phải nới rộng con đường này để có khoảng trống vừa vặn đưa người lên mặt đất.

Các kỹ sư chia ra 3 đường khoan dự tính trên mặt bằng của khu hầm mỏ để có thể chạm vào nơi các thợ mỏ đang tập trung.

Đường khoan Kế hoạch A dùng máy khoan thủy lực Strata 950, nặng 30 tấn do Úc sản xuất hoạt động cùng lúc với Kế hoạch B dùng máy khoan T-130 để nới rộng lỗ sẵn có được dùng để chuyển lương thực cho các thợ mỏ.

Công ty Schramm đến từ thành phố West Chester, bang Pennsylvania (Mỹ) đã làm được máy khoan T-130 để nới lỗ thông xuống nơi thợ mỏ mắc kẹt.

kBHuPuUR.jpgPhóng to
Brandon Fisher (trái), ông chủ của Center Rock - công ty làm nên mũi khoan giúp mở rộng hầm cứu hộ đến gần 70cm, giúp các thợ mỏ đi qua vừa vặn - Ảnh: AP

Tốc độ khoan của T-130 nhanh hơn Strata 950 - chỉ trong hai ngày đã đạt độ sâu 113m, trong khi Strata 950 mất 6 ngày để đạt được 123m.

Còn công ty Center Rock làm được các trục rộng 28 inch (gần 70cm) có chức năng của mũi khoan. Mỗi trục này chứa 4 búa khí nén và 4 mũi khoan để di chuyển nối tiếp nhau nhằm khoan thủng đá. Thiết kế của trục khoan này sẽ bốc đất đá lên mặt đất chứ không để rơi xuống dưới, gây nguy hiểm cho các thợ mỏ.

Brandon Fisher, ông chủ của Center Rock - công ty chỉ có 74 nhân viên, đã phát minh ra kiểu mũi khoan này. Ông cùng Richard Soppe, giám đốc thiết kế các dụng cụ khoan đào, dành 37 ngày dường như không ngủ để khoan hầm cứu hộ. Việc khoan đá không hề đơn giản, nhất là mất 3 lần đầu khoan bị hỏng. Nhưng nhóm làm việc không hề nao núng và sau nhiều lần thay đầu khoan, họ đã chạm đến mái hầm các thợ mỏ đang đứng vào ngày 9-10.

1T7BD1c2.jpgPhóng to
Sơ đồ chi tiết giải cứu 33 thợ mỏ - Ảnh: Rian

Cùng lúc đó, Hải quân Chile và các tư vấn viên của NASA đã hợp tác làm 3 chiếc lồng Phoenix (chim Phượng Hoàng) để đưa từng người một dưới hầm sâu lên mặt đất theo đường mà mũi khoan vạch ra.

Chiếc lồng đầu tiên, cũng là lớn nhất với chiều dài 3 mét, đã hoàn thành hôm 25-9, gồm 3 phần chính: khoang chứa người có đai thắt an toàn (cao 1,9 mét), bình chứa ô xy để cung cấp dưỡng khí cho những thợ mỏ trong tình trạng yếu sức và bánh xe di chuyển trên vách hầm thoát hiểm. Trên lồng này còn có cửa sập để thợ mỏ thoát ra trong trường hợp có sự cố.

Khi bắt đầu tiến hành giải cứu, chiếc lồng Phoenix được đưa xuống bằng hệ thống ròng rọc đặt trên cần cẩu lớn trên mặt đất. Dây ròng rọc là loại cáp sợi quang mềm dẻo rất tốt do Nhật Bản sản xuất.

Trước đó, để chuẩn bị cho ngày trọng đại này, đội giải cứu gồm 16 thành viên đã được huấn luyện kỹ lưỡng, có đủ sức khỏe thể chất cũng như tinh thần

Đội trưởng Ovidio Rodríguez Nuñez nói: “Đây thực sự là một sứ mệnh mà Chile dành cho chúng tôi. Chúng tôi chắc chắn thành công”.

Và họ đã thành công, sự thành công của tổng lực trí tuệ, kỹ thuật, tinh thần lạc quan và tình yêu con người.

Trong 17 ngày đầu kể từ sau khi xảy ra vụ sập hầm 5-8 trước khi bắt được liên lạc với trên mặt đất, mỗi người trong số 33 thợ mỏ chỉ ăn trung bình trong vòng 48 tiếng hai thìa cá thu hộp, một nửa cốc sữa và một nửa chiếc bánh quy, và họ cùng chia sẻ nhau một giỏ đào may mắn dự trữ được.

042F6w0F.jpgPhóng to
Các thợ mỏ những ngày còn ở dưới hầm mỏ San Jose

Sau khi bắt được liên lạc, nhóm 33 người bắt đầu tiếp nhận nước khoáng, đồ ăn lỏng, thuốc. Tuy nhiên khẩu phần của họ không được vượt quá 2.200 calo/ngày để tránh tăng cân.

Tín hiệu đầu tiên của những người thợ mỏ được ghi nhận vào ngày 22-8 khi những người trên mặt đất nghe thấy một số tiếng đập vào búa mũi của một máy khoan dò. Ngạc nhiên hơn là sau đó nhóm khoan tìm đã tìm thấy một mẩu giấy nhỏ với dòng chữ đỏ "Chúng tôi 33 người vẫn sống tại khu trú ẩn."

Sau đó các chuyên gia cứu hộ đã đưa được ống nhựa nhỏ xuống để lấy thư từ những người thợ mỏ, để phần nào giảm bớt lo lắng từ thân nhân họ.

Tiếp đó, đường dây liên lạc bằng cáp quang được thiết lập để các thợ mỏ có thể nói chuyện điện thoại và đàm thoại có hình. Cuối cùng mỗi thợ mỏ được trang bị một thắt lưng sinh trắc giúp những người trên mặt đất nắm rõ được tín hiệu sống của từng người.

Về mặt sinh hoạt, sau khi bắt được liên lạc, những người thợ mỏ đều ăn 5 bữa ăn một ngày. Hệ thống đường dây điện 500W được kết nối dưới đường hầm cùng với một số bóng đèn chiếu sáng.

Hệ thống chiếu sáng này được bật ban ngày và tắt ban đêm để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực tới thị lực. Những người thợ mỏ cũng tập thể dục theo các bài tập được chuyên gia trên mặt đất hướng dẫn để tránh teo cơ.

Nhóm 33 thợ mỏ cũng chia ca để giúp công tác dọn dẹp những đất đá rơi xuống sau mỗi mũi khoan, và dành thời gian cho các trò giải trí.

Về giải trí, mặc dù ở cách mặt đất 700m song 33 thợ mỏ vẫn có một máy chiếu nhỏ để xem tường thuật một số trận đá bóng cũng như băng video về các trận đấu của vua bóng đá Pele và Maradona.

Họ cũng được nghe nhạc, được nhận một số nhật báo. Một số còn nhận được cả Kinh thánh và kẹo.

Những người thợ mỏ đã nhận được một món quà có ý nghĩa nhất là một máy quay phim có độ phân giải cao để ghi lại quãng thời gian đáng nhớ.

Ngoài ra một nhóm nghệ sỹ hài Chile đã gửi một băng hình tiểu phẩm hài hay nhất để giúp 33 người thợ giữ vững tinh thần lạc quan. Câu lạc bộ Real Madrid và cầu thủ David Villa của Tây Ban Nha cũng đã gửi áo thi đấu của mình cho những người thợ mỏ này.

Tin bài liên quan:

Xem video và hình ảnh Chile cứu 33 thợ mỏTường thuật giải cứu 33 thợ mỏ ChileNiềm hy vọng của những người mẹ, người vợ các thợ mỏCảm xúc đầu tiên của các thợ mỏCả thế giới theo dõi cuộc giải cứu "ngoạn mục" ở Chile

PHAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên