“Tháng 3 biên giới” ở Điện BiênBắt đầu “Ngày hội tháng 3 biên giới” 2014Trên đỉnh Trường Sơn
Phóng to |
Ngôi trường “Tháng 3 biên giới” của bạn đọc báo Tuổi Trẻ trao tặng cho thầy cô và học sinh tại Sam Lang đang hình thành - Ảnh: Ngọc Quang |
Đó là điều mà tôi cảm nhận khi ngồi trên chiếc xe máy để thầy Lò Văn Chiến, giáo viên Trường Nà Hỳ, chở vào bản Sam Lang, nơi đang xây ngôi trường “Tháng 3 biên giới” của bạn đọc báo Tuổi Trẻ trao tặng các thầy cô giáo và học sinh điểm trường biên giới này.
Những “túp lều tranh” ở Sam Lang
Sau hơn một giờ lên đèo xuống dốc với chiếc Yamaha chỉ cài số 1, điểm Trường Sam Lang 2 hiện ra đúng nghĩa “tranh tre nứa lá”. “Ngôi trường” thứ nhất được chia ra ba “phòng học”, mỗi phòng rộng chừng 2,5m, dài 4m đủ đặt 3-4 bộ bàn ghế và một tấm bảng. Ở điểm trường này chỉ có học sinh từ lớp 1-3. Thầy Quàng Văn Trường dạy lớp 1 bảo sĩ số lớp có 7 học sinh, nhưng tôi đếm mãi vẫn thấy... 8 học sinh! Hóa ra học sinh thứ tám ấy là em gái của Giàng Thị Dúa. Dúa học lớp 1, bố mẹ lên nương, mỗi ngày đến trường Dúa đều mang em gái theo ngồi bên. Cuối buổi học xong Dúa dắt em về nhà. Ở lớp mẫu giáo của cô Tòng Thị Minh cũng thế. Hỏi cô Minh lớp có bao nhiêu học sinh, cô nói có 15 học sinh nhưng tôi đếm thành 18 em. Hóa ra có thêm ba em được “đính kèm” như kiểu Giàng Thị Dúa ở lớp 1. Cô Tòng Thị Minh là người dân tộc Thái, ở Thanh Luông, thành phố Điện Biên Phủ. Từ đây về nhà cô ngót 200 cây số! Cô Minh kể năm kia cô được phân công dạy ở điểm Trường Huổi Dạo của xã Nà Bủng. Từ Nà Hỳ lên trung tâm Nà Bủng xa 28km. Từ trung tâm Nà Bủng vào bản Huổi Dạo dài 22km, vừa đúng 50km. Và quãng đường 50km ấy cũng khó khăn không kém gì đường Nà Hỳ vào Sam Lang, nên chi khi về dạy ở Sam Lang, quãng đường 18 km này là quá “nhẹ nhàng” so với điểm trường cũ!
Với cô Minh cũng như các thầy giáo ở điểm trường này, quãng đường đến Sam Lang trong mùa khô là chuyện “nhẹ nhàng”, dù chúng tôi thấy vô cùng nguy hiểm. Cuối tuần cô giáo Minh chỉ chạy ra trung tâm Nà Hỳ họp, và thuê nhà trọ ở đấy. 600.000 đồng mỗi tháng chỉ để ở hai hôm cuối tuần. Còn hằng ngày sau khi dạy xong, đêm đêm cô Minh lại phải về nhà ông Mùa A Sáng, thôn đội trưởng để ngủ nhờ cho an toàn. Cô Minh còn kể về chặng đường gần 20 cây số từ Nà Hỳ vào đây chỉ đi bộ vì xe máy không thể đi được. Các thầy khỏe đi mất bốn giờ, cô giáo Minh đi chừng... năm giờ! Cứ sáng chủ nhật ra chợ mua cá khô, nước mắm, thêm túi áo quần, cuốc bộ qua hàng chục ngọn đồi con suối. Hỏi cô từ đầu năm vào đây dạy đến nay đi bộ bao nhiêu chuyến rồi, cô bảo: chừng... 20 chuyến!
Ngôi trường gọi những ngôi trường
Vì khó khăn như thế nên chương trình “Tháng 3 biên giới” của báo Tuổi Trẻ khi đi khảo sát địa điểm xây trường đã quyết định sẽ xây ở Sam Lang. Gặp chủ tịch xã Nà Hỳ, anh Lò Văn Khan, người dân tộc Khơ Mú, hỏi về Sam Lang, anh bảo: “Chỗ đó khó nhất xã Nà Hỳ, chỉ có báo Tuổi Trẻ với bộ đội biên phòng mới giúp được thôi!”. Thiếu tá Phương Công Quý, đồn trưởng đồn biên phòng Nà Hỳ, kể thêm chuyện xây trường: với những con dốc 60-70 độ gần dựng đứng, xe chở vật liệu chạy lên là nhớt đổ dồn về phía sau, phía động cơ không đủ nhớt máy nổ rất “rốc”, không ôtô nào chịu nổi. Vậy là cứ chở được đoạn nào hay đoạn đó. Một tấn ximăng ở Điện Biên là 1,4 triệu đồng, chở vào tận điểm xây Trường Sam Lang, cộng với công vận chuyển, đội giá thành lên đến hơn 5 triệu đồng/tấn! Khó khăn như thế nhưng sáng qua, khi đến thăm và trao quà cho các em học sinh và thầy cô điểm Trường Sam Lang, chúng tôi thấy ngôi trường “Tháng 3 biên giới” đang thành hình. Một mái đồi được san phẳng. Các phòng học đã lên tường. Thợ xây và bộ đội biên phòng đang “hiệp đồng tác chiến”, chạy đua hoàn thành trước mùa mưa - cuối tháng 4 năm nay.
Hơn một tháng nữa ngôi trường sẽ hoàn thành. Mấy chục học sinh ở điểm Trường Sam Lang 2 sẽ không còn ngồi chen chúc trong “túp lều tranh” xơ xác nữa. Các thầy cũng có chỗ trọ đàng hoàng hơn. Trước sân trường sẽ dựng một cột cờ thật cao, trên đó lá cờ Tổ quốc sẽ tung bay mỗi ngày. Và nói thêm một điều này nữa: từ điểm Trường Sam Lang 2, chỉ đi thêm chưa tới 100m là sẽ gặp đường ranh biên giới! Trên dọc dài biên giới còn hàng trăm điểm trường cần phải xây như điểm Trường Sam Lang. Và tiếng hát học trò vang lên cùng với lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trên những ngôi trường biên ải sẽ là một thông điệp âm vang về chủ quyền đất nước!
Sáng 14-3, ngày hội “Tháng 3 biên giới” do báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức cùng Trung ương Hội LHTN VN, Tỉnh đoàn Điện Biên và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên đã “khai hội” tại xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ. Ngoài kinh phí 1 tỉ đồng xây điểm Trường Sam Lang 2, trong buổi sáng đoàn cán bộ y bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh đã khám bệnh và cấp phát thuốc cho hơn 700 người dân xã Nà Hỳ; tặng chăn ấm và tiền cho già làng trưởng bản, gia đình chính sách; tặng áo ấm, sách vở và học bổng cho học sinh; tặng quà cho giáo viên một số điểm trường trên địa bàn Nà Hỳ. Dịp này Nhà xuất bản Trẻ đã tặng năm tủ sách trị giá 50 triệu đồng cho đồn biên phòng Nà Hỳ và một số trường tại Điện Biên. Chương trình còn có sự đóng góp của Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí, Công ty Bachy Soletanche và bạn đọc báo Tuổi Trẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận