Phóng to |
Hằng ngày Trâm lên đồi bẻ măng để mẹ mang vào công ty bán cho công nhân - Ảnh: Quang Phương |
Huyền Trâm ở ấp Thái An, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, trúng tuyển vào hai trường đại học: Kinh tế TP.HCM và Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM).
Bỏ học vì không có tiền
Để có tiền nhập học, cả tháng nay Trâm làm đủ thứ công việc. Buổi sáng lên đồi bẻ măng, buổi chiều và tối đi dạy kèm cho học sinh trong xã. “Một tháng qua em dành dụm được hơn 1 triệu đồng rồi, nhưng tiền học phí gần 3 triệu đồng. Chắc mẹ phải đi vay mới đủ tiền nhập học! Kỳ này, bằng mọi giá em phải theo học bằng được chứ không bỏ như năm ngoái nữa!” - Trâm hạ quyết tâm.
Trâm đang sống với mẹ, em gái và bà ngoại đã già yếu. Cha đã bỏ mẹ con em đi khi Trâm chưa đi học. Cuộc sống hằng ngày đều trông chờ vào đồng lương công nhân của mẹ. Bà Hà Thị Dấu - mẹ Trâm - làm công nhân da giày, lương tháng chỉ hơn 3 triệu đồng. Từ khi học lớp 9 Trâm đã bắt đầu đi làm công nhân ở xưởng gỗ, đi bẻ măng trên đồi, lên lớp 10 em bắt đầu đi dạy kèm để kiếm tiền phụ mẹ.
Năm 2012 Trâm thi đại học và trúng tuyển vào ngành thiết kế đồ gỗ nội thất Trường đại học Nông lâm TP.HCM. Lòng tràn ngập niềm vui nhưng niềm vui ấy em chỉ ngắm nhìn và mơ ước qua giấy báo trúng tuyển. Ngày nhập học, Trâm cũng đến trường như bao tân sinh viên khác nhưng em không làm thủ tục nhập học mà xin bảo lưu kết quả thi để năm sau nhập học vì không có tiền. Tuy nhiên Trâm không được bảo lưu kết quả.
Gạt nước mắt tiếc nuối, Trâm nhủ với lòng mình: “Chỉ là tạm thời khép lại ước mơ bước vào giảng đường đại học thôi, nhất định phải tìm cách...”.
Không từ bỏ ước mơ
Nhà nghèo, đi làm thuê, làm mướn đủ nghề nhưng suốt 12 năm học Trâm đều đạt học lực giỏi. Vậy mà không được ngồi trên giảng đường đại học Trâm xót xa lắm! Nhưng em gạt nước mắt, tạm gác lại nỗi buồn, lo đi làm thêm kiếm tiền và quyết không từ bỏ ước mơ.
Từ ngày ước mơ vào giảng đường đại học không thành, Trâm về nhà đi làm đủ mọi việc: trồng cỏ trong an viên Vĩnh Hằng, nhận đan hàng mây tre, đi bẻ măng trên đồi, làm gia sư... để kiếm tiền và ôn tập cho kỳ thi đại học tới.
Trâm nhớ lại: “Có những lúc đang làm em bỗng nhiên chảy nước mắt. Em khóc không phải vì cơ cực bởi đã quen rồi mà khóc vì ước mơ của em bị dang dở, chưa thành hiện thực”. Và những lúc đó Trâm luôn nhắc lòng mình: “Con đường học vấn là cứu cánh duy nhất cho chuỗi ngày cơ cực của bản thân. Chỉ có tiếp tục học mới mang lại sự yên ấm cho gia đình, vì điều đó hãy gắng lên!”.
Giờ đây Trâm quyết định theo học Trường đại học Kinh tế TP.HCM. “Em thích lĩnh vực kinh tế vì học phí thấp hơn nên đỡ bớt gánh nặng tiền bạc”, Trâm nói. Trâm dự tính lên thành phố nhập học sẽ xin đi làm gia sư vì em đã có kinh nghiệm nhiều năm dạy kèm. “Phải đi làm thêm để lo cho việc học của mình”, Trâm nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận